Lễ Kỷ niệm 77 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Trọng Bằng| 01/09/2022 07:33
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cách đây 77 năm, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập chính thức khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

le-ky-niem-77-nam-ngay-quoc-khanh-viet-nam.jpg
Quang cảnh buổi lễ

Tối 31/8, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân chủ trì Lễ kỷ niệm 77 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2022).

Tham dự, có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư; Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Tô Lâm, Bộ trưởng Công an; Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao.

Cùng dự còn có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo thành phố Hà Nội, các vị đại sứ, đại biện, trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.

le-ky-niem-77-nam-ngay-quoc-khanh-viet-nam1.jpg
Chủ tịch nước: Việt Nam cần phải có sự ủng hộ, đồng hành, hợp tác cùng có lợi với cả cộng đồng quốc tế

Phát biểu ý kiến chào mừng, thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại cách đây 77 năm, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập chính thức khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Kể từ Tuyên ngôn độc lập, nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức để giữ vững nền độc lập, thống nhất đất nước và đạt nhiều thành tựu xây dựng, phát triển đáng tự hào. Từ bản lĩnh cải cách mạnh mẽ của “Đổi mới” 1986, với nỗ lực bền bỉ, Việt Nam từ một nước chịu sự tàn phá bởi chiến tranh, kém phát triển, quan hệ đối ngoại hạn chế… nay đã vươn lên trở thành một nền kinh tế đang phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao; chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Với mức tăng GDP hằng năm trung bình khoảng 7% trong 35 năm qua, ngày nay, Việt Nam đứng trong Top 40 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới, Top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất. Việt Nam là nơi hội tụ của hàng chục nghìn nhà đầu tư đến từ 140 quốc gia, vùng lãnh thổ, với gần 35.000 dự án FDI đang hoạt động có tổng vốn gần 430 tỷ USD.

Năm 2021, tổng kim ngạch đạt mức kỷ lục, khoảng 670 tỷ USD, tăng gần 23%. Từ đầu năm 2022 đến nay, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch, ổn định chính trị xã hội, nền kinh tế đang phục hồi nhanh, GDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42%.

Việt Nam có quan hệ đối ngoại ngày càng rộng mở, đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 190 quốc gia; hoàn thành tốt nhiệm vụ Năm APEC 2017, Nước chủ nhà Thượng đỉnh Triều Tiên-Hoa Kỳ 2019, Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021. Vừa qua, với tín nhiệm cao, Việt Nam tham gia Hội đồng Chấp hành UNESCO 2021-2025 và tái đắc cử vào Ủy ban Luật pháp quốc tế.

Chủ tịch nước bày tỏ tình cảm chân thành, lời cảm ơn sâu sắc đối với sự ủng hộ, hỗ trợ quý báu, hợp tác hiệu quả của các quốc gia, tổ chức, đối tác quốc tế, các doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế và sự đóng góp chân tình của bạn bè, nhân dân thế giới dành cho Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn đối phó với đại dịch COVID-19 vừa qua.

Chủ tịch nước đề cập bối cảnh tình hình quốc tế và Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới với khát vọng về phát triển Việt Nam hùng cường đòi hỏi những quyết sách mạnh mẽ, trước hết là phát huy nội lực với sự đoàn kết của cả dân tộc thực hiện bốn định hướng chiến lược. Đó là luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.

Tập trung triển khai ba đột phá chiến lược về hoàn thiện đồng bộ thể chế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, tiếp tục phát triển nhanh và bền vững; xây dựng Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phòng chống tham nhũng lãng phí; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, chuyển đổi sang nền kinh tế số. Cùng với đó, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại….

Cho rằng Việt Nam cần phải có sự ủng hộ, đồng hành, hợp tác cùng có lợi với cả cộng đồng quốc tế để có thêm “ngoại lực” làm mạnh thêm “quốc lực” chung cho phát triển nhanh, bền vững, cùng với các chương trình hợp tác song phương, đa phương đã có, Chủ tịch nước đề xuất bốn ưu tiên hợp tác. Đó là duy trì hòa bình, ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, duy trì môi trường quốc tế thuận lợi cho hợp tác phục hồi kinh tế; tiếp tục đưa quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, thực chất, ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, bảo đảm chuỗi cung ứng bền vững, triển khai hiệu quả các thỏa thuận về chuyển đổi số, kinh tế xanh, hợp tác nguồn nhân lực, khoa học công nghệ…

Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác về biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh, nâng cao năng lực y tế, an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, bất bình đẳng xã hội; tăng cường các hình thức kết nối, trao đổi đoàn các cấp, các đoàn đầu tư, thương mại, văn hóa và giao lưu nhân dân.

Tại buổi lễ, ông Saadi Salama, Đại sứ Palestine tại Việt Nam, Trưởng đoàn Ngoại giao, gửi tới Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam những lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Ông nhấn mạnh trong năm qua, dù còn gặp những thách thức từ dịch bệnh và tình hình thế giới bất ổn, Việt Nam đã có những thành công đáng tự hào. Những thành tựu này đã tiếp tục nối dài hành trình phát triển thuyết phục của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Sự dứt khoát, chủ động, quyết liệt và linh hoạt của Chính phủ Việt Nam với mục tiêu kiên định là sức khỏe, tính mạng của người dân đã giúp đất nước vượt qua bóng đen COVID-19 bao trùm toàn cầu một cách đầy ấn tượng.

Việt Nam tiếp tục được đánh giá là một trong những nền kinh tế phục hồi và phát triển nhanh nhất khu vực, là cơ sở để các quốc gia, các nhà đầu tư sẵn sàng hợp tác, gửi gắm niềm tin trong một môi trường kinh doanh ổn định, đáng tin cậy và giàu tiềm năng.

Đặc biệt, giữa muôn vàn khó khăn, Việt Nam vẫn tiếp tục thể hiện là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Tiếng nói Việt Nam cất lên mạnh mẽ tại các diễn đàn khu vực và thế giới trong những vấn đề nóng, gai góc nhất, đồng thời là cơ sở để Việt Nam thể hiện bản lĩnh, sự đóng góp và quan điểm nhất quán cho hòa bình, thịnh vượng của nhân loại.

Nhân dịp trọng thể này, thay mặt Đoàn Ngoại giao, ông gửi lời cảm ơn chân thành sâu sắc tới Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cơ quan hữu quan của Việt Nam vì sự đồng hành, hỗ trợ và lòng hiếu khách dành cho những nhà ngoại giao trong công việc cũng như cuộc sống; khẳng định luôn coi trọng mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và các quốc gia, các tổ chức quốc tế, đồng thời sẵn sàng tiếp tục các nỗ lực nhằm củng cố, thúc đẩy và mở rộng hơn nữa trọng trách của mình nhằm hướng tới mục tiêu chung vì một thế giới hòa bình, bình đẳng, thịnh vượng, hợp tác và phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lễ Kỷ niệm 77 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam