3h30 sáng nay 17/04 (16/3 ÂL), hàng trăm người dân đã có mặt từ rất sớm để tham gia vào lễ tế. Ai cũng thành tâm cầu nguyện cho năm nay mưa thuận gió hòa, gia đình sức khỏe, bình an và hạnh phúc.
Toàn cảnh đàn Nam Giao lúc rạng sáng
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện nghi lễ Lễ tế đàn Nam Giao
Ngày xưa, các bậc đế vương coi mình là thiên tử (con trời), mà trời là đấng chí tôn giữ gìn vận mệnh và ban phát hạnh phúc cho muôn dân nên thường hàng năm họ đều tổ chức long trọng lễ tế trời đất. Vì là con trời, thay trời trị dân nên đích thân nhà vua phải đứng làm chủ tế để chứng tỏ hiếu nghĩa của một người làm con. Dưới triều Nguyễn, lễ tế trời được cử hành tại đàn Nam Giao vào trung tuần tháng Hai hàng năm. Trước triều vua Thành Thái, lễ được tổ chức 1-2 năm/lần. Đến năm Thành Thái thứ 2 (1890), 3 năm tế một lần.
Nghi án bài vị các vua Nguyễn
Đàn Nam Giao được xây dựng xong vào năm Gia Long thứ 5 (1806) ở làng Dương Xuân, phía Nam Kinh thành Huế (nay thuộc phường Trường An, Tp. Huế) trong một khuôn viên đất dài 390m, rộng 265m, trên một vị thế cao ráo, thoáng đãng. Chung quanh khuôn viên bao bọc bởi một vòng tường thành bằng đá trổ 4 cửa rộng theo 4 hướng Đông – Tây - Nam - Bắc, trước mỗi cửa xây một bức bình phong rộng 12,5m, cao 3,2m, dày 0,8m. Khai thác các yếu tố truyền thống tốt đẹp từ Lễ tế Nam Giao của Việt Nam đã từng diễn ra trong lịch sử, đặc biệt là dưới thời Nguyễn ở Huế, đề cao những giá trị nhân văn: chủ yếu là hình thức gắn kết giữa con người với thế giới tự nhiên; tôn vinh nền nông nghiệp nước nhà; biểu thị khát vọng cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, thiên hạ thái bình, đoàn kết, đổi mới, phát triển.
Xây dựng một một lễ tế nghiêm trang tại đàn Nam Giao trong bối cảnh hiện tại với ý nghĩa: những người công bộc của nhân dân đại diện nhân dân dâng hương ở bàn thờ sơn hà xã tắc cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân dân no ấm hạnh phúc, theo đúng các nghi thức truyền thống. Lễ dâng hương tại đàn Nam Giao góp phần làm phong phú các hoạt động văn hóa, đáp ứng được lòng mong mỏi của nhân dân về phía những người đại diện của mình. Có thể xem đó là một hoạt động mang tính an dân.
Quy mô tổ chức của Lễ tế khác với những lễ tế Nam Giao trước đây, do lễ tế thực sự thuần túy tâm linh, không còn những yếu tố mang tính sân khấu, đảm bảo an toàn, tiết kiệm, trang nghiêm và chuẩn mực.
Cúng tế lễ vật
Người dân dâng hương tại Lễ tế đàn Nam Giao
Lễ tế Đàn năm nay uy nghi và trang nghiêm, đậm chất thuần túy tâm linh. Bên cạnh việc chọn lọc, giữ lại một số hình thức trang hoàng như đèn đuốc, cờ xí, nghi trượng, lễ phẩm… đồng thời giảm bớt những bước nghi lễ không cần thiết hoặc không còn phù hợp trong tế giao của Thiên tử, nhưng tăng thêm thành phần dâng hương cúng tế (đều là những đại biểu của nhân dân).
Không gian tổ chức năm nay được gói gọn trong Phương đàn và Viên đàn của đàn Nam Giao. Lễ Tế giao gồm 3 phần: lễ Nghênh thần: tại án Nghênh thần ở Phương đàn; lễ tế tại Viên đàn gồm các lễ: dâng hương, dâng rượu (Sơ hiến, Á hiến, Chung hiến), dâng Sớ, dâng trà; lễ Tống thần và Tư chúc bạch soạn tại án Nghênh thần ở Phương đàn.
Festival Huế 2014, lễ Tế giao do tỉnh Thừa Thiên Huế đứng ra tổ chức. Tương lai, dần dần hướng đến phạm vi quốc gia, tổ chức thành một quốc lễ cho toàn thể nhân dân hướng đến kính ngưỡng.
Hoàng Oanh - Hoa Đông