Lễ ký kết Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến

Nguyên Bình| 15/12/2021 12:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 15/12, tại trụ sở TANDTC đã diễn ra Lễ ký kết Thông tư liên tịch "Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến".

Thông tư liên tịch được ký kết giữa TANDTC với Viện KSNDTC, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp.

Trước khi diễn ra Lễ ký kết, Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC Nguyễn Văn Tùng trình bày Tờ trình về Thông tư này.

hoi-truong.jpg

Ông Nguyễn Văn Tùng cho biết, ngày 12/11/2021, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến (sau đây gọi là Nghị quyết số 33/2021/QH15). Tuy nhiên, Nghị quyết mới chỉ quy định về phạm vi và nguyên tắc tổ chức phiên tòa trực tuyến, các vấn đề liên quan đến chuẩn bị tổ chức phiên tòa, trách nhiệm của các cơ quan, người tiến hành tố tụng khi tổ chức phiên tòa, các yêu cầu đối với điểm cầu trung tâm, điểm cầu thành phần, trình tự phiên tòa và xử lý một số tình huống có thể xảy ra tại phiên tòa chưa được quy định cụ thể.

Do đó, căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 33/2021/QH15 và để bảo đảm việc tổ chức phiên tòa trực tuyến đúng quy định, thống nhất, phù hợp với các đạo luật tố tụng tư pháp, TANDTC chủ trì phối hợp với Viện KSNDTC, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp nghiên cứu ban hành Thông tư liên tịch này.

Quá trình nghiên cứu, soạn thảo dự thảo Thông tư liên tịch, TANDTC đã thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Điều 110 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng dự thảo, tổ chức họp lấy ý kiến các cơ quan liên quan; tiếp thu chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo...

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Thông tư liên tịch có 04 Chương và 16 điều với các quy định cụ thể để triển khai phiên tòa trực tuyến được đảm bảo các yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Thông tư cũng quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan liên quan và việc tổ chức thực hiện.

Về một số nội dung giải trình, tiếp thu, ông Bùi Văn Tùng cho biết, trên cơ sở các ý kiến góp ý lần cuối trước khi trình Lãnh đạo liên ngành ký ban hành Thông tư liên tịch của Viện KSNDTC, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp cơ quan chủ trì, soạn thảo đã tiếp thu chỉnh lý dự thảo và báo cáo, giải trình một số nội dung như sau:

Phiên tòa trực tuyến được tổ chức tại các điểm cầu trung tâm và điểm cầu thành phần, có sử dụng các thiết bị điện tử, liên kết với nhau thông qua môi trường mạng, đòi hỏi có sự hỗ trợ của công chức Tòa án, Viện kiểm sát,  Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, cán bộ, chiến sỹ Công an tại điểm cầu thành phần nên có thể phát sinh nguồn lực, kinh phí của các cơ quan tiến hành tố tụng để đáp ứng yêu cầu của phiên tòa trực tuyến. Tuy nhiên, để bảo đảm quy định này được triển khai ngay sau khi Nghị quyết số 33/2021/QH15 có hiệu lực pháp luật, trước mắt, các cơ quan có thẩm quyền sử dụng nguồn nhân lực, kinh phí hiện có để triển khai thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến. Quá trình thực hiện, các cơ quan tiến hành rà soát, đánh giá cụ thể về hoạt động này để đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bổ trí nguồn nhân lực, kinh phí theo quy định.

Về phạm vi điều chỉnh của thông tư liên tịch, quá trình nghiên cứu, đã xin ý kiến các bộ ngành có liên quan, các Tòa án đều nhất trí cao về phạm vi điều chỉnh của Thông tư liên tịch không chỉ quy định về việc phối hợp của các cơ quan trong việc thực hiện trình tự, thủ tục tố tụng, mà còn quy định nội dung hướng dẫn về yêu cầu đối với các điểm cầu, thành phần tham gia các điểm cầu trực tuyến, phiên tòa trực tuyến.

Mặt khác, để bảo đảm việc tổ chức phiên tòa trực tuyến thực hiện thống nhất không chỉ tại Tòa án, cần thực hiện thống nhất với các cơ quan có thẩm quyền có liên quan. Phạm vi này, cũng phù hợp với nhiệm vụ được giao quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 33/2021/QH15 “Chánh án TANDTC theo thẩm quyền ban hành hoặc chủ trì, phối hợp với Viện trưởng Viện KSNDTC, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và thủ trưởng các cơ quan khác có liên quan ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Nghị quyết này”.

Về xác định tư cách tố tụng của Kiểm sát viên, Thư ký, Thẩm tra viên tham gia tại điểm cầu thành phần, TANDTC cũng thống nhất với ý kiến của Viện KSNDTC, Bộ Công an về việc xác định rõ tư cách tham gia tố tụng của các chủ thể này tại điểm cầu thành phần, theo đó Thông tư liên tịch đã xác định Kiểm sát viên, Thư ký, Thẩm tra viên tham gia tại điểm cầu thành phần là người tiến hành tố tụng ( khoản 3 Điều 13), để bảo đảm thực hiện khi thực hiện các nhiệm vụ tại phiên tòa đúng quy định pháp luật tố tụng (như tiếp nhận tài liệu chứng cứ, lập biên bản tiếp nhận tài liệu chứng cứ…).

thong-tu.jpg
Lễ ký kết Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Về gửi văn bản thông báo cho cơ sở giam giữ có ý kiến về việc mở phiên tòa trực tuyến, cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị quy định như thông tư đang thể hiện chỉ tổ chức điểm cầu thành phần tại cơ sở giam giữ khi cơ cở giam giữ xét thấy không thể trích xuất bị cáo đến địa điểm tổ chức phiên tòa và có văn bản đề nghị tổ chức điểm cầu thành phần tại cơ sở giam giữ.    

Vì theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 33/2015/QH15 của Quốc hội thì Tòa án có quyền chủ động tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng, trừ một số trường hợp theo quy định. Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 277 của Bộ luật Tố tụng hình sự thì việc xem xét, quyết định đưa vụ án ra xét xử thuộc thẩm quyền của       Thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Do đó, khi Tòa án xác định cụ thể địa điểm tổ chức phiên tòa thì cơ sở giam giữ thực hiện trích xuất bị cáo theo quy định.

Về số lượng điểm cầu thành phần, Thông tư liên tịch quy định số lượng điểm cầu thành phần đối với mỗi phiên tòa trực tuyến không quá 03 điểm cầu (khoản 2 Điều 4), trước mắt quy định hạn chế số lượng như vậy bảo đảm thận trọng, vì tổ chức phiên tòa trực tuyến là hình thức mới phát sinh, chưa được xem xét, đánh giá hiệu quả thi hành trên thực tiễn. Do đó, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến cần có thời gian đánh giá hiệu quả, trên cơ sở đó đề xuất mở rộng số lượng điểm cầu thành phần trong thời gian tới.

Thông tư liên tịch được ký kết với đại diện các cơ quan gồm: Ông Nguyễn Văn Du, Phó Chánh án TANDTC; Bà Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; Ông Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng VKSNDTC; ông Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an và Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lễ ký kết Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến