Ngày 16/3, Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm 2024 chính thức diễn ra với nhiều hoạt động, nghi lễ văn hóa truyền thống, thu hút đông đảo người dân và du khách về dự.
Theo Ban tổ chức, Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm 2024 (quận Lê Chân, TP. Hải Phòng) diễn ra từ ngày 16 đến 18/3/2024 (tức mùng 7 đến 9 tháng 2 Âm lịch).
Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ diễn ra với nhiều hoạt động như: Lễ cáo yết, dâng hương, lễ tạ, tế nữ quan,… Phần hội gồm nhiều trò chơi dân gian diễn ra đồng thời tại 3 địa điểm là đền Nghè, đình An Biên, tượng đài Nữ tướng Lê Chân.
Trong thời gian lễ hội, tại khu vực tượng đài Nữ tướng Lê Chân sẽ diễn ra phiên chợ quê tái hiện không gian chợ làng Vẻn xưa với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống như: giới thiệu bày bán các sản vật, các món ăn mang đậm đặc trưng của vùng quê miền biển, các hoạt động hát xẩm, viết thư pháp, nặn tò he,…
Tại sân Trung tâm Thông tin, Triển lãm và Điện ảnh thành phố có các hoạt động vui chơi như: cờ người, các trò chơi dân gian và võ dân tộc, hội thi chim chào mào.
Tại khu vực đền Nghè, đình An Biên sẽ có chương trình văn nghệ dân gian như: hát chèo, hát văn, lễ dâng hoa Thủy tiên thu hút đông đảo người dân và du khách.
Sáng 16/3, quận Lê Chân, Ban Tổ chức lễ hội đã tổ chức Lễ Cáo yết, dâng hương, dâng hoa, tại di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Nghè, di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đình An Biên và tượng đài nữ tướng Lê Chân để tưởng nhớ công đức to lớn của Nữ tướng Lê Chân.
Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân là sự kiện được quận Lê Chân tổ chức hằng năm và trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội được tổ chức nhằm phát huy những nét đẹp văn hóa, nghi lễ truyền thống; giới thiệu về thân thế, sự nghiệp, công lao to lớn của Nữ tướng Lê Chân - người có công khai hoang, lập ấp dựng lên trang An Biên xưa, TP. Hải Phòng ngày nay.
Bên cạnh đó, việc tổ chức lễ hội nhằm khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc, bồi đắp tinh thần đoàn kết, truyền thống ‘‘Uống nước nhớ nguồn”; tri ân công đức to lớn của Nữ tướng và các bậc tiền nhân; đồng thời tiếp tục phát huy giá trị của lễ hội, di tích lịch sử văn hóa, di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.