“Liều thuốc” nào trị “bệnh nan y”?

congly.com.vn| 13/04/2012 10:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mặc cho những biện pháp mạnh tay của cơ quan chức năng, tình trạng chây ỳ, nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, làm thiệt hại đến quyền và lợi ích của người lao động tại nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô đang gây bức xúc dư luận. Càng nghiêm trọng hơn khi đến giữa năm 2011, Bảo hiểm xã hội Tp. Hà Nội đang là “chủ nợ” của hơn nửa ngàn tỷ đồng.

Các đơn vị nợ BHXH Tp. Hà Nội lên đến 542,6 tỷ đồng

Doanh nghiệp chây ỳ và lách luật

Tổng số tiền nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) của các đơn vị với BHXH Tp. Hà Nội đã lên tới 542,6 tỷ đồng, chiếm 5,2% tổng số thu năm 2011, trong đó nợ từ 12 tháng trở lên chiếm tới 245,3 tỷ đồng.

Số tiền nợ trên đã phản ánh công tác thu BHXH, BHYT đang gặp nhiều khó khăn khi các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô, nhất là những doanh nghiệp nhà nước chuyển sang cổ phần thuộc các ngành giao thông, xây dựng và dệt may - đang tìm mọi "chiêu" đối phó. Một trong những "chiêu" đó là viện dẫn những lý do: ảnh hưởng suy thoái kinh tế dẫn đến việc sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, hoặc, công trình xây dựng đã hoàn thành nhưng chủ đầu tư chưa thanh toán tiền dẫn đến doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, không còn khả năng trả lương cho lao động cũng như đóng BHXH.

Giám đốc BHXH Tp. Hà Nội Nguyễn Thị Phương Mai cho biết, không ít các doanh nghiệp có “chiêu” khác là không ký hợp đồng với người lao động hoặc ký hợp đồng dưới 3 tháng, với những công việc có tính chất thường xuyên. Đây là phương thức trốn nộp BHXH, BHYT rất “hiệu quả” khi vừa dễ chấm dứt hợp đồng lao động khi cần, lại giảm chi phí bắt buộc cho doanh nghiệp khi chấm dứt hợp đồng theo quy định, đồng thời tiện đối phó khi có thanh tra, kiểm tra.

“Theo quy định của Luật BHXH, khi doanh nghiệp có số tiền nợ lớn, thời gian nợ trên 12 tháng sẽ bị khởi kiện. Nhưng hiện nay, những “con nợ” của cơ quan BHXH còn có thủ đoạn "lách luật" rất tinh vi để không bị đưa ra tòa. Đó là, chỉ cần trả một phần nợ trong tổng số nợ để có thời gian nợ dưới 12 tháng, doanh nghiệp đã thoát ra khỏi "danh sách đen" của cơ quan BHXH để không bị khởi kiện ra tòa” - bà Mai bức xúc.

Tòa án sẵn sàng vào cuộc

Để giải quyết tình trạng doanh nghiệp chây ỳ, nợ đọng tiền BHXH, BHYT, Hà Nội đã có nhiều biện pháp, thậm chí khởi kiện ra tòa những đối tượng này, mặc dù đưa doanh nghiệp ra tòa là chuyện không đơn giản bởi những vướng mắc liên quan đến chế tài và thủ tục pháp lý.

Trong khi chế tài xử phạt với những doanh nghiệp "đen" được quy định tối đa chỉ 30 triệu đồng, quá nhẹ so với sự vi phạm, để hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị khởi kiện như theo dõi, tập hợp chứng từ, lập biên bản, đốc thúc, khởi kiện... phải mất ít nhất 6 tháng. Trong thời gian này, nếu doanh nghiệp có những động thái "tích cực" như nộp một phần khoản nợ thì không thể khởi kiện được. Đó là chưa nói đến trường hợp một số doanh nghiệp tuyên bố phá sản, chủ doanh nghiệp không còn trên địa bàn hoặc kinh phí để khởi kiện…

“Khó khăn nhất là việc lập biên bản, hoàn thiện hồ sơ khởi kiện doanh nghiệp ra tòa. Nguyên nhân chủ yếu do chủ sử dụng lao động thường trốn đoàn kiểm tra, cố tình để cấp phó làm việc với đoàn và ký vào biên bản. Mà VKSND lại không chấp nhận chữ ký này do cấp phó không đủ thẩm quyền và tư cách pháp nhân” - Giám đốc BHXH Tp. Hà Nội Nguyễn Thị Phương Mai bức xúc.

“Từ nay đến cuối năm 2011, cùng với việc tăng cường công tác đốc thu, đôn đốc các doanh nghiệp, đơn vị nợ đọng bảo hiểm năm 2010, tăng cường công tác thanh, kiểm tra nội bộ, thanh tra liên ngành, BHXH Tp. Hà Nội sẽ kiên quyết hơn nữa trong việc xử lý các trường hợp nợ đọng, tiếp tục khởi kiện ra toà các đơn vị, doanh nghiệp chây ỳ tiền nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, buộc doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ của mình với người lao động” - Phó Giám đốc BHXH Tp. Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho hay.

Có thể hiểu đó là quyết tâm của BHXH Tp. Hà Nội trước tình trạng nợ đọng BHXH diễn ra ngày càng nghiêm trọng trên địa bàn. Thực tế cũng cho thấy, khi cơ quan này có những động thái mạnh mẽ, kiên quyết thì khả năng thắng kiện là hoàn toàn có thể.

Anh Tùng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Liều thuốc” nào trị “bệnh nan y”?