Lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về dự án Luật Đất đai sửa đổi

27/04/2013 10:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 24/12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc lấy ý kiến của các ĐB Quốc hội về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Hội nghị nhằm hoàn thiện dự án Luật này để trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 5 tới.

Gần 7 triệu ý kiến đóng góp dự thảo Luật

Theo Báo cáo của Chính phủ, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã nhận được gần 7 triệu ý kiến đóng góp của nhân dân. Nội dung được người dân quan tâm nhất là quy định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Sau khi tổng hợp ý kiến đóng góp của các bộ, ngành và địa phương, cơ quan soạn thảo đã phối hợp với Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, tiếp thu giải trình đầy đủ các ý kiến đóng góp của nhân dân. 

 

Theo đó, dự thảo Luật tiếp thu và chỉnh lý theo hướng làm rõ hơn quyền đại diện chủ sở hữu đất đai của Nhà nước thông qua các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chính sách tài chính về đất đai và giá đất. Nhà nước chỉ công khai các thông tin thuộc hệ thống thông tin đất đai, trừ những thông tin thuộc bí mật theo quy định của pháp luật. Người dân được tham gia ý kiến trong lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong xây dựng và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư; quy định việc giám sát của  người dân đối với công tác quản lý, sử dụng đất.

 

Lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về dự án Luật Đất đai sửa đổi

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu phát biểu ý kiến

 

Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, dự thảo Luật đã tiếp thu theo hướng: đối với cấp quốc gia, cấp tỉnh thực hiện theo phương thức công khai thông tin và  tiếp nhận ý kiến đóng góp; đối với cấp huyện thực hiện theo phương thức tổ chức hội nghị lấy ý kiến trực tiếp và qua trang thông tin điện tử theo quy định của Chính phủ.

 

Đáng chú ý, nội dung liên quan việc thu hồi đất, bồi thường và tái định cư được nhiều người quan tâm đã được quy định: chuyển các trường hợp như dự án nhà tái định cư, nhà ở xã hội, dự án sử dụng vốn ODA sang trường hợp thu hồi đất để phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Nhà nước chỉ thu hồi đất đối với dự án phát triển kinh tế, xã hội quan trọng nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định, chấp thuận chủ trương và các dự án phát triển kinh tế, xã hội quan trọng của địa phương được HĐND cấp tỉnh thông qua.

 

Thu hồi những dự án chậm tiến độ

 

Về việc bổ sung quy định nhà nước có chính sách miễn giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với trường hợp thuê QSD đất, nhận góp vốn bằng QSD đất của hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án đầu tư, nhiều đại biểu cho rằng nếu chỉ giới hạn trong những trường hợp này thì bị hạn chế các quyền khác như tặng, cho tài sản giữa các thành viên trong gia đình không được hưởng chính ưu đãi này.

 

Hướng xử lý đối với các dự án đã được Nhà nước giao đất nhưng chậm tiến độ theo hướng các nhà đầu tư không đưa đất vào sử dụng trong thời  hạn 12 tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất đai chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao trên thực địa mà nguyên nhân không phải do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn… thì phải nộp thuế lũy tiến theo quy định của pháp luật. Sau 24 tháng nộp thuế lũy tiến mà chủ đầu tư vẫn không đưa đất vào sử dụng hoặc vẫn chậm tiến độ so với yêu cầu thì Nhà nước thu hồi đất và không được thanh toán tiền sử dụng đất, thuê đất và chi phí đầu tư vào đất còn lại.

 

Luật dự thảo cũng đã quy định cụ thể trình tự, thủ tục cưỡng chế thu hồi đất nhằm khắc phục tình trạng tùy tiện trong việc cưỡng chế làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để địa phương thực hiện thống nhất.

 

Tại hội nghị, các ý kiến cơ bản đồng tình với những nội dung mà Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến và chỉnh lý. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu và điều chỉnh làm rõ hơn những vấn đề như thu hồi đất cho phát triển kinh tế - xã hội; thế nào là sử dụng đất không đúng mục đích; đảm bảo sinh kế của người dân; giá đền bù đất; quyền sử dụng đất của người dân đối với quy hoạch treo…

 

Ông Lê Mộng Điệp, Giám đốc Sở TN-MT Khánh Hòa đề nghị bổ sung quy định sử dụng đất đối với sân bay, cảng biển; khu hành chính, kinh tế vì hiện nay lĩnh vực này đang trống trong Luật Đất đai, trong khi theo quy định của Luật hàng không, những khu vực này được quyền như một đặc khu kinh tế.

 

ĐB Huỳnh Thành Lập, TP Hồ Chí Minh nêu ý kiến, đất nằm trong khu quy hoạch hiện không được cấp giấy chứng nhận để công dân thực hiện các quyền của mình, trong khi có những dự án hàng chục năm không triển khai, nhiều quy hoạch treo… Luật quy định người dân có quyền sở hữu, định đoạt tài sản, có quyền cho thuê, mượn… Nếu quy hoạch cứ treo, người dân không được cấp giấy chứng nhận QSD đất, họ bị tước đi quyền lợi của chính mình.

 

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục tiếp thu, nghiên cứu để hoàn thiện dự thảo trước khi trình ra Quốc hội.

 

Mai Thoa

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về dự án Luật Đất đai sửa đổi