Lập công ty để buôn lậu 200 điện thoại Iphone từ Hồng Kông về Đà Nẵng

Trang Trần| 21/12/2022 19:38
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chiều 21/12, TAND TP Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với các bị cáo Trần Đình Việt (SN 1986, trú P.Yên Phụ, Q.Tây Hồ, TP Hà Nội) và Nguyễn Văn Cường (SN 1988, phố Đại La, P.Trương Định, Q.Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) về tội “Buôn lậu”.

Theo cáo trạng, nhằm mục đích nhập lậu điện thoại di động từ Hồng Kông về Việt Nam tiêu thụ, kiếm lời, nên vào khoảng tháng 8/2017, Trần Đình Việt đến Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội để tìm hiểu cách thức thành lập doanh nghiệp. Tại đây, Việt gặp và thuê một người tên Hùng (không rõ lai lịch), để thành lập một doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu với giá 5 triệu đồng.

tatp-21-12-buonlau-1.jpg
Trần Đình Việt và Nguyễn Văn Cường tại tòa

Về tên doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở, người đại diện theo pháp luật là do Hùng tự chọn để đăng ký thành lập. Sau đó vài ngày, Hùng gặp lại và đưa cho Việt một giấy phép đăng ký doanh nghiệp, một con dấu tròn của Công ty TNHH Kinh doanh thương mại và Dịch vụ Tiến Mạnh (người đại diện theo pháp luật là Lê Văn Mạnh, SN 1990, TP Hà Nội) và một con dấu chức danh “Giám đốc Lê Văn Mạnh”.

Sau đó, Trần Đình Việt gặp và thuê Nguyễn Văn Cường để giúp Việt thực hiện các thủ tục hải quan nhập khẩu cho Công ty Tiến Mạnh và thỏa thuận trả lương cho Cường là 15 triệu đồng/1 tháng. Khi thuê Cường, Việt có cho Cường biết mặt hàng nhập khẩu là thiết bị điện tử, có cả điện thoại di động.

Khi Cường nói, nếu nhập khẩu điện thoại di động thì thủ tục hải quan sẽ phức tạp hơn vì cần giấy phép chuyên ngành, Việt trả lời đã lo liệu hết rồi, cứ yên tâm làm theo chỉ đạo của Việt là được.

Ngày 19/9/2017, Việt đưa Cường từ Hà Nội vào Đà Nẵng, thuê khách sạn làm chỗ ở cho Cường. Việt đưa hồ sơ pháp nhân và các con dấu của Công ty Tiến Mạnh cho Cường, để Cường giúp Việt trực tiếp thực hiện các thủ tục hải quan nhập khẩu.

tatp-21-12-buonlau-2.jpg
HĐXX tuyên án hai bị cáo

Về đầu mối bán điện thoại tại Hồng Kông, thông qua một số người kinh doanh điện thoại di động tại Hà Nội giới thiệu, Trần Đình Việt biết được thông tin về một người phụ nữ tên Xuân (không rõ lai lịch) hiện đang cư trú tại Hồng Kông.

Xuân thường mua điện thoại di động nhãn hiệu Iphone từ các Cửa hàng được Hãng Apple ủy quyền tại Hồng Kông rồi bán lại cho một số người kinh doanh sỉ điện thoại tại Việt Nam. Việt đã trực tiếp liên lạc với Xuân để thỏa thuận

Việc mua bán điện thoại di động hiệu Iphone, cách thức thanh toán, cách thức vận chuyển và nhập khẩu về Việt Nam qua Cửa khẩu Sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Sau khi hai bên thống nhất số lượng, model (chủng loại), giá cả điện thoại mua bán, Xuân cho Việt thông tin số tài khoản của một người tên Đỗ Hữu Quyết để Việt chuyển tiền mua điện thoại vào các tài khoản người này hoặc Xuân cho người trực tiếp đến nhà Việt để lấy tiền mua điện thoại.

Tiếp đó, Việt gửi thông tin của Công ty Tiến Mạnh để Xuân tìm doanh nghiệp tại Hồng Kông xuất hóa đơn (Invoice) và liên hệ Hãng hàng không để đơn vị vận chuyển lập vận đơn (Air Waybill). Tuy nhiên, Việt yêu cầu phải ghi thông tin hàng hóa trên hóa đơn và vận đơn là Bộ lưu điện UPS với mục đích trốn thuế GTGT (vì Bộ lưu điện UPS có giá trị thấp hơn so với điện thoại di động Iphone nên thuế GTGT khi nhập khẩu cũng thấp hơn).

Sau khi nhận được hình ảnh vận đơn và hóa đơn của lô hàng từ Xuân, Việt gửi lại cho Nguyễn Văn Cường và chỉ đạo Cường sử dụng tư cách pháp nhân của Công ty Tiến Mạnh thực hiện các thủ tục khai hải quan nhập khẩu. Mặc dù trước khi làm thủ tục, Cường được Việt cho biết thực tế hàng hóa nhập về là điện thoại di động hiệu Iphone, không đúng theo thông tin hàng hóa trên hồ sơ nhập khẩu (Bộ lưu điện UPS) nhưng Cường vẫn thực hiện việc mở tờ khai hải quan với thông tin là Bộ lưu điện UPS.

Đồng thời, Cường giả chữ ký của Lê Văn Mạnh-Giám đốc, đóng dấu của Công ty Tiến Mạnh trên hồ sơ nhập khẩu, giấy giới thiệu (do Cường soạn rồi in ra) để trực tiếp liên hệ Chi cục Hải quan Cửa khẩu Sân bay Đà Nẵng thực hiện các thủ tục nhập khẩu cho Công ty Tiến Mạnh.

Với thủ đoạn như trên, vào ngày 29/9/2017, thực hiện chỉ đạo của Trần Đình Việt, Nguyễn Văn Cường thực hiện mở tờ khai hải quan nhập khẩu cho Công ty Tiến Mạnh với thông tin hàng hóa nhập khẩu là Bộ lưu điện UPS SANTAK TWINGUARD OFFLINE 500VA - MODEL TG500, số lượng 40 bộ, qua Cửa khẩu Sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Tuy nhiên, sau khi lô hàng này được thông quan, Cường vừa đưa ra khỏi khu vực giám sát hải quan thì bị lực lượng chức năng Công an TP Đà Nẵng bắt giữ, tiến hành kiểm tra và xác định thực tế hàng hóa Công ty Tiến Mạnh nhập về là 200 chiếc điện thoại di động nhãn hiệu Iphone 6S Plus.

Kết quả định giá 200 chiếc điện thoại Iphone 6S Plus mà Trần Đình Việt và NguyễnVăn Cường buôn lậu về Việt Nam qua Cửa khâu sân bay quốc tế Đà Nẵng có giá trị 3.198.000.000 đồng.

Tại tòa, các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Trong vụ án này, Trần Đình Việt phạm tội với vai trò là người thực hành, Nguyễn Văn Cường với vai trò giúp sức.

Sau khi xem xét HĐXX TAND TP Đà Nẵng đã tuyên phạt Trần Đình Việt mức án 9 năm tù và Nguyễn Văn Cường mức án 7 năm tù cùng về tội “Buôn lậu”. Tuyên phạt bổ sung bị cáo Việt số tiền 100 triệu đồng, bị cáo Cường số tiền 10 triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lập công ty để buôn lậu 200 điện thoại Iphone từ Hồng Kông về Đà Nẵng