Tháng Giêng - mùa lễ hội, người người nhà nhà vội vàng, khẩn trương là vậy, nhưng chẳng biết tự bao giờ trong tâm thức nhiều người, Tết dù hết nhưng vẫn chưa… hết Tết, nên Tháng Giêng là “tháng ăn chơi”.
Đầu năm trảy hội chùa Hương
1. Theo cách gọi dân dã, mùa Giêng - Hai là mùa của những hội hè đình đám, người người nô nức du xuân, đi lễ chùa, lễ đền. Chùa Hương, Yên Tử, Bái Đính, Đền Trần, Hội Lim… là những địa điểm tham quan, lễ hội nổi tiếng thu hút sự tham gia của đông đảo du khách gần xa, trong nước và ngoài nước. Đến với chốn linh thiêng, ngoài vãn cảnh, cầu bình an, cầu công việc hanh thông thuận lợi, hay hòa mình trong không khí lễ hội vui tươi, phấn khởi nhân dịp đầu xuân, nhiều người lại canh cánh trong long nỗi lo lắng về một “nguy cơ có thật” có thể xảy đến. Và lẽ dĩ nhiên, đây là điều không quá khó hiểu!
Đến hẹn lại lên, dòng người chen chúc vội vàng đi trẩy hội chùa Hương. Mặc dù mùng 6 tháng Giêng (2/2) mới khai hội nhưng ngày 31/1 (mùng 4 tháng Giêng), du khách đã nườm nượp khiến nhiều đoạn đường lên núi để vào động Hương Tích tắc nghẽn nghiêm trọng ngay từ sáng sớm. Không chỉ có vậy, trao đổi với một số người bạn vừa đi lễ về được biết, mặc dù giá vé tham quan chùa Hương tăng 60% nhưng lượng khách vẫn không vì thế mà giảm đi, thậm chí còn tăng hơn mọi năm. Hệ thống cáp treo và đò ngang cũng bị quá tải!
Thủ tướng nhấn mạnh: Các cấp, các ngành, địa phương phải tập trung đảm bảo tốt các vấn đề an ninh, trật tự mùa lễ hội đầu Xuân; chấn chỉnh ngay những bất cập liên quan đến lễ hội gây ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh; nghiêm cấm việc cán bộ, công chức đi lễ hội trong giờ hành chính, sử dụng xe công đi lễ hội. |
Lại nhớ hồi năm ngoái, dư luận liên tục tranh cãi về cảnh phản cảm kinh hoàng tại lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh), cảnh ẩu đả cướp lộc tại Hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội), hay chen nhau cướp chiếu thiêng tại lễ hội đúc Bụt Vĩnh Phúc)… Và có lẽ vì dư âm còn quá “sâu đậm” nên khi mùa lễ hội 2017 vừa mới bắt đầu, không chỉ các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương, các cơ quan chức năng, các nhà quản lý văn hóa, mà bà con nhân dân cả nước đều tỏ ra lo ngại. Các lực lượng chức năng cũng khẩn trương hơn trong việc đưa ra những biện pháp nghiêm ngặt nhằm đảm bảo an ninh trật tự nói chung diễn ra trước, trong và sau hội.
Ấy vậy nhưng… Hội đền Sóc (hội Gióng, ở xã Phù Linh, Sóc Sơn, Hà Nội) diễn ra sáng 2/2 (mùng 6 Tết) người dân cả nước một lần nữa được chứng kiến cảnh hàng trăm người chen lấn hỗn loạn để “cướp lộc”. Cụ thể, tại sân đền Trình, khi đoàn rước vừa hạ giò hoa tre xuống, hàng trăm thanh niên đã cùng lao vào tranh lộc. Sau đó, “không khí tranh cướp lộc còn hỗn loạn, căng thẳng hơn ở phần tranh cướp trầu cau”, một bài báo mô tả. Bởi theo quan niệm của nhiều người, nếu cướp được lộc trầu cau thì sẽ gặp nhiều may mắn, thuận lợi trong việc lấy vợ, lấy chồng (?).
