Câu nói ngọng nghịu nhưng làm sao cô thông không nhận ra. Khi vừa ngước mắt nhìn lên, cô đã điếng hồn vía, bởi tên biện lý Jaboin đã đứng trước mặt cô từ lúc nào rồi!
KỲ 10: LY KỲ HÀNH TRÌNH GIẢ “CON BUÔN” TRỐN CHẠY SANG CAMPUCHIA CỦA “ĐÓA HOA ĐẸP” TRÀ VINH
Cắt đuôi “dê xồm”
Một số học trò khác nghe vậy thì kéo nhau rần rần tới vây quanh, khiến cho cô thông vừa hoảng sợ nhưng cũng kịp tỉnh trí, vội xô ngang nồi xôi còn một ít rồi vụt phóng chạy chen vào đám học sinh và phụ huynh đang vô cổng trường. Cô chạy thục mạng và nghe tiếng bước chân chạy theo rất gấp, cùng với tiếng của tên Tây khốn kiếp: “Stop!”. Mặc cho hắn kêu đến cả chục tiếng bảo ngừng, cô thông vẫn bất kể chung quanh. Cô luồn lách qua đám đông và thoát chạy vượt qua bên kia đường trong dòng xe cộ đông như mắc cửi.
Khi qua Campuchia, gia đình thầy thông Chánh được một ông sư cả một ngôi chùa ở ngoại ô Nam Vang giúp đỡ
Cô thông không hiểu là mình chạy đi đâu nữa, chỉ cốt thoát thân được là chính. Cho nên phải một lúc sau, khi nhìn lại không thấy tên khốn nạn đuổi theo nữa, cô mới giật mình và lo lắng khác lại hiện ra. Trước mặt cô là một con đường nhỏ ngoằn ngoèo, xa lạ… Không biết nơi đây là đâu, bởi từ khi lên Sài Gòn đến bây giờ, cô thông chưa hề đi đâu, ngoài buổi sáng bưng xôi ra ngồi bán trước cổng trường gần nhà. Để cho cơn sợ hãi lắng xuống một lúc, cô vừa đi vừa thở hổn hển. Cuối cùng, cô hỏi thăm và được biết muốn quay về nhà cô phải đi bộ khá xa.
Mà giờ này không biết tên Tây dê xồm ấy đang ở đâu, lỡ quay về nhà mà gặp hắn thì chỉ có nước chết. Bởi vậy, cô thông tìm một nơi vắng vẻ ngồi lại và nghĩ cách làm sao để báo cho chồng biết cớ sự. Còn riêng cô con gái thứ ba thì cô lại có mối lo khác. Bởi, ba Thiệu được cho đi học một lớp nữ công gia chánh ở gần sở của chồng làm. Mỗi ngày, thầy thông Chánh tan sở ra sẽ đón con về luôn, mà như vậy thì nguy mất! Cô thông hốt hoảng khi nghĩ tới việc có thể tên biện lý Tây đã lần ra chỗ ở của họ và lúc nãy không đuổi theo cô kịp. Giờ này có thể hắn ta đang rình đâu đó ở đầu hẻm gần nhà. Và thầy thông Chánh mà đi về nhà thì giá nào cũng nộp thịt cho chằn. Nghĩ tới đó, cô thông run rẩy và liều mạng đi bộ tới sở của chồng làm. May cho cô, cô bắt gặp thầy thông Chánh và con gái đang ở trường nữ công. Kéo chồng con ra một nơi vắng vẻ, cô thông thuật lại mọi việc mà giọng vẫn còn run.
Thầy thông Chánh vừa nghe nói sự xuất hiện của tên biện lý Tây thì nổi điên lên. Thầy rít lên đầy căm phẫn: “Lần này, tui phải liều mạng sống chết với nó, chớ đâu thể nào nhịn nó mãi cho được. Mình thấy không, mình nhịn bỏ trốn khỏi xứ rồi mà nó vẫn không buông tha, vẫn tìm tới đây thì bây giờ chỉ còn có cách là liều mạng với nó mà thôi”. Cô thông càng lo sợ hơn, nhưng chợt nhớ ra một điều gì đó, cô vội nói với chồng: “Em nhớ ra rồi, bữa trước gặp ông Chảy là người buôn bán trên Nam Vang thì em có hỏi thăm. Khi ấy, ông có cho biết trên Nam Vang (Campuchia) dễ sống lắm, chỉ tiếc là mình không biết nhà của ông ấy ở đâu để mà liên lạc, chớ nếu không thì ta…”.
Bỏ trốn trong đêm
Nghe vợ đề cập tới đó thì thầy thông Chánh vụt nói: “Đường đi ở trong miệng mình chớ ở đâu! Cách đây hai năm, tui có đi với phái đoàn những người Khơ me Trà Vinh qua Nam Vang để làm quỹ cho một ngôi chùa bên đó nên tui có biết một sư cả, người gốc Trà Vinh hiện đang tu bên ấy, hay là…”. Vợ chồng bàn mãi cuối cùng đi tới quyết định: “Bây giờ, mình chỉ còn có nước là trốn đi luôn qua bên đó thì mới hy vọng thoát khỏi tay của tên khốn kiếp này! Tôi chẳng thà chấp nhận bỏ sở làm để mình và con được yên, chớ nghe mình kể chuyện sáng nay là tôi vừa giận, vừa sợ quá chừng. Vậy bây giờ mình tìm cách nào đó về dưới lấy ít đồ đạc cá nhân, để rồi mình đi liền qua Nam Vang”.
