Liệu thượng đỉnh Nga - Mỹ tại Phần Lan có mở ra trang sử mới?

Hà Kim| 16/07/2018 15:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Lịch sử đã chứng minh Nga - Mỹ dù luôn đối đầu, song 2 bên vẫn luôn có cơ hội cải thiện quan hệ nếu bắt đầu từ những vấn đề nhỏ mà tiềm năng.

Ngày 16/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump sẽ gặp gỡ tại Phần Lan trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo này trong bối cảnh quan hệ song phương đang rơi xuống mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh lạnh.

Theo đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tới Helsinki vào tối 15/7 để tham dự cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Máy bay Không lực 1 chở Tổng thống Trump đã hạ cánh xuống sân bay Helsinki vào lúc 20 giờ 55 phút tối 15/7 (0 giờ 55 phút ngày 16/7 theo giờ Việt nam). Ông đã được Đại sứ Mỹ tại Phần Lan Robert Pence chào đón trước khi trở về nơi ở tại Helsinki.

Tổng thống Trump đã tới cùng với phu nhân, bà Melania Trump và một loạt quan chức cấp cao, gồm Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly, Phó Chánh văn phòng Nhà Trắng Zack Fuentes, Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton, Chánh văn phòng kiêm Thư ký điều hành Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) Fred Fleitz, Cố vấn Chính sách Stephen Miller, Giám đốc truyền thông Dan Scavino, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders.

Liệu thượng đỉnh Nga - Mỹ tại Phần Lan có mở ra trang sử mới?

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump

Nhiều chuyên gia nhận định, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tiếp tục làm nên lịch sử sau cuộc gặp Thượng đỉnh với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, khi ông có cuộc gặp chính thức đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào hôm nay tới tại Helsinki.

Trợ lý về chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga, ông Yuri Ushakov cho biết, cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ bắt đầu diễn ra lúc 13 giờ theo giờ Moskva (17 giờ Việt Nam) ngày 16/7, tại Dinh tổng thống ở thủ đô Helsinki của Phần Lan.

Dự kiến, chương trình nghị sự tại cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo quyền lực hàng đầu thế giới Nga - Mỹ lần này được cho là bao gồm các vấn đề chính gây căng thẳng trong quan hệ song phương, trong đó có vấn đề Ukraine, Syria và cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016.

Giới chuyên gia nhận định dù không ít lần lớn tiếng với nhau, nhưng tại hội nghị Helsinki lần này, ông Trump và ông Putin sẽ dành cho nhau những phát ngôn kiềm chế, nồng ấm nhằm cải thiện lại quan hệ Nga – Mỹ vốn được cho là tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến thứ 2 kết thúc.

Giới quan sát cho rằng, Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump có thể tìm kiếm những nền tảng chung để đối thoại. Và điều này không phải là không thể nếu họ bắt đầu từ những vấn đề dễ dàng. Có thể, Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tập trung vào vai trò của các mối quan hệ thương mại nhằm xây dựng một nền tảng lâu dài và vững chắc cho mối quan hệ toàn diện.

Lịch sử chứng minh rằng, trao đổi giáo dục văn hóa, hợp tác du lịch và thương mại sẽ là những con đường hiệu quả và dễ dàng để cải thiện quan hệ Nga - Mỹ. Do đó, đây sẽ là một kết quả “đáng giá” mà không cuộc gặp Thượng đỉnh Nga - Mỹ nào có thể bỏ qua.

Một kỳ vọng lớn đặt vào Thượng đỉnh Nga - Mỹ lần này là việc Washington cân nhắc lại khuyến cáo du lịch và đi lại Nga. Đây vốn là rào cản cho những lĩnh vực trao đổi giáo dục, văn hóa và thương mại nêu trên.

Về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ, Moskva chắc chắn sẽ nhất quán giữ nguyên quan điểm phủ nhận, song theo các chuyên gia nhận định hai bên có thể ra một tuyên bố chung về việc ngăn chặn những hành động như vậy trong tương lai.

Trong khi đó, cố vấn cấp cao và Giám đốc Chương trình Nga và Âu - Á tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế Olga Oliker cho rằng, hai nhà lãnh đạo sẽ tập trung vào 3 chủ đề liên quan tới lợi ích song phương, gồm việc mở rộng Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START mới), bảo vệ Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung và thiết lập các kênh liên lạc quân sự chặt chẽ hơn trong nhiều lĩnh vực.

Dù như thế nào thì trên thực tế cuộc gặp giữa 2 lãnh đạo Nga - Mỹ diễn ra bất chấp các đồng minh châu Âu của Mỹ vẫn giữ chính sách cố gắng cô lập Tổng thống Putin trên trường quốc tế cũng đã là một "chiến thắng" với Điện Kremlin. Trước đó, Washington cũng liên tục lùi kế hoạch gặp song phương còn Moskva luôn tìm kiếm cơ hội để hai nhà lãnh đạo có thể ngồi lại và thảo luận về tình hình thế giới cũng như quan hệ song phương.

Với nhận định, các cuộc xung đột tại Syria hay Ukraine cũng như cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016 và những biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga là những chủ đề quan trọng trong quan hệ hai nước ở thời điểm hiện tại, nhiều chuyên gia hy vọng hai bên sẽ đạt được những quyết định mang tính đột phá tại cuộc gặp lần này để có thể ra một tuyên bố chung.

Nói về người đồng cấp Nga Putin, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông nghĩ rằng, ông có thể có mối quan hệ tốt với Tổng thống Putin. Ông Trump cho rằng, ông có thể thảo luận với nhà lãnh đạo Nga tốt hơn là thông qua các cuộc điện đàm. Nếu Tổng thống Nga có mặt tại cuộc họp, ông có thể yêu cầu ông ấy cùng làm những điều tốt đẹp cho thế giới, cho nước Nga và cho bản thân mình.
 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liệu thượng đỉnh Nga - Mỹ tại Phần Lan có mở ra trang sử mới?