Hàng trăm thanh niên tranh cướp lộc hoa tre tại đền Trình. Ảnh: Nam Trần / Tuổi Trẻ
2. Mùa lễ hội, người người nhà nhà vội vàng, khẩn trương là vậy, nhưng chẳng biết tự bao giờ trong tâm thức nhiều người, Tết dù hết nhưng vẫn chưa… hết Tết, nên Tháng Giêng là “tháng ăn chơi”. Và bởi là “tháng ăn chơi”, nên sau những ngày nghỉ Tết, ở nhiều cơ quan, công ty, doanh nghiệp trên khắp cả nước từ nhiều năm nay vẫn thường tồn tại tình trạng… đi làm đối phó, sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về, giữa giờ vài ba lần trà đá, café, và đến cuối tháng… nhận lương. Và hình như cũng bởi suy nghĩ chung ấy nên mới có chuyện dở khóc dở cười dưới đây.
Năm nay nghỉ Tết 7 ngày, ngày 2/2 (tức mùng 6/1 âm lịch), các cơ quan nhà nước được “lệnh” khai xuân, bắt tay ngay vào công việc. Trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, các trường học đồng loạt mở cửa đón học sinh trở lại. Thế nhưng, theo chia sẻ của một giáo viên lớp 1 công tác tại trường tiểu học Y.V (huyện Gia Lâm), mặc dù đã thông báo lịch nghỉ Tết từ trước, song vẫn có bố mẹ gọi điện xin cho con nghỉ đến hết tuần (tức mùng 10 tháng Giêng âm lịch) với lý do quê xa, đã đặt vé tàu từ trước… “Đến khi kiên quyết thì em học sinh này vẫn được bố mẹ đưa lên học đúng lịch”, cô nói.
Tất nhiên đó chỉ là một ví dụ rất nhỏ để minh chứng cho cái gọi là… “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” như câu nói cửa miệng và suy nghĩ của rất rất nhiều người. Thậm chí, người viết đã được dội ngay một gáo nước lạnh khi nói rằng bắt đầu đi làm từ mùng 6: “Ừ thì chắc lại khai xuân, thảnh thơi chơi tới hết… tháng Giêng”.
Hiểu rõ “tinh thần tháng Giêng” còn ăn sâu trong tiềm thức nhiều người, phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng 3/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, quyết không để mất niềm tin trước nhân dân, phải bắt tay ngay vào việc ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm, không để tình trạng quý I đủng đỉnh, không để tồn tại tinh thần “tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Thủ tướng nhấn mạnh: “Dịp đầu năm này, chúng ta khẳng định một lần nữa rằng chúng ta quyết không để mất niềm tin đó trước nhân dân, trước hệ thống chính trị”, và “phải nhân niềm tin đó lên hơn nữa bằng các hành động cụ thể”. Trong khi nhiều nơi vẫn đang hòa mình trong không khí vui chơi sau dịp Tết, trong buổi sáng làm việc chính thức đầu tiên của năm mới Đinh Dậu, Thủ tướng đã khởi động sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Nông trường VinEco Hà Nam do Tập đoàn Vingroup đầu tư tại xã Xuân Khê, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Đây là một hành động có ý nghĩa đầu năm mới để Chính phủ chuyển từ nền nông nghiệp cởi trói sang kiến tạo. |
Song có ai từng tự hỏi và đi tìm hiểu nguồn gốc sâu xa của cái sự “ăn chơi” Tháng Giêng này? Nếu “Tháng Chạp là tháng trồng khoai / Tháng Giêng trồng đậu tháng Hai trồng cà” để nói lên kinh nghiệm của người nông dân về thời vụ gieo trồng cây trái, thì “Tháng Giêng là tháng ăn chơi, tháng Hai cờ bạc, tháng Ba rượu chè…” đích thị là câu nói của một số người vô công rỗi việc, lạc hậu xưa kia”. “Rõ ràng, nhân dân ta không hề có cái thói ăn chơi, cờ bạc, rượu chè “mút mùa”. Thời gian “xả hơi” ấy quả rất cần thiết và hợp lý, nhưng không kéo dài mãi đến nỗi phải bỏ phế công việc”, một thầy giáo dạy Văn phân tích.
3. Rõ ràng, trong cuộc sống hiện nay, có những thói quen, những tục lệ, những phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp đang bị hiểu và áp dụng một cách sai lệch, chúng trở nên méo mó, biến tướng khiến nhiều người lo ngại và thậm chí muốn… xóa bỏ. Thế nhưng đây lại là một việc không hề đơn giản và có thể giải quyết chỉ trong một sớm, một chiều.
Quay lại những cảnh tượng phản cảm diễn ra trong một số lễ hội vừa kể ở trên, tại sao lại có chuyện những người tham gia hội giẫm đạp lên nhau, thậm chí có thể gây thương tích cho nhau để “tranh cướp lộc”? Trước hết, chúng ta cần hiểu rằng, tục lệ “tranh cướp” và những nghi thức trong các lễ hội có từ thời xa xưa trong xã hội nông nghiệp, nhưng sự tranh cướp khi đó hoàn toàn mang tính ước lệ biểu trưng.
