Ngày 17/5, LienVietPostBank, CTCP Him Lam và UBND tỉnh Lâm Đồng ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển cây mắc ca thành cây chiến lược mới tại Lâm Đồng, góp phần nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh, từ đó nhân rộng mô hình ra toàn Tây Nguyên.
Đây là nội dung chính trong Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Him Lam và UBND tỉnh Lâm Đồng được ký kết nhân dịp Hội nghị Xúc tiến Đầu tư và An sinh xã hội Tây Nguyên lần thứ 3 do Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức tại TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
LienVietPostBank, Him Lam và UBND tỉnh Lâm Đồng ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác trong việc phát triển cây mắc ca thành cây chiến lược (lâm - nông - công nghiệp) mới tại tỉnh Lâm Đồng.
Cụ thể, 3 bên sẽ phối hợp xây dựng quy hoạch chi tiết phát triển cây mắc ca tại tỉnh Lâm Đồng; Xây dựng Kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu mắc ca; Khảo sát, đánh giá các vườn cây mắc ca có năng suất, chất lượng tốt trên địa bàn; Xây dựng Quy trình kỹ thuật về việc trồng, chăm sóc và thu hoạch đối với cây mắc ca; Xây dựng mô hình liên kết để cung cấp vốn tín dụng cho hộ nông dân trồng cây mắc ca và tổ chức truyền thông và tập huấn kỹ thuật cho người nông dân.
Với mục tiêu cùng phát triển mắc ca Việt Nam, trong thời gian qua, LienVietPostBank đã đồng hành với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền tỉnh Lâm Đồng và Him Lam trong việc thúc đẩy chương trình phát triển cây mắc ca trở thành cây trồng lâm - nông - công nghiệp chiến lược mới tại Việt Nam.
LienVietPostBank và Him Lam là 2 đơn vị đã cùng lập Đề án phát triển mắc ca tại Việt Nam nhằm đồng hành và giúp việc làm giàu chính đáng cho bà con nông dân trên vùng Tây Nguyên. Dự kiến, trong 5-10 năm tới, LienVietPostBank sẽ dành khoảng 20.000 tỷ đồng đầu tư phát triển mắc ca tại Tây Nguyên, trong đó riêng Lâm Đồng trong 5-10 năm tới LienVietPostBank sẽ đầu tư từ 5.000-10.000 tỷ đồng cho mắc ca và phát triển các đối tượng kinh doanh khác.
Theo đó, Đề án thực hiện chương trình cho vay vốn phát triển mắc ca của LienVietPostBank, sản xuất giống, xây dựng nhà máy bao tiêu sản phẩm của Him Lam và phối hợp với doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp bảo hiểm tiền vay. Mục đích đầu tiên là đồng hành và giúp bà con nông dân Tây Nguyên làm giàu một cách bền vững trên vùng đất màu mỡ và giàu tiềm năng Tây Nguyên phù hợp với cây mắc ca. Người dân chỉ việc trồng mắc ca theo quy trình và hướng dẫn kỹ thuật của các dự án triển khai. Trong trường hợp xấu nhất xảy ra, thì người dân không mất vốn, bởi đã có bảo hiểm tiền vay.
Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng đồng quản trị LienVietPostBank phát biểu tại lễ ký kết.
Cũng tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư và An sinh xã hội Tây Nguyên lần thứ 3, LienVietPostBank và Tổng CTCP Bảo hiểm Bảo Long ký kết Biên bản ghi nhớ liên kết cung cấp sản phẩm bảo hiểm liên quan đến cây mắc ca cho tại Việt Nam nhằm bảo lợi ích cho ngân hàng, doanh nghiệp và người nông dân.
Theo bản ghi nhớ hợp tác này, LienVietPostBank sẽ nghiên cứu xây dựng các chương trình tín dụng phát triển cây mắc ca tại Việt nam với các điều kiện bảo hiểm chặt chẽ, giới thiệu khách hàng vay vốn trong chương trình này sử dụng các sản phẩm bảo hiểm của Bảo Long.
Việc ký kết các văn bản quan trọng tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư và An sinh Tây Nguyên lần này cho thấy những cam kết từ phía LienVietPostBank và Him Lam trong việc đồng hành phát triển mắc ca khu vực Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Được biết, trong thời gian qua, Him Lam xây dựng đề án phát triển mắc ca tại tỉnh Lâm Đồng, tiến hành khảo sát các điểm trồng mắc ca tại tỉnh Lâm Đồng, gia nhập Hiệp hội mắc ca Úc, chuẩn bị kế hoạch triển khai xây dựng vườn giống cây mắc ca quy mô lớn, triển khai xây dựng nhà máy chế biến hạt mắc ca và phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng cũng như các chuyên gia trong và ngoài nước làm đầu mối triển khai phát triển mắc ca tại tỉnh Lâm Đồng.