Trong lúc đang làm việc, nữ công nhân hành nghề quét rác đã vô tình nhặt được cái bóp da có chứa khoảng 5 lượng vàng. Tuy nhiên, vụ việc này đã khiến chị mất việc, rơi vào cảnh lao đao.
Sáng ngày 31/8, nguồn tin của phóng viên được biết, Công an TP Cà Mau vừa có văn bản trả lời vụ việc chị Phạm Tuyết Mai (35 tuổi, tạm trú khóm 3, P.Tân Xuyên, TP.Cà Mau) đã nhặt được cái bóp da có chứa khoảng 5 lượng vàng cách đây đã hơn 1 năm.
Theo đó, quan điểm của cơ quan này là sẽ áp dụng khoản 2, điều 241 Bộ luật Dân sự (BLDS), xác lập quyền sở hữu đối với vật do người khác đánh rơi, bỏ quên. Tức là sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận, nếu vật có giá trị đến 10 tháng lương tối thiểu do nhà nước quy định thì thuộc sở hữu của người nhặt được; nếu có giá trị lớn hơn 10 tháng lương tối thiểu do nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được hưởng giá trị bằng 10 tháng lương tối thiểu do nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá 10 tháng lương tối thiểu do nhà nước quy định, phần giá trị còn lại sung công quỹ nhà nước.
Tuy nhiên, giới hiểu luật ở Cà Mau, trong đó luật sư Lê Thanh Thuận (Đoàn luật sư tỉnh Cà Mau) cho rằng, cơ quan chức năng nên áp dụng theo khoản 2, điều 239 BLDS. Tức trường hợp vật không xác định được chủ sở hữu, do số vàng nói trên chị Mai đã nhặt trong thùng rác chứ không phải nhặt của rơi hay tài sản bỏ quên. Và, nếu chị Mai không phát hiện thì số tài sản này cũng sẽ bị chôn xuống lòng đất.
Sáng ngày 31/8, khi tiếp xúc với phóng viên chị Mai kể lại, vào khoảng 15h ngày 4/8/2014 chị nhặt được bóp vàng, ngay sau khi nhặt được lãnh đạo công ty của chị đã cho lập biên bản sung công số tài sản nhặt được nhưng chị không đồng ý và gọi điện báo cơ quan công an.
Tưởng rằng sau khi cơ quan chức năng thông báo rộng rãi, chủ sở hữu sẽ đến nhận và đền ơn cho chị số tiền nho nhỏ để trị bệnh cho chồng và lo cho con ăn học…Tuy nhiên, điều mà chị không ngờ tới là ngay hôm đó công ty chị đã ra thông báo đình chỉ công việc đối với chị. 5 ngày sau, chị chính thức nhận quyết định cho thôi việc.
Phóng viên cũng đã nhiều lần liên hệ bằng điện thoại hẹn làm việc với ông Nguyễn Tiến Tân - Giám đốc điều hành Nhà máy rác thải Cà Mau để hỏi nguyên nhân nhưng không liên hệ được.
Trước đó, khi trả lời một số cơ quan báo chí, ông Tân cho rằng, tài sản trong khuôn viên nhà máy là của nhà máy, đã có nội quy của công ty và cả trong hợp đồng với người lao động. Do đó, ông không chấp nhận yêu cầu được nhận số vàng này của chị Phạm Tuyết Mai.
Dư luận cho rằng, việc làm của giám đốc điều hành Nhà máy rác thải Cà Mau là không ổn vì nội quy chỉ là một “lệ làng”. Chẳng lẽ “phép vua” lại thua “lệ làng” hay sao?