Lão ngư “không chân” hơn 50 năm tiếp lửa cho làng chài bám biển, vươn khơi

Ưu Đàm| 04/07/2014 22:58
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tròn 15 tuổi đã kiên cường vươn khơi cùng làng chài nghèo giữ vững vùng biển quê hương. Chiến tranh đi qua đã “vô tình” cướp mất đôi chân của chàng trai trẻ.

Vậy là từ một lực điền tráng kiện bỗng nhiên trở thành một người khuyết tật, nhưng người thanh niên ấy đã không hề gục ngã. Mà trái lại, hơn nửa thế kỷ qua ông vẫn đang ngày đêm đan tre, đóng thuyền tiếp lửa cho ngư dân nơi “tiền tuyến” an tâm bám biển, giữ đảo. Ông chính là lão ngư Trần Dư (80 tuổi, trú thôn Hà Quảng Đông, xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Ngôi làng hơn 200 năm gắn bó với nghề đan thúng chai

Điện Dương ngay sát nách Hội An, nhưng trời lại không phú cho mảnh đất này một thương cảng trù phú như Cửa Đại. Mà trái lại, biển Điện Dương rộng nhưng đi đâu cũng toàn thấy bãi ngang, nước cạn, thuyền bè chỉ còn biết “đứng im” ngoài khơi nhìn về phía bờ. Cách duy nhất để vận chuyển ngư cụ ra thuyền, cũng như tôm cá đánh bắt được vào bờ là dùng thuyền thúng. Có lẽ vì thế nghề đan thuyền thúng phát triển sớm và thịnh hành nhất ở xứ Quảng.

 Lão ngư “không chân” hơn 50 năm tiếp lửa cho làng chài bám biển, vươn khơi

Lão ngư Trần Dư vẫn ngày đêm đan thuyền, “tiếp lửa” cho ngư dân bám biển

Điện Dương thế Thế nhưng, quá khứ vàng son của vùng đất này đã thuộc về thời quá vãng. Nghề thuyền thúng dần mai một và đang đứng trước bờ vực “tuyệt chủng”. Số người biết nghề, hiểu nghề và làm nghề giờ chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Lão ngư Trần Dư là một trong số những người “hiếm hoi” còn bám trụ với nghề đan thuyền thúng, ông lý giải: “Tên gọi thúng rái bắt nguồn từ một loại dầu rái dùng để quét trên bề mặt thúng, loại dầu này được lấy về từ trên núi, màu đen, được cha ông sử dụng từ xưa đến nay, nhằm tạo độ bền, chống thấm cho thúng”.

Đến nay nghề đan thúng đã gắn bó với dòng họ Trần được hơn 200 năm với 4 thế hệ nối tiếp nhau gìn giữ nghề truyền thống. Bản thân lão ngư Trần Dư cũng hơn 50 năm “sống chết” với nghề. Tóc bạc và nước da đã ngả màu sương gió, nhưng mỗi ngày từ tờ mờ sáng đã thấy bóng ông cùng con, cháu ra trại làm thúng. Nghề đan thuyền thúng cũng lắm công phu. Để cho ra đời một chiếc thuyền thúng hoàn chỉnh phải tiến hành qua nhiều công đoạn, đầu tiên là chọn tre. Theo kinh nghiệm của cụ Dư, thì nên chọn tre đất thịt bởi loại tre này có độ dẻo và bền cao hơn so với tre đất cát. Chọn được tre, người thợ cần chuốt lớp vỏ bên ngoài thành từng thanh mỏng, rồi mang ra phơi nắng, phơi khô đủ bảy ngày. Sau đó làm các bước tiếp theo là vót, đan bụng thúng, tạo khung, uốn vành cho đến quét dầu và phơi khô 3 - 4 lượt nắng.

Mặt trời lên quá đỉnh đầu, cũng là lúc con cháu ông Dư kéo thúng ra sân nhà thờ họ để phơi. Chú Trần Thái Thanh (con trai ông Dư) chia sẻ: “Để hoàn thành một chiếc thúng, yếu tố quan trọng nhất là phải quét một lớp phân bò trên bề mặt thúng đem phơi khô trước khi quét lớp dầu rái. Đây là kinh nghiệm cha ông truyền lại để trít các mạch đan không bị hở, làm tăng tuổi thọ cho thúng”. Thông thường, một chiếc thúng rái cỡ nhỏ nhất được bán với giá khoảng hai đến ba triệu đồng, cỡ lớn hơn dao động từ ba đến sáu triệu. Đặc biệt với loại thúng hột xoài dùng để chạy động cơ, thường đòi hỏi trải qua công đoạn phức tạp hơn, cũng như kích thước lớn hơn cho nên giá từ khoảng 10 triệu đồng trở lên. Thúng rái không chỉ được sử dụng trên địa bà Đà Nẵng, mà còn được ưa chuộng ở thị trường nước ngoài như Anh, Pháp, Úc...

Chia sẻ về thành công này, lão ngư Trần Dư cho hay, khách hàng ngoại quốc có yêu cầu khắt khe hơn hẳn khách hàng nội địa. Trong khi người dân mình luôn đặt yếu tố độ bền lên hàng đầu nên thường dùng “keo ngoại” để kết dính các thanh nan tre lại với nhau, loại keo đặc dụng này giúp tuổi thọ thuyền thúng có thể đạt từ 12-15 năm. Trong khi đó, khách hàng ngoại  quốc lại yêu cầu hoàn toàn không được sử dụng hóa chất, chỉ được dùngdầu rái nguyên chất quét lên, rồi đem phơi nắng cho bóng. Khách ngoại họ đặt hàng theo hợp đồng, đúng hạn họ nhờ cán bộ hải quan tới đóng gói rồi xuất cảng.

