Trong khuôn khổ chương trình ngày đầu tiên của Hội nghị ASSA 35, các diễn giả trong nước và quốc tế tiếp tục trình bày tham luận về chủ đề “Tự do dịch chuyển lao động tại các nước ASEAN và các nước đang phát triển”.
Tại phiên thảo luận, các chuyên gia đều nhận định, cuộc CMCN 4.0 đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự dịch chuyển lao động giữa các quốc gia. Đây là tín hiệu tích cực của thị trường lao động, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho việc thực hiện các chính sách ASXH và đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.
Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu phát biểu tại phiên thảo luận
Vai trò của hiệp định về ASXH
Theo ông Mohammed Azman (Tổ chức ASXH Malaysia), hiện NLĐ di cư khi đến làm việc ở một quốc gia khác thường chỉ quan tâm đến tiền lương và điều kiện làm việc, mà không quan tâm nhiều đến việc tham gia các chế độ bảo hiểm, tai nạn lao động, bênh nghệ nghiệp… Đáng chú ý, lao động di cư là nữ đang chiếm tỉ lệ lớn với các công việc thiếu ổn định, thu nhập thấp như giúp việc gia đình, chăm sóc bệnh nhân, lao công, nông nghiệp… Điều này đòi hỏi các quốc gia cần nhanh chóng có những giải pháp để thay đổi nhận thức, đảm bảo quyền lợi cho đối tượng lao động di cư. Để làm tốt điều này, việc ký kết các hiệp định song phương, đa phương giữa các quốc gia về BHXH là điều kiện tiên quyết, quan trọng nhất.
Cùng chung quan điểm, ông Kim Young Eil- Giám đốc Trung tâm phụ trách các vấn đề quốc tế tại Hàn Quốc (NPS) chia sẻ: “Để đảm bảo quyền lợi về ASXH cho lao động di cư, các quốc gia cần có hiệp định về ASXH với các quốc gia khác. Như Hàn Quốc hiện có lao động làm việc tại 194 quốc gia; vì vậy, ở Hàn Quốc có Hiệp định ASXH (SSA) ký kết với các quốc gia có NLĐ Hàn Quốc đến làm việc, nhằm giải quyết và đảm bảo các quyền lợi ASXH cho NLĐ khi làm việc ở nước ngoài hoặc sau khi về nước. Trong thực tế, nếu không có SSA, nhiều NLĐ sẽ bị thiệt thòi khi dịch chuyển lao động.
Ông Kim Young Eil
Ông Kim Young Eil đưa ra minh chứng: Một số NLĐ đã làm việc 8 năm tại Mỹ và đã nộp thuế ASXH với tổng số tiền 122.400 USD, nhưng do chưa đóng đủ thời gian tối thiểu 10 năm để hưởng chế độ hưu trí của Mỹ, nên không đủ điều kiện nhận lương hưu. Bà Kim làm cho một BV của Đức 30 năm và được nhận 1.000 Euro lương hưu từ Đức, nhưng sau khi quay lại Hàn Quốc thì số tiền lương hưu của Đức giảm xuống còn 700 Euro. Tương tự, tại Châu Á, lao động Châu Á gặp khó khăn trong việc nhận quyền lợi hưu trí từ nước ngoài, vì thời gian được bảo hiểm của họ thường dưới 10 năm. Nếu một người đủ điều kiện nhận lương hưu ở một nước khác, nhưng lại quay lại nước mình, khoản lương hưu đó có thể bị giảm hoặc không được trả về nước đó.
“Có thể thấy, nếu không có SSA, thì NLĐ sẽ chịu rất nhiều thiệt thòi về ASXH. SSA sẽ giúp loại bỏ bảo hiểm kép, đóng ở cả 2 nước, giảm bớt gánh nặng tài chính đối với lao động ở nước ngoài hoặc những người tự làm việc ở nước ngoài. NLĐ đủ điều kiện nhận chế độ hưu trí thông qua tổng thời gian bảo hiểm và đảm bảo rằng công nhân nước ngoài được đối xử bình đẳng với công dân của nước ký kết hợp đồng…”- ông Kim Young Eil nhấn mạnh.
Lời giải cho việc đảm bảo ASXH đối với lao động di cư
Có thể thấy, việc ký kết các hiệp định về ASXH mang lại lợi ích to lớn cho NLĐ di cư. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, để ký kết được các hiệp định này, còn gặp không ít rào cản, thách thức. Các hiệp định thường mất rất nhiều thời gian để hoàn thiện, ký kết, nhất là khi một số quốc gia không tìm được tiếng nói chung. Châu Á nói chung và ASEAN nói riêng có rất nhiều hệ thống, mô hình về ASXH với sự khác biệt lớn. Bên cạnh đó, tại nhiều quốc gia, hệ thống ASXH cũng chưa hoàn thiện, độ bao phủ còn thấp, nên chưa đủ nguồn lực hoặc thiếu kinh nghiệm trong bảo vệ quyền lợi cho lao động di cư.