Vậy là mới chạy thoát lên Sài Gòn ở chưa được ấm chỗ, thì một lần nữa đôi vợ chồng trẻ phải tìm đường để lánh nạn, khiến cho cô con gái nhỏ chỉ biết tủi thân khóc nhưng không dám khóc thành tiếng vì sợ thiên hạ xung quanh để ý. Cũng may cho họ là thuở đó việc đi lại từ Sài Gòn qua Nam Vang không khó, các chuyến xe đò mỗi ngày có hai tài xế chạy thẳng tới tận Nam Vang. Nhưng sợ tai mắt của tên biện lý Tây, cho nên vợ chồng thầy thông Chánh bàn nhau tìm một nơi để ở trọ qua đêm và sáng sớm hôm sau cải trang làm những người đi buôn chuyến, để đi chuyến xe sớm nhất. Lần đầu tiên phải đi xa và đi trong tình trạng trốn chạy như vậy, khiến cho mẹ con cô thông cứ thấp thỏm không yên suốt trên đoạn đường khá xa.
Ngồi trên xe, họ bàn với nhau nát nước về cách làm sao để yên tâm lánh nạn. Cô thông nói riêng với chồng: “Em biết mình không quen làm lao động chân tay, cũng không biết nghề gì khác ngoài nghề ngồi bàn giấy và dùng cái miệng để thông dịch cho bọn Tây. Nhưng chuyện chẳng đặng đừng nên em nghĩ qua bên Nam Vang thì mình tìm bất cứ chuyện gì để làm, miễn là sống được thì thôi, đâu cần phải làm nghề cũ”.
Chợt thầy thông Chánh nhớ ra và reo lên: “Tui nhớ rồi, ngoài ông Lục Cả ở chùa bên Nam Vang và ông Chảy mà mình kể thì tui còn có quen với một người thông ngôn, mà hồi xưa có đi học khóa tập huấn về thông ngôn ở Sài Gòn chung với tôi. Sau này, nghe nói anh ta cũng làm việc trong một công sở bên đó. Đi qua tới nơi rồi tôi sẽ tìm cách liên lạc và nhờ anh ta xem coi có chỗ nào cần người thì giới thiệu giùm, lương thấp hơn trước đây cũng được”. Cô con gái nhỏ cũng biết chuyện nên vội can ngăn cha mình: “Nhưng ba liệu coi đi làm như vậy thì có bị thằng Tây đó nó phát hiện hay không?”.
Thầy thông Chánh nghe con nói thì hơi khựng lại một chút, nhưng cuối cùng cũng trấn an vợ con: “Nước mình với Campuchia là hai nước khác nhau, cho nên mình có làm gì bên này thì cũng đâu đụng chạm gì với bên kia. Vả lại, thằng Tây đó nó chỉ làm việc ở Trà Vinh thôi, chớ không lẽ nó đi khắp nơi cả liên bang Đông Dương hay sao chớ?”. Thầy nói tới đó nhưng rồi chính Thầy cũng khựng lại một lúc. Thầy nhớ ra rằng, tuy là hai nước khác nhau nhưng đối với Pháp thì cả ba nước Việt Nam, Campuchia, Lào đều nằm trong cái mà họ gọi là Liên bang Đông Dương, cho nên đối với Tây thì họ đâu có bị phân cách bởi Việt Nam, Campuchia hay Lào. Mà điều này thì…”. Nghĩ tới đó, thầy thông Chánh lại bắt đầu suy nghĩ nhưng không dám nói hết ý ra sợ vợ con thêm lo lắng.
(Còn nữa…)
Ở hiền gặp lành Khi đặt chân qua Nam Vang, thầy liền liên hệ với ông sư cả một ngôi chùa ở ngoại ô Nam Vang để nhờ giúp đỡ buổi ban đầu. Nhà sư tốt bụng này nghe hoàn cảnh của vợ chồng thầy thông Chánh thì sẵn sàng đứng ra bảo trợ cho một thời gian, giúp họ an cư và cũng nhờ các đệ tử đi liên hệ giùm cho thầy thông Chánh những bạn bè mà thầy có mối liên hệ. Chỉ ba ngày sau thì thầy đã tìm được người bạn làm phiên dịch trong tòa thị chính ở Nam Vang. Người này sau khi nghe thầy thông Chánh trình bày nguyện vọng thì vui mừng cho biết: “Muốn làm ông Nghè ông Cống gì thì khó, chớ còn làm thư ký hay thông ngôn quèn như mình đâu có khó. Để tui hỏi lại coi, hình như chỗ tui làm còn trống một vai thông dịch, nhưng mà thông dịch tiếng Miên qua tiếng Tây, mà thầy thì đâu rành tiếng Miên phải không?...”. |