Nhiều chuyên gia về lịch sử đã phản ứng gay gắt trước việc tích hợp môn Lịch sử với các môn khác trong chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ GD&ĐT. Đa số ý kiến cho rằng, việc tích hợp này là thiếu nền tảng khoa học, thiếu cơ sở thực tiễn.
Tích hợp là phá nát môn Lịch sử
Tại Hội thảo khoa học môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam sáng 15/11, giới chuyên gia về lịch sử và các giáo viên giảng dạy môn Lịch sử từ Trung ương đến địa phương đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm về việc đổi mới trong chương trình giáo dục phổ thông. Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, còn quá nhiều điểm bất cập và bày tỏ trăn trở trước việc môn Lịch sử đang đứng trươc nguy cơ bị “xóa sổ”.
Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, chủ trì cuộc hội thảo đã nhấn mạnh, cần phải trả lại vị thế của môn Lịch sử trong nền giáo dục Việt Nam.
Ông cho rằng, chủ trương tích hợp môn “Khoa học xã hội” ở cấp Trung học cơ sở và môn “Công dân Tổ quốc” ở cấp Trung học phổ thông, trên thực tế là đã xỏa bỏ môn Lịch sử với vị thế và yêu cầu của một môn học trong tính hệ thống và toàn diện vốn có. Tích hợp không có nghĩa là cắt xén nội dung của một số môn học rồi gán ghép lại một cách cơ học, tùy tiện.
“Hội khoa học Lịch sử Việt Nam sẽ kiến nghị lên lãnh đạo cao nhất của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cần bảo vệ môn Lịch sử như một môn học cơ bản, độc lập và bắt buộc từ cấp Trung học cơ sở đến cấp Trung học phổ thông”, Giáo sư Lê thẳng thắn bày tỏ.
Tại Hội thảo, GS.TS Trần Thị Vinh (Trường Đại học sư phạm Hà Nội) đã chỉ ra những bất cập trong việc biến môn Lịch sử trở thành một phân môn trong môn học mới Công dân với Tổ quốc.
Theo bà Vinh, việc lắp ghép này là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử giáo dục Việt Nam và thế giới. Trong hệ thống giáo dục toàn cầu, không thể tìm thấy một nền giáo dục nào tích hợp môn Lịch sử với Giáo dục Quốc phòng - an ninh, Giáo dục Đạo đức Công dân thành một môn học.
“Việc xây dựng một môn học mới là việc làm hệ trọng có liên quan đến chất lượng giáo dục, sự thành bại của cải cách giáo dục và tương lai của thế hệ con cháu chúng ta. Nếu xây dựng một môn học mới, mà không dựa trên nền tảng khoa học và cơ sở thực tiễn thì dẫn đến tình trạng xáo trộn, mất phương hướng trong giáo dục phổ thông".
Đồng tình quan điểm với các chuyên gia, nhiều giáo viên giảng dạy lịch sử đến từ các trường khác nhau đều bày tỏ lo lắng việc đổi mới sẽ dẫn đến phá nát môn Lịch sử. "Lịch sử phải là môn cốt lõi, bản thân môn Lịch sử trong quá trình giảng dạy đã tích hợp các môn học khác chứ không phải các môn khác tích hợp môn Lịch sử".
Sự ghép vá – “ép duyên”
Theo các nhà sử học, với chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống xâm lược với các thế lực phong kiến, đế quốc khác nhau. Vì vậy, giáo dục lịch sử dân tộc ở bậc phổ thông lại càng quan trọng hơn bao giờ hết, bởi nếu môn Lịch sử không được đối xử và lựa chọn đúng với vị trí, vai trò của nó, không trở thành môn học bắt buộc đối với học sinh trung học phổ thông thì rất nguy hại cho quốc gia, dân tộc, vô tình tiếp tay cho kẻ thù.
GS.TS Đỗ Thanh Bình( Đại học sư phạm Hà Nội) nêu quan điểm, những người làm đề án chủ trương tích hợp môn Lịch sử vào môn Giáo dục Quốc phòng - An ninh và Giáo dục Đạo đức Công dân là thiếu cơ sở khoa học cho thấy sự ghép vá "ép duyên" kỳ lạ.
Ông phân tích, lịch sử khác với nội dung môn Giáo dục công dân, khác với môn An ninh quốc phòng. Việc cố ghép vào làm một là khập khiễng, khiên cưỡng, làm mất đi hệ thống toàn diện của lịch sử với tư cách là một môn khoa học.
Hầu hết các chuyên gia tại buổi Hội thảo kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chỉnh sửa lại Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới, đưa môn Lịch sử về đúng với vị trí, vai trò của nó, xác định Lịch sử là môn học chính khóa, bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông.
Trong Dự thảo Chương trình phổ thông tổng thể mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, môn Lịch sử được đưa vào các môn học có tính chất tích hợp như Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội ở Tiểu học, Khoa học xã hội ở Trung học cơ sở, ở cấp Trung học phổ thông, môn Lịch sử trở thành một phân môn mới: Công dân với Tổ quốc (bao gồm giáo dục Đạo đức Công dân, Giáo dục Quốc phòng – An ninh). Tuy nhiên, Dự thảo này đang gây nhiều tranh cãi và vấp phải sự phản ứng dữ dội từ các nhà nghiên cứu lịch sử hàng đầu Việt Nam. |