Lọt giữa 2 dãy núi Pù Bằng và Chí Linh, đỉnh Miêu tự (còn gọi là Chùa Mèo) tọa lạc trên một quả đồi, nhìn ra sông Âm thuộc làng Chiềng Ban, xã Quang Hiến (Lang Chánh, Thanh Hóa).
Trong chuyến khám phá những dấu tích người anh hùng dân tộc Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn 10 năm dấy nghĩa chống ách đô hộ của quân Minh trên đất Lang Chánh, chúng tôi được cán bộ văn hóa huyện Vi Thị Hằng dẫn đi thăm Đỉnh Miêu tự. Ngôi chùa gắn liền với những sự kiện sống còn của thời nhà Lê. Vì thế, chùa Mèo khá linh thiêng và có nhiều câu chuyện huyền bí.
Chùa Mèo tọa lạc trên đỉnh đồi nhìn ra sông Âm rất linh thiêng
Theo trụ trì Thích Nguyên Hải, chùa được xây dựng từ thế kỷ 13, hình thành từ thời Trần. Lúc bấy giờ chùa có tên là Chùa Chu, do công chúa nhà Trần - Chu Huyền cùng với nhà Lang Mường Chếnh xây dựng. Chùa có địa thế khá chuẩn mực theo thuyết phong thủy: Có tả Thanh Long là dãy núi Pù Bằng, hữu Bạch Hổ là dãy núi Chí Linh (Pù Rinh), trước mặt lại có dòng sông Âm chảy ngang qua. Thế đất đẹp, như vậy đã sinh ra ngôi chùa đẹp nức tiếng trong vùng “nhất Hương, nhì Hà, ba Chu”, ý nói Nhất chùa Hương, nhì Chùa Hà, thứ 3 là Chùa Chu Lang Chánh.
Chùa Mèo được đầu tư trùng tu, phục dựng
Năm 1418, hay tin Lê Lợi dấy nghĩa, quân Minh đã tập trung lực lượng đàn áp nghĩa quân ngay từ những ngày đầu thành lập. Trước tình thế cấp bách, Lê Lợi không ít lần phải rút sâu vào vùng núi Chí Linh nhưng quân Minh khủng bố, tàn sát dã man, Lê Lợi nhiều lần được các tướng trung thành liều mình cứu nguy hoặc có những con vật xuất hiện mới thoát nạn.
“Tương truyền một lần Lê Lợi và nghĩa quân bị quân Minh truy sát ráo riết phải tìm cách ẩn nấp. Lê Lợi đã vào chùa Chu, lúc này rất hoang vắng để lánh nạn. Giặc Minh xua quân và chó săn tới vây ngay chỗ thủ lĩnh đang ẩn nấp, chỉ trong gang tấc là Lê Lợi bị phát hiện rơi vào thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Lúc này có 1 con mèo bổng dưng từ đâu lao ra, lũ chó và quân giặc lùa theo con mèo giải nguy cho người anh hùng dân tộc áo vải. Thoát kiếp nạn, ông và nghĩa quân nán lại chùa thắp hương khấn Phật, cầu nguyện cho sự nghiệp kháng chiến thắng lợi. Đuổi giặc Minh xong, lên ngôi vua, Lê Lợi đã sắc chỉ đổi tên chùa Chu thành chùa Mèo. Sau này, Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc đại phá quân Thanh thắng lợi đã có Chiếu chỉ tu sửa, tôn tạo chùa Mèo”, thầy Hải kể lại.
