9h sáng nay (7/10), Lễ truy điệu nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười được cử hành tại Nhà Tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Cùng thời gian này, tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM, Lễ truy điệu nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười cũng được tổ chức.
Sau Lễ truy điệu, từ 13h chiều nay, Lễ an táng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười sẽ diễn ra tại quê nhà, khu Ma Vang, thôn 1, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc lời điếu
Đúng 9 giờ ngày 7/10, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình tuyên bố bắt đầu lễ truy điệu, nhấn mạnh, hơn 80 năm hoạt động cách mạng, cố Tổng Bí thư Đỗ Mười có nhiều đóng góp to lớn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Ông được tặng thưởng huân chương sao vàng, huy hiệu 80 năm tuổi đảng. Ông mất đi là tổn thất to lớn với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Phó thủ tướng cho biết, trong những ngày qua, có hơn 1.600 đoàn viếng với hơn 60.000 người. Đại diện các cơ quan đoàn thể địa phương, nhân dân, chức sắc, tôn giáo, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã đến Nhà tang lễ quốc gia
Có hơn 100 đoàn ngoại giao, ba đoàn cấp cao lãnh đạo đảng, nhà nước Lào, Campuchia, Cuba. Nhiều lãnh đạo các nước đã gửi lời chia buồn.
Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình phát biểu bắt đầu lễ truy điệu.
Trong lời điếu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định lại những cống hiến của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười qua nhiều trọng trách khác nhau.
Tổng Bí thư ôn lại quá trình tham gia cách mạng và những đóng góp to lớn của cố Tổng bí thư Đỗ Mười với sự nghiệp cách mạng và xây dựng đất nước.
Từ tháng 6/1991 - 12/1997, trên cương vị Tổng Bí thư, bằng những kinh nghệm thực tiễn phong phú, đồng chí đã cùng tập thể Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo toàn đảng, toàn dân vượt qua nhiều thách thức, tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, nhân nhân dân giao phó.
Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười tên khai sinh là Nguyễn Duy Cống, sinh ngày 2/2/1917 trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Ông sớm giác ngộ cách mạng, 19 tuổi đã tích cực tham gia phong trào bình dân, tổ chức ái hữu thợ mỏ Hòn Gai.
Tháng 6/1939, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1940, ông bị thực dân Pháp bắt kết án 10 năm tù. Dù bị tra tấn dã man nhưng ông hết mực kiên trung với cách mạng, giữ vững khí tiết của người cộng sản, không chịu khuất phục. Ông cùng các chiến sĩ trong tù bí mật tìm cách vươt ngục, bắt liên lạc với Đảng để tiếp tục hoạt động cách mạng.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ông Đỗ Mười đã vào sinh ra tử, giữ nhiều trọng trách như Bí thư các tỉnh Hà Đông, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hoà Bình; Phó Bí thư kiêm Phó Chủ tịch uỷ ban kháng chiến Liên khu III; Chính uỷ quân khu, Bí thư khu uỷ, chủ tịch uỷ ban kháng chiến khu tả ngạn sông Hồng; Bí thư thành uỷ, chủ tịch Uỷ ban quân chính TP Hải Phòng; trưởng ban chỉ đạo khu 300 ngày; phó chủ tịch hội đồng chi viện tiền tuyến Trung ương và chống phong toả cảng Hải Phòng.
Ông là người trực tiếp tổ chức xây dựng đường ống dẫn dầu bí mật từ Lạng Sơn vào chiến trường miền Nam. Đường ống nhiên liệu huyết mạch góp phần quan trọng vào đại thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước.
Trong những năm đầy khó khăn của thập niên 1990, ông đã thực hiện thành công đường lối đổi mới, tạo được bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử của đất nước; đề xuất các chương trình phát triển kinh tế, xã hội, chuyển từ kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và có các giải pháp chống lạm phát hiệu quả.
Ông là người đề xướng chủ trương phong tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng, quy chế dân chủ cơ sở. Trong bối cảnh đất nước bị bao vây, cấm vận, ông có đóng góp to lớn trong việc bình thường hoá quan hệ ngoại giao với các nước, đưa Việt Nam tham gia ASEAN, chủ động mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Từ tháng 6/1991 đến tháng 12/1997, trên cương vị Tổng Bí thư, Bí thư Quân uỷ Trung ương, bằng thực tiễn phong phú, ông cùng tập thể Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn nêu cao tinh thần kiên định, vững vàng, đoàn kết thống nhất, lãnh đạo đất nước vượt qua nhiều thách thức, tiếp tục đường lối đổi mới.
Trọn cuộc đời với hơn 80 năm hoạt động cách mạng, ông có nhiều công lao to lớn và đóng góp xuất sắc với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc, gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, kiên định con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn. Ông luôn giữ vững ý chí của người cộng sản, tìm tòi sáng toạ, quyết đoán, hành động quyết liệt trong mọi công việc.