Nửa thế kỷ “tiếp lửa” cho dân chài vươn khơi

Đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, thế nhưng trong con người lão ngư Trần Dư, hoài bão về những năm tháng hào hùng tuổi thanh xuân vẫn còn mạnh mẽ lắm! Giọng sang sảng, ông nhớ lại: “Cái cảm giác lần đầu tiên đạp sóng biển thẳng tiến ra khơi tuyệt vời không thể tả nổi. Đứng trên mũi thuyền, dang rộng đôi tay, phía trước là biển cả bao la, hét thật to, đó dường như là tất cảnhững gì tôi đam mê thưở ấy. Tròn 15 tuổi mới được cho là đủ “sức vóc” để “đi bạn”. Với tôi, mỗi chuyến đi là một hành trình mới, đầy gian khó nhưng rất kiêu hùng”.

Nhưng chiến tranh, những quả mìn quái ác đã nghiền nát đôi chân ông. Nhấn chìm luôn khát vọng tuổi thanh xuân, hoài bão chinh phục những con sóng cũng tan tành mây khói. Nhìn đôi chân bị cưa cụt tới quá nửa đùi, ông không cầm được nước mắt... Lúc đó, ông dường như gục ngã, đôi lúc đã nghĩ đến ý định buông xuôi. Nhưng những lời động viên “thấu” tận tâm can của cha, đã rung động được trái tim ông.

Ông Dư vẫn nhớ như in lời cha: “Cha biết với con, biển là quê hương, đảo là nhà, đam mê lớn nhất của cuộc đời con cũng chính là biển cả. Nhưng chiến tranh mất mát là chuyện không thể tránh khỏi, con phải chấp nhận để tiếp tục sống. Con không thể bám biển, vươn khơi được nữa nhưng con có thể “thổi hồn” cho những chuyến “đi bạn” của làng mình, của dân mình. Rồi đây trên những chiếc thuyền thúng do chính tay con làm, con của con, cháu của con sẽ thay con thực hiện những hoài bão còn dang dở... Cố lên con!”.

Hơn 50 năm đã trôi qua, những lời động viên ấy trở thành kim chỉ nam để lão ngư Trần Dư tiếp tục sống. Cũng chừng ấy năm hàng ngàn chiếc thuyền thúng do chính tay ông làm đã “thắp lửa” cho hành trình bám biển của không chỉ làng chài Điện Dương mà còn nhiều địa phương khác ở miền Trung. Thấm thoát, lão ngư Trần Dư nay cũng đã ngoài 80. Tóc đã bạc gần hết, nước da nhăn nheo, đen sạm vì gánh nặng của tuổi tác, đặc biệt đôi chân đã không còn “lành lặn”, thế nhưng hình ảnh một lão ngư, không quản ngại nắng mưa, ngày đêm lê thân mình trên nền cát trắng, nhẫn nại kết từng nan tre “nặn” hình hài những chiếc thuyền thúng, đã trở thành biểu tượng cho ý chí vươn lên của người dân vùng quê nghèo Điện Dương.

Lão ngư Trần Dư thú thật: “Nghề đan thuyền thúng này, đến nay đã truyền đến đời thứ tư. Bản thân dù khuyết tật, vẫn cố gắng hết sức để truyền dạy tất cả những kỹ nghệ lại cho lớp con cháu. Nhất là gần đây, nghe báo đài liên tục cập nhật những thông tin nóng bỏng xảy ra trên biển Đông. Rồi từng giờ, từng phút chứng kiến cảnh tàu Trung Quốc hung hăng đâm chìm tàu cá của ngư dân mình, tôi đau lắm! Từng một thời “sống chết” bám thuyền mưu sinh giữa biển khơi nên tôi biết nếu tàu chìm, hy vọng sống sót duy nhất của dân chài chỉ trông cậy vào chiếc thúng chai, nó nhẹ dễ nổi mà... Chính vì lý do đó mà tôi luôn dặn các con, các cháu phải trau chuốt từng nan tre, uốn vành thật chắc chắn, chọn loại dầu rái tốt nhất... làm nên những chiếc thúng chai tốt nhất, bền nhất để ngư dân an tâm vươn khơi, giữ biển quê hương...”.

Tạo điều kiện để gìn giữ nghề đan thuyền thúng

Ông Nguyễn Thành Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Điện Dương cho biết: “Thời gian gần đây, báo chí nhắc nhiều đến những chiếc tàu cá vỏ sắt công suất lớn để người dân phát triển kinh tế. Thế nhưng, thuyền chai vẫn là ngư cụ không thể thiếu trong mỗi chuyến ra khơi. Chính chiếc thuyền nhỏ bé này đã cứu sống hàng ngàn ngư dân gặp nạn giữa biển khơi. Chính quyền xã đã và đang tạo điều kiện cho nghệ nhân Trần Dư vay vốn, để duy trì và phát triển nghề truyền thống này”.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lão ngư “không chân” hơn 50 năm tiếp lửa cho làng chài bám biển, vươn khơi