Nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định xe máy phải camera hành trình trong Dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ là không cần thiết, không khả thi.
Theo đó, Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đang được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 có quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình (camera hành trình), thiết bị thu thập dữ liệu hình ảnh người lái xe, dữ liệu hình ảnh bảo đảm hành trình theo quy định.
Đây là đề xuất có tác động lớn đến người dân nên cần khảo sát kỹ để bảo đảm tính khả thi và không gây lãng phí, tốn kém cho chủ phương tiện. Hiện giá một chiếc camera hành trình khoảng 3,5 triệu đồng, số tiền không nhỏ đối với người có thu nhập thấp, có thể gây thêm gánh nặng cho không ít gia đình.
Cả nước hiện có trên 73 triệu xe máy. Với giá một chiếc camera hành trình là 3,5 triệu đồng, thì ước tính cần đến 255.500 tỷ đồng để lắp đặt cho 73 triệu xe máy. Đây là số tiền quá lớn, chưa kể phí sử dụng hàng năm và lưu trữ dữ liệu.
Liệu có doanh nghiệp trong nước nào có khả năng sản xuất, lắp ráp để cung cấp 73 triệu camera hành trình cho thị trường trong nước? Hay chúng ta lại trả cả chục tỷ đô la để nhập về số thiết bị này? Đó là chưa kể về mặt kỹ thuật, lắp camera lên vị trí nào ở xe máy và loại camera nào nào chịu được mưa, nắng, va đập?
Đó là chưa kể còn nhiều vấn đề khác như kinh phí xây dựng đường truyền, trung tâm dữ liệu để quản lý dữ liệu của gần 80 triệu ô tô, xe máy, đội ngũ quản lý, vận hành, xử lý dữ liệu.
Bên cạnh đó, xe máy còn là công cụ mưu sinh cho rất nhiều người như nông dân, lao động tự do, sinh viên,… Tuy nhiên, giá camera hành trình thậm chí còn cao hơn cả giá chiếc xe máy thì rất khó để thuyết phục người dân lắp camera. Một số ý kiến còn đặt vấn đề về nguy cơ xâm phạm đời tư khi bắt buộc xe cá nhân phải lắp thiết bị GSHT...
Hiện Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang được xây dựng, hoàn thiện. Các chuyên gia, người dân được hỏi đều mong muốn cơ quan soạn thảo lắng nghe các ý kiến đóng góp để đảm bảo những quy định trong luật là thực sự cần thiết, có tính khả thi, không gây xáo trộn đời sống của người dân.