"Trong gia đình, đồng chí là người chồng, người cha, người ông mẫu mực đức độ, giàu đức hy sinh và giàu lòng nhân ái".
"Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí là tấm gương sáng để đồng bào, đồng chí học tập, noi theo", Tổng Bí thư nói và khẳng định, các thế hệ sau sẽ ra sức phấn đấu đi theo con đường mà Bác Hồ và các thế hệ đi trước trong đó có nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã lựa chọn.
Con trai nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười thay mặt gia đình nói lời cảm ơn
Sau phút mặc niệm, con trai nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười - ông Nguyễn Duy Trung thay mặt gia đình bày tỏ lòng cảm ơn tới các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, những người bạn quốc tế đã dành tình cảm, tới chia buồn cùng gia đình.
Lễ truy điệu kết thúc, lãnh đạo cùng gia đình đi vòng quanh linh cữu trong tiếng nhạc Hồn tử sĩ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đi vòng quanh linh cữu nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. Ảnh: VOV
Đúng 9 giờ 40 phút, 8 tiêu binh đưa linh cữu cố Tổng Bí thư rời khỏi nhà tang lễ quốc gia. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đi trước linh cữu.
Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo dự lễ truy điệu nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười
Linh cữu của nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười được đặt lên cỗ linh xa. Đội nghi lễ phủ lá Quốc kỳ và lồng kính được các tiêu binh đặt lên linh cữu.
Trước đó, sáng 6/10, lễ viếng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã được tổ chức trang nghiêm tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội và Hội trường Thống nhất TPHCM. Thay mặt Ban Tổ chức lễ tang, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đã ôn lại quá trình hoạt động của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười qua các thời kỳ.
“Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác. Đồng chí mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong không khí trang nghiêm, xúc động, Đoàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu vào viếng đồng chí Đỗ Mười. Vòng hoa của Đoàn mang dòng chữ “Vô cùng thương tiếc đồng chí Đỗ Mười”. Trước anh linh nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, đoàn bày tỏ lòng thành kính, tiếc thương vô hạn và tri ân sâu sắc với những đóng góp to lớn của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc ta.
Đoàn BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng đoàn viếng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười
Ghi trong sổ tang, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Đỗ Mười - nhà lãnh đạo xuất sắc, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; Người đảng viên cộng sản rất mực kiên trung, suốt đời chiến đấu hy sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân; Người có nhiều công lao và cống hiến to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và trong công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đồng chí mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, để lại niềm tiếc thương sâu sắc đối với đồng chí, đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế”.
Quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh viết: “Sự ra đi của bác để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho Đảng, Nhà nước và đông đảo nhân dân Việt Nam. Chúng cháu nguyện nỗ lực công tác tốt, nỗ lực xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Viết trong sổ tang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một tấm gương mẫu mực về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, một đời vì nước vì dân. Trọn đời mình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đồng chí Đỗ Mười đã trải qua nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Chính phủ, để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trên từng cương vị công tác và đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước ta, nhất là phát triển công nghiệp nặng và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, với tinh thần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Đặc biệt, với tư tưởng đổi mới mạnh mẽ “Việt Nam sẵn sàng là bạn của tất cả các nước”, đồng chí đã mở ra thời kỳ đối ngoại mới, tạo nên những bước tiến có tính đột phá trong quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân xúc động viết: “Cả cuộc đời người đã cống hiến vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập thống nhất Tổ quốc và hoà bình ấm no của nhân dân. Bác Đỗ Mười ơi, thế hệ đi sau luôn ghi nhớ công ơn của bác. Xin kính cẩn nghiêng mình thắp nén hương thơm tiễn đưa bác về nơi an nghỉ cuối cùng!”.
Lãnh đạo nhiều nước đã gửi điện, thư chia buồn tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, nhân dân Việt Nam và gia quyến nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười sinh ngày 2.2.1917, quê quán tại huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1936 và vào Đảng cộng sản Việt Nam 1939. Ông nguyên là ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa II, ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa III, IV, V, VI, VII, VIII; Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị khóa IV; Uỷ viên Bộ Chính trị các khóa V, VI, VII, VIII; Thường trực Ban Bí thư khóa VI; Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) từ tháng 6.1988 - 6.1991; Tổng bí thư từ tháng 6.1991 - 12.1997; cố vấn Ban Chấp hành T.Ư Đảng từ 1997 - 2000. Ông cũng là đại biểu Quốc hội các khóa II, IV, V, VI, VII, VIII, IX. Sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười đã từ trần hồi 23 giờ 12 phút ngày 1.10.2018 (tức ngày 22.8 năm Mậu Tuất), tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 (Hà Nội). |