Chư tăng, phật tử và du khách thập phương đổ về chùa Mèo cầu nguyện
Chùa Mèo được xây cất theo kiểu Tam quan và lợp bằng ngói mũi. Có chiếc chuông ghi hẳn tên chùa vào phần vai chuông bằng 8 chữ Đại tự: “Chú tạo Miêu đỉnh thiền tự Hồng chung” (Ghi chép về việc làm chuông chùa Mèo). Niên đại đúc chuông cũng được khắc rõ ràng là vào ngày Tết cuối xuân năm Vĩnh Thịnh thứ 14 (năm 1718). Lúc này nước Đại Việt dưới triều Lê, do Vua Lê Dụ Tông trị vì. Quả chuông có kích thước khá lớn, có thể xếp vào loại Đại Hồng chung, cao 1,09m đường kính miệng 0,5m. Chuông được đúc khá sắc nét và mang nét nghệ thuật của thời Lê Trung Hưng với quai chuông tạo hình đôi rồng đối xứng, ngoắc đuôi nhau, mũi sư tử, bờm dài, tai dơi, thân phủ đầy vây cá, 3 móng nhọn. Chuông có 6 núm để gõ. Chiếc chuông còn nguyên vẹn này mang giá trị nghệ thuật cao, hoa văn sắc nét và chính xác như một dấu ấn di sản nghệ thuật thời Lê.
Chuông quý Chùa Mèo được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa
Những dòng chữ khắc ghi trên 4 mảng thân chuông còn là minh chứng về dấu ấn hoạt động Lê Lợi ở nơi đây, một vùng đất cũng vốn là căn cứ địa của nghĩa quân Lam Sơn. Trong sách Lam Sơn Thực Lục (viết năm 1431), vị anh hùng dân tộc Lê Lợi đã xưng danh là “Chúa động Lam Sơn đề tựa”, là thủ lĩnh kêu gọi tập hợp sự đoàn kết nhân dân các dân tộc ở vùng núi xứ Thanh cùng khởi nghĩa. Những lúc khó khăn, hoạn nạn, Lê Lợi dựa vào sự ủng hộ của các dân tộc ở châu Lang Chánh xưa giúp đỡ để đấu tranh chống quân Minh xâm lược.
Trao đổi với PV, Phó bí thư thường trực Lang Chánh Nguyễn Xuân Hồng cho biết, Lang Chánh tự hào là căn cứ địa quan trọng trong cuộc kháng chiến chống quân Minh. Trong đó chùa Mèo gắn với tích thoát kiếp nạn của vua Lê Lợi. Năm 2005 chùa Mèo được UBND tỉnh Thanh hóa công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh. Hiện nay chùa Mèo đã được tôn tạo thành 03 cấp, trên vị trí và cơ sở kiến trúc của Chùa Mèo xưa, xây dựng hoàn chỉnh một số hạng mục như: Nhà thờ Mẫu, nhà thờ Tổ, nơi ăn, nghỉ của sư Trụ trì và các chú tiểu. Chùa Mèo làm lễ khởi công tòa Tam bảo với kinh phí dự kiến gần 30 tỷ đồng cho cả 3 giai đoạn, dự kiến khánh thành giai đoạn 1 vào năm 2018.
Lễ hội chính của chùa Mèo được tổ chức vào ngày 6 tháng giêng hàng năm. Những năm gần đây lễ hội được tổ chức thường xuyên là nơi sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng của bà con nhân dân các dân tộc huyện Lang Chánh và du khách thập phương. Hàng năm thu hút trên 6 ngàn lượt người về dự Lễ hội. Đến nay Chùa Mèo đã có quy mô khang trang và khuôn viên sạch sẽ hơn. Mọi hoạt động của Chùa đều chấp hành đúng quy định của pháp luật trong việc thực hiện nếp sống văn minh tại di tích lịch sử văn hóa. Đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; tiền, tài sản được dâng cúng, công đức, tài trợ được quản lý, sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch.
Thời gian tới Lang Chánh sẽ chú trọng phát triển du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái bởi ngoài việc đem lại lợi ích kinh tế - xã hội, khai thác loại hình du lịch này còn góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống, bản sắc tộc người, giữ gìn cảnh quan tự nhiên. Lang Chánh hiện có 3 điểm du lịch thuộc tuyến du lịch số 5 của tỉnh Thanh Hoá, đó là: Di tích lịch sử văn hoá Chùa Mèo – Danh lam thắng cảnh Thác Ma Hao – Bản Nguyên sơ bản Năng Cát, xã Trí Nang.