Có 5 hoạt động chính sẽ diễn ra với thời gian từ ngày 26/8 đến 10/9 trong Lễ hội mùa thu “Sa Pa - mùa vàng” năm 2022.
Mở màn vào lúc 19 giờ 30 phút ngày 26/8 là khai mạc Lễ hội mùa thu “Sa Pa - mùa vàng” kết hợp với công bố và đón nhận Bằng Di tích danh thắng cấp tỉnh thác Cát Cát.
Dự lễ hội mùa thu Sa Pa, du khách còn có cơ hội tham gia trải nghiệm “Sa Pa lặng lẽ yêu”. Thông qua nghệ thuật biểu diễn kết hợp với hiệu ứng âm nhạc, ánh sáng, sắp đặt sân khấu nghệ thuật, chương trình khắc họa các nét văn hóa độc đáo của dân tộc Mông như: nghề rèn đúc, lễ cúng, dệt vải, chợ tình, thắng cố rượu ngô…
Khám phá, trải nghiệm Di tích danh thắng ruộng bậc thang là hoạt động thứ 3 diễn ra từ mùng 2 đến mùng 4/9 với các hoạt động khám phá tuyến đi bộ đẹp nhất Sa Pa: Vi Ô Let - cầu Mây - Hoàng Liên - Tả Van - Mường Hoa gắn với khám phá văn hóa dân tộc Mông (xã Hoàng Liên, xã Mường Hoa) và văn hóa dân tộc Giáy (xã Tả Van).
Đặc biệt, một loạt Lễ hội mùa thu Sa Pa còn mang đến những trải nghiệm đặc sắc thông qua lễ hội Cơm mới và các món ẩm thực đặc sắc của dân tộc Giáy; Khám phá quy trình dệt hoa văn dây đeo bao dao, thêu hoa văn làm gối; khâu, buộc nhuộm vải. Khám phá văn hóa ẩm thực, cùng người dân địa phương tham gia chế biến các món ăn theo phong tục người Giáy, cách làm bánh chưng, bánh dày, xôi ngũ sắc, cơm lam, thịt hun khói, cá suối,...
Điểm nhấn khác biệt trong Lễ hội mùa thu Sa Pa phải kể đến Giải Marathon vượt núi quốc tế Sa Pa ‑ VMM 2022. Thông qua giải chạy, 5.000 vận động viên đến từ 50 quốc gia sẽ khoảng thời gian chiêm ngưỡng cung đường đẹp nhất ở Sa Pa.
“Đêm hội trăng rằm” diễn ra tối 10/9 là điểm nhấn khép lại Lễ hội mùa thu “Sa Pa - mùa vàng” năm 2022.
Thị xã Sa Pa kỳ vọng thông qua tổ chức Lễ hội mùa thu “Sa Pa - mùa vàng” năm 2022 sẽ tạo ra sản phẩm du lịch mới thu hút khách du lịch đến Sa Pa cũng như góp phần khơi dậy truyền thống văn hóa trên cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa riêng, đặc thù của Sa Pa.