“Sự tranh cướp trong lễ hội xưa thể hiện tinh thần thượng võ, quyết liệt, luôn vươn lên, vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Người ta có thể tranh cướp nhau, nhưng không gây thương tích cho đối thủ”, PGS.TS. Trịnh Hòa Bình giải thích. “Tuy nhiên, giờ đây người ta đưa tâm lý đời thường vào lễ hội, việc cướp lộc bây giờ được hiểu theo đúng nghĩa đen của nó. Người dân có thể giành giật lấy phần lộc này bằng mọi giá, thậm chí người ta còn gây bị thương cho những người bảo vệ, nhân viên hành lễ…. Đấy là sự tiêu diệt mâu thuẫn đối kháng, tiêu diệt kẻ khác để mình giành lấy lộc thánh. Sự tranh cướp này xuất phát từ cái tâm không thiện, nó thể hiện sự xô bồ trong đời sống văn hóa”, ông nhấn mạnh.
Hay như việc đi lễ chùa cầu tài lộc dường như là một thói quen ăn sâu vào tâm trí của nhiều người dân Việt Nam, theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, để có thể làm cho văn hóa lễ chùa, văn hóa lễ hội trở nên văn minh hơn thì mỗi người dân khi đi lễ phải hiểu được nghi thức, tinh thần chung của các lễ hội cũng như lễ hội riêng ở từng vùng miền. Đồng thời, các cấp, các ngành cũng cần phải quy chuẩn hóa, soát xét lại quy mô và số lượng của các lễ hội, để các lễ hội thực sự có ý nghĩa. Có thể nói đó là sự vân động văn hóa lễ hội của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội.
Những câu ca quan họ dịu dàng, thắm đượm nghĩa tình sẽ đẹp hơn biết bao nếu không có cảnh… Ảnh: VnExpress
Người đông như… ong vỡ tổ. Một cảnh ghi tại Hội Lim 2016. Ảnh: Nghiêm Linh / Gia đình & Xã hội
4. Cuối cùng, xin được mượn vài ý trong tác phẩm “Đời sống mới” viết năm 1947 của Chủ tịch Hồ Chí Minh để thấy rõ Người đã có cách nhìn biện chứng, cách hiểu sâu sắc về mối quan hệ giữa cái “cũ” và cái “mới” trong xây dựng đời sống mới như thế nào.
Người viết: “Không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ... Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý... Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm... Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm”. Thế nhưng, Người cũng hiểu: “Thói quen rất khó đổi. Cái tốt mà lạ, người ta có thể cho là xấu. Cái xấu mà quen người ta cho là thường”. Vì thế, để thay đổi một thói quen xấu, cách tốt nhất là phải tạo dựng cho được những thói quen và truyền thống tốt đẹp. Song tập một thói quen tốt cũng như từ bỏ một thói quen xấu không phải là điều dễ dàng, phải có ý chí và sự kiên trì. Trong khi đó, lý thuyết mãi là lý thuyết, còn thực tế luôn mang tính thuyết phục cao.
Vậy nên theo Người, “Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước”. Có thể thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cao tác dụng nêu gương của những người lãnh đạo, quản lý; những người tuyên truyền xây dựng đời sống mới. Nếu những người lãnh đạo, những nhà quản lý chỉ chăm chăm hô hào, nói nhiều làm ít, nói một đằng làm một nẻo thì không chỉ khiến cho những thói quen không tốt, những thói quen xấu, lạc hậu không hề suy giảm mà còn làm giảm niềm tin trong quần chúng nhân dân.
Quả vậy, lý thuyết mãi là lý thuyết, còn thực tế luôn mang tính thuyết phục cao. Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu “các địa phương không được về Hà Nội chúc Tết”, và việc cá nhân ông khởi động sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Nông trường VinEco Hà Nam ngay trong thời điểm người người, nhà nhà vẫn còn chìm trong dư âm Tết là hai hình ảnh đẹp, sáng, mang lại kỳ vọng mới mẻ về một “Chính phủ hành động, kiến tạo, liêm chính, phục vụ phát triển, phục vụ nhân dân”... Vậy, lãnh đạo đã hành động quyết liệt, người dân lẽ nào không quyết tâm để để mới chính mình?