Xuân đã về trên cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) tự lúc nào không hay.
Đây đó, giữa ngút ngàn mây núi còn vương những tia nắng ấm rọi xuống cánh đồng. Màu vàng của hoa cải xen lẫn màu hồng thắm của hoa đào, cùng bạt ngàn trắng tinh của hoa mận. Những người mẹ, người chị đang miệt mài chuẩn bị cho cái Tết đoàn viên.
Xuân về trên cao nguyên đá Đồng Văn - Hà Giang
Vẻ đẹp nơi “mênh mông đá xám”
Cao nguyên Đồng Văn nghe tên không lạ, nhưng cổng trời Quản Bạ với những con dốc dựng đứng bên vực núi thăm thẳm qua những khúc cua gấp chập chùng sương trắng vẫn là những câu đố bất ngờ cho chuyến hành trình mùa xuân. Địa hình hiểm trở, cao nguyên đá nằm ở độ cao 1.400 - 1.600. Nơi đây có tới 17 dân tộc cùng sinh sống. Dù trong điều kiện khó khăn, thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt nhưng thiên nhiên lại ban tặng cho vùng đất này khí hậu đặc biệt với đặc thù ôn đới có hai mùa mưa và khô với nền nhiệt mát 24 - 28 độ C.
Thiên nhiên còn tạo cho Đồng Văn di sản địa chất độc đáo, hùng vĩ, hoang sơ. Cũng chính thiên nhiên đã hun đúc con người nơi đây khiến họ trở nên kiên cường dù gian khó, cần mẫn lao động và tạo ra nhiều nét văn hoá đặc sắc. Ở đây, khi lên cao dần, mây mù càng giăng kín. Cung đường từ dốc Bắc Sum, Quản Bạ qua Na Khê, Lao và Chải, Yên Minh, dốc Chín Khoanh, Phố Cáo, Sủng Là vô cùng chập chùng, cheo leo trong mây gió.
Đá xám trải mênh mông, ngút tầm mắt dọc hai bên đường. Ai đã từng qua đây đều thừa nhận, không có nơi nào đá nhiều như ở đây. Đá, núi trùng trùng điệp điệp gối lên nhau, xen lẫn là những thung lũng ngút tầm mắt. Nhưng, du khách vẫn gặp những thửa nương trong điệp trùng đá ấy. Những người phụ nữ vẫn âm thầm gùi đất đổ vào hốc đá tai mèo, chào vụ mới. Gặp khách phương xa, chị Thào Thị Chớ (xã Thài Phìn Tủng, Đồng Văn) vừa cười tươi, vừa giúp chồng gieo hạt. Chồng cần mẫn gùi đất, chị theo sau sau lấy cào khỏa đều vào từng hốc đá rồi chọc lỗ bỏ hạt ngô xuống vùi lại. Trong tiếng nói cười giòn tan của hai vợ chồng, ai cũng cảm nhận rõ niềm vui và hạnh phúc bình dị nơi cao nguyên này.
Dù cung đường lên đỉnh Lũng Cú khiến nhiều khách miền xuôi rợn tóc gáy. Nhưng, họ sẽ được bù đắp bởi những phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, đẹp tới mức phải xuýt xoa. Đó là những dãy núi trùng trùng lớp lớp, những nương ngô, những bờ rào đá và đây đó giữa cheo leo vách núi, những ngôi nhà trình tường với mái ngói âm dương phủ kín rêu phong bất ngờ hiện ra. Bản Lô Lô Chải dưới chân núi rồng mùa này vừa độ vào xuân. Bà con dân tộc Mông, Lô Lô thôn Thèn Pả đang thu hoạch cải dầu, cây “kinh tế mũi nhọn” của vùng.
Hàng chục du khách từ xuôi lên đang vui mừng chụp ảnh bên các em nhỏ người vùng cao giữa cánh đồng hoa cải vàng. Phía trong làng Lô Lô, nhiều nhà đã mổ lợn đón tết từ đầu tháng Chạp. Thịt lợn được chia đều cho các gia đình trong họ tộc, treo trên gác bếp để dùng hết tháng Giêng. Trong gian bếp của mỗi gia đình, những chảo rượu ngô đang nghi ngút khói.
Đồng bào nơi đây giữ phong tục mời rượu khi khách đến nhà. Đoàn du khách nào ngang qua đây cũng mang về gương mặt đỏ hồng vì men rượu ngô. Để rồi, khi vượt 286 bậc, du khách được chạm tay vào cột cờ Lũng Cú - Địa đầu Tổ quốc. Cột cờ Lũng Cú dựng trên đỉnh núi Rồng ở độ cao gần 1.700m. Cột cờ cao gần 20m, chân bệ có 6 mặt khắc phù điêu hoa văn trống đồng ông Sơn, cán cờ dài 9m; lá cờ rộng 54 m2 , tượng trưng cho 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam.