Ông Đinh Duy Hùng- Phó Trưởng Ban Thu (BHXH Việt Nam)
Dẫn chứng từ Việt Nam, ông Đinh Duy Hùng- Phó Trưởng Ban Thu (BHXH Việt Nam) chia sẻ: Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thường thuộc nhóm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Hiện, Việt Nam có 231.000 người tham gia BHXH tự nguyện, còn rất thấp so với 18 triệu lao động phi chính thức. Việc mở rộng độ bao phủ BHXH, BHYT cho nhóm đối tượng này có nhiều thuận lợi khi hệ thống pháp luật đã cơ bản hoàn thiện, được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm- thể hiện mạnh mẽ của các Nghị quyết. Tuy nhiên, vẫn có không ít khó khăn, thách thức, nhất là khi điều kiện kinh tế còn hạn chế.
Ông Hùng cũng cho rằng, trong xu thế dịch chuyển lao động, Việt Nam hiện có khoảng 500.000 người đi làm việc tại nước ngoài và con số sẽ tăng lên hàng trăm ngàn người mỗi năm. Tuy nhiên, mới có khoảng 6.000 người trong nhóm đối tượng này tham gia BHXH, trong khi chưa có phương pháp quản lý hiệu quả về BHXH…
Tìm lời giải cho bài toán đảm bảo ASXH đối với lao động di cư, các chuyên gia cho rằng, các quốc gia cần nhanh chóng ký kết các thỏa thuận song phương, đa phương về bảo vệ lao động di cư; loại bỏ các quy định về phân biệt đối xử quốc tịch; tuân thủ các nguyên tắc quốc tế về lao động di cư; giúp đỡ lao động di cư tiếp cận dần với các chính sách ASXH của quốc gia tiếp nhận lao động…
Ông Jens Schremmer- Trưởng Văn phòng Tổng Thư ký Hiệp hội ASXH Thế giới (ISSA) cho rằng, NLĐ di cư thường làm việc ngắn hạn, nhiều biến động, ít quan tâm đến quyền lợi của mình. Do vậy, công tác thống kê và truyền thông rất quan trọng. Bên cạnh đó, các chính sách cũng cần được thiết kế hấp dẫn hơn; cách tiếp cận đơn giản, thuận tiện hơn thông qua ứng dụng CNTT để NLĐ di cư dễ dàng tham gia, thụ hưởng các chế độ.
Ông Mohammed Azman cũng chia sẻ, NLĐ di cư hiện đang là vấn đề nóng không chỉ ở các quốc gia Châu Á, mà trên phạm vi toàn thế giới. Hiện nay, ở Malaysia, thị trường lao động đã chịu sự phụ thuộc vào lao động di cư với con số tăng dần qua các năm (từ 1,8 triệu người được cấp phép năm 2014 tăng lên hơn 2,2 triệu người vào năm 2017). Ngoài ra, còn có những đối tượng không được cấp giấy phép nữa.
“Đối với những lao động di cư được cấp giấy phép làm việc tại Malaysia, thì áp dụng theo quy định của Malaysia, nhằm hướng tới sự bình đẳng cho NLĐ nhập cư. Năm 2011, Malaysia đã sửa đổi Bộ luật Lao động, trong đó quy định chủ SDLĐ phải tuân thủ cơ chế NLĐ nước ngoài hưởng công bằng với lao động trong nước”- ông Mohammed Azman nói.
Các diễn giả trực tiếp trao đổi với đại biểu tham dự phiên thảo luận
Có thể thấy, lao động di cư đang là xu thế nóng toàn cầu. Lao động di cư cũng đang đóng góp rất lớn cho sự phát triển của từng quốc gia, vùng lãnh thổ. Việc xây dựng các chính sách ASXH cho lao động di cư là một yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết, chính đáng và có thể thực hiện được qua các hiệp định song phương, đa phương về ASXH cũng như sự nỗ lực của mỗi quốc gia.
Phát biểu kết luận, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu nhấn mạnh, sau một ngày làm việc tích cực và thảo luận sôi nổi với tinh thần trách nhiệm cao, Hội thảo về “Cơ hội, thách thức của các tổ chức ASXH khu vực ASEAN trong bối cảnh CMCN 4.0 và tự do dịch chuyển lao động” đã thành công tốt đẹp.
Theo Phó Tổng Giám đốc, qua sự kiện này, chúng ta đã hình dung được phần nào xu thế phát triển ASXH thế giới, tác động của CMCN 4.0 và tự do dịch chuyển lao động đến tái cơ cấu kinh tế, lao động, việc làm của mỗi quốc gia cũng như yêu cầu đặt ra đối với hệ thống ASXH trong thời gian tới. “Chúng ta cũng hiểu rõ hơn về nhu cầu của hệ thống đào tạo và đào tạo nghề thích ứng với đòi hỏi của thị trường lao động trong nền kinh tế số. Các diễn giả đến từ WB, ISSA, ILO, New Zealand, Hàn quốc, Malaysia… đã chia sẻ nhiều kiến thức, kinh nghiệm về đảm bảo các chế độ an sinh cho NLĐ, nhất là trong các ngành nghề phi biên giới, phi tập trung cũng như NLĐ di dân”- Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu nói.
Đặc biệt, theo Phó Tổng Giám đốc, thông tin mà các diễn giả cung cấp sẽ tạo cơ sở cho các Chính phủ, các nhà hoạch định chính sách và hệ thống ASXH của các quốc gia trong khu vực tiếp tục hoàn thiện chính sách, nhằm đảm bảo cho NLĐ, nhất là lao động di dân và các thành viên gia đình họ được hưởng đầy đủ các quyền lợi chế độ, để dễ dàng thích ứng với yêu cầu chuyển đổi của nền kinh tế, lao động và việc làm dưới tác động của CMCN 4.0.