Mùa Xuân đã ngấp nghé trên đỉnh Lũng Cú. Những cây đào cổ thụ trước cửa trạm biên phòng Lũng Cú bung sắc hoa. Đứng trên đỉnh cực Bắc Tổ quốc trong những ngày cuối cùng của năm, thêm thấm thía giá trị thiêng liêng của tình yêu Tổ quốc và trân trọng sự dũng cảm, kiên cường của những chiến sỹ biên phòng và bà con các dân tộc vùng biên cương đã không ngại khó, ngại khổ, ngày đêm canh giữ và bảo vệ vững chắc, vẹn toàn đường biên giới giữa nước hai nước Việt - Trung.
Tết từ những phiên chợ cuối năm
Đến cao nguyên đá, những ngày giáp Tết, du khách không thể bỏ lỡ những buổi chợ phiên cuối năm. Đi chợ phiên chính là nét văn hóa đặc trưng của miền cao nguyên đá. Chợ phiên ở Hà Giang thường chỉ họp mỗi tuần một lần vào các ngày chủ nhật ở trung tâm các huyện, còn ở các xã, thường là những phiên chợ lùi. Tuần này họp vào thứ Hai thì tuần sau họp vào Chủ nhật, tuần sau nữa sẽ họp vào thứ Bảy, tuần tiếp theo nữa là thứ Sáu. Ở huyện Đồng Văn, cách ngày chợ lại được tính theo con giáp, ví dụ: Ngày Dần, Thân: Chợ Lũng Phìn, ngày Thìn, Tuất: Chợ Phố Cáo, ngày Tý, Ngọ: Chợ Phó Bảng, ngày Tỵ, Hợi: Chợ Sà Phìn, Thứ sáu: chợ Lũng Cú, thứ Bảy: Chợ Ma Lé, Chủ nhật: Chợ huyện Đồng Văn… Đặc biệt, ở huyện Mèo Vạc có chợ Bò họp vào mỗi Chủ nhật hàng tuần…
Theo người vùng cao Hà Giang, không thể không đi chợ phiên. Chợ vừa là nơi trao đổi hàng hoá, phục vụ nhu cầu tiêu dùng, vừa là nơi biểu hiện đậm nét nhất của sự giao lưu sinh hoạt văn hoá tinh thần. Đó còn là ngày hội của đồng bào các dân tộc quanh vùng. Các chàng trai, cô gái, bè bạn lâu ngày đều hẹn gặp lại, uống với nhau chén rượu, ăn cùng nhau bát thắng cố và kể chuyện vui buồn ở phiên chợ này. Khi đi chợ vùng cao Hà Giang, du khách dễ bắt gặp những bộ trang phục truyền thống đầy mầu sắc và không khí tươi vui của các cô gái dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô…
Người dân vùng cao nào cũng háo hức chờ đợi ngày chợ phiên. Họ có thể đi vài chục cây số, từ đêm hay tờ mờ sáng để đến chợ. Trong chiếc gùi chỉ là một con gà, con lợn nhỏ, một vài mớ rau cải cay, hay ít ngô, thóc, đậu tương, mật ong rừng, chút nấm hương, mộc nhĩ… Hàng hóa có nhiều khi được trao đổi không phải bằng tiền mà bằng những đồ dùng có giá trị tương đương mà người dân không tự sản xuất được như dầu hoả, muối, mì chính, đèn pin, chỉ thêu… Hoàn toàn không có sự lừa lọc hay tranh giành bon chen như các phiên chợ miền xuôi. Đến bất cứ phiên chợ nào trên vùng cao nguyên đá, ta cũng bắt gặp những chảo thắng cố bốc hơi nghi ngút.
Đến chợ, dù là đàn ông, đàn bà, thanh niên nam nữ cũng đều cùng nhau quây quần xung quanh nồi thắng cố và cùng say sưa bên chén rượu Ngô, loại rượu đặc trưng của vùng núi đá Hà Giang. Họ cùng uống rượu, tâm sự sau những ngày lao động vất vả, cùng chia sẻ những khó khăn của cuộc sống rồi cùng hát theo điệu khèn điệu sáo của các chàng trai cô gái mang đến chợ. Từ những phiên chợ này, nhiều đôi trai gái nên vợ nên chồng. Anh Thào Mí Sính (dân tộc Mông, xã Sủng Trà, Mèo Vạc) cho biết: “Thanh niên chúng mình đi chơi Tết, có cơ hội là kéo người yêu về nhà mình. Sau mấy ngày mà không thấy nhà gái đến đòi lại tức là họ đã đồng ý. Trong dịp Tết, nhiều đôi thành chồng vợ lắm”.
Những câu chuyện, những cảnh sắc ở cao nguyên đá Đồng Văn khiến ai tới một lần đều nhớ mãi.