Những tai nạn đau lòng ở đất nước Angola xa xôi đã biến những giấc mơ thay đổi cuộc sống của nhiều gia đình ở miền Trung nắng gió thành nỗi bi thương tột cùng.
Những ngày gần đây, miền đất nghèo nơi miền Trung nắng gió phải gánh chịu những nỗi đau xé lòng khi tin dữ từ phương xa bay về cho biết có nhiều lao động bị tử nạn tại đất nước Angola xa xôi. Giờ đây ước mơ thay đổi cuộc sống bằng việc xuất ngoại ra nước ngoài lao động đang đẩy nhiều gia đình vào cảnh bi thương tột cùng. Cha mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha…và nợ nần chồng chất.
Nỗi đau chồng chất nỗi đau
Địa chỉ đầu tiên mà chúng tôi tìm đến là gia đình chị Thảo ở xóm 5, xã Hưng Mỹ huyện Hưng Nguyên, vợ nạn nhân Chu Văn Toản (sinh năm 1982). Cách đây gần 100 ngày, gia đình chị bất ngờ nhận được hung tin khi anh Toản chồng chị đã bị giết chết tại Angola mà không hiểu vì sao và ai là thủ phạm. Trong nỗi đau đến nghẹn ngào, chị kể trong nước mắt: “Một năm sau ngày cưới, vợ chồng tôi sinh hạ được một cháu trai, nhân lúc chồng không có công ăn việc làm, nhà có đi vay mượn tiền để lo cho Toản đi xuất khẩu lao động ở Angola. Được một chị ở Hà Tĩnh môi giới, tháng 12/2011, vợ chồng tôi đã nộp 5.500 USD cho người ta để được đi. Sang đó mấy tháng, anh Toản điện về cho biết khí hậu bên đó rất khắc nghiệt, ngày nóng như đổ lửa, đêm rét cắt da cắt thịt nên anh và nhiều người khác bị sốt rét, ốm đau triền miên không đi làm được mấy. Đầu tháng 12/2012, anh Toản lại điện về cho biết do ốm đau suốt không thể trụ được nên đã thu xếp hành lý để chuẩn bị về Việt Nam. Nhưng chỉ vài ngày sau thì chúng tôi bất ngờ nhận được tin anh ấy đã bị người ta giết bên lề đường”.
Nỗi đau của gia đình chị Thảo chỉ là một trong nhiều nỗi đau mà bà con nơi vùng quê nghèo này đang ngày ngày phải đón nhận trong đau đớn. Ngôi nhà nhỏ của gia đình bà Cao Thị Thủy ở xóm 7, xã Nghi Kim mấy hôm nay phủ trắng một màu tang tóc đến bi thương khi con trai bà là anh Nguyễn Đức Cao (26 tuổi) đi lao động tại Angola bị tử nạn hôm 1/3, nhưng mãi đến tận ngày 5/4 thì thi thể mới được đưa về quê an táng. Được biết, cuối năm 2012, anh Cao sang Angola bằng con đường du lịch của một đường dây lao động “chui” do một người quen ở quê giới thiệu với chi phí gần 140 triệu đồng. Mức lương là 1.000 USD/tháng. Tuy nhiên sang đó anh Cao bị sốt rét triền miên và đến ngày 1/3 thì tử vong. Nhà nghèo, bà quyết định vay mượn để con trai đi XKLĐ ở Angola kiếm tiền rồi sau này mới tính đến chuyện vợ con nhưng bà nào ngờ ngày tiễn con đi cũng là lần vĩnh biệt sau cùng.
Hay trường hợp của anh Trần Nam Tuấn, sinh năm 1970, ở khối 4, Lê Lợi, Vinh, Nghệ An đã tử vong ở Luanda do bệnh sốt rét. Theo gia đình thì anh Tuấn thì anh mới sang làm việc ở Angola được 4 tháng. Tuấn đã lập gia đình được 5 năm và hiện có 2 con nhỏ, bé lớn được 3 tuổi còn bé út mới được 1 tuổi. Hiện anh còn mẹ già đã ngoài 70 tuổi. Trước đây, Tuấn là lao động chính trong gia đình nhưng vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, anh đã phải chạy vạy vay mượn khắp nơi để có tiền đi Angola. Những tưởng anh đi sẽ gửi tiền về cho gia đình được thêm thu nhập. Ai ngờ sốt rét khiến anh không thể gặp lại mẹ già và vợ con mà đành bỏ mạng nơi đất khách.
Mới đây nhất là cái chết của anh Phan Văn Sơn, Quỳnh Lưu, Nghệ An - người vừa tử nạn ngày 12/4 tại Angola. Gia đình nạn nhân Sơn cho biết, Sơn đi Angola vào cuối năm 2011 bằng con đường du lịch của một đường dây lao động với chi phí gần 140 triệu đồng. Mức lương hứa hẹn ban đầu là 1.000 USD/tháng. Tuy nhiên lúc sang đến nơi, Sơn chỉ làm công nhân xây dựng và mức lương không đạt được như lời hứa ban đầu. Hơn một năm làm việc ở Angola nhưng tiền lương Sơn gửi về chưa đủ trả tiền chi phí bỏ ra. Anh Sơn đột ngột ra đi, cũng có nghĩa là gia đình mất đi trụ cột, chỗ dựa vững chắc nhất, bởi từ nay trong ngôi nhà nhỏ bé ở quê nhà chỉ còn lại vợ anh, 2 đứa con bé bỏng và bố mẹ già.
Tuy nhiên việc đưa thi thể anh Tuấn, anh Sơn… về nước cũng là một vấn đề nan giải. Bởi theo những người hiện đang làm việc tại Angola cho biết, để đưa được thi thể người tử nạn về Việt Nam, chi phí không dưới 600 triệu đồng. Đối với những người dân nghèo thì đây là cả một số tiền khổng lồ mà cả đời họ chắc gì đã có được. Vì thế, để đưa thi thể người thân về nước là điều không tưởng và họ chỉ còn biết trông cậy vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhà nước và Đại sứ quán Việt nam tại Angola.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu như tất cả lao động đi xuất khẩu qua Angola đều phải nộp phí qua “cò”. Để được sang Angola nhiều gia đình đã không ngần ngại cắm số đỏ, vay nặng lãi để nộp phí với mức từ 5.500- 6.500 USD và hầu như không có hợp đồng nên không nhớ rõ tên công ty môi giới nào cụ thể. Ước mơ đổi đời đang khiến cho nhiều gia đình nông dân đang lâm vào cảnh bi thương người mất, nợ nần chồng chất.
Và những tiếng kêu than ai oán nơi xứ người
Khi chúng tôi đang thực hiện phóng sự này thì bất ngờ nhận được một bức thư ngỏ mà một lao động chui Việt Nam tại Angola vừa viết hôm 9/4/2013 gửi cho Bộ Ngoại giao Việt Nam. Trong thư người này cho biết mình là Hoàng Văn Hiệp, người Kỳ Anh, Hà Tĩnh, hiện đang đang cư trú tại Luanda – Angola và cho biết ước tính đến cuối năm 2012 có khoảng 8.000 người Việt ở Angola là bất hợp pháp. Từ đầu tháng 4/2013, lực lượng Công an quản lý người nước ngoài Angola (Defar) đã tiến hành siết chặt công tác quản lý người nước ngoài. Để làm tốt công tác này, lực lượng Defar đã tiến hành các cuộc vây bắt, truy quét nhằm xoá bỏ người cư trú bất hợp pháp ở đây. Từ đầu tháng 4/2013 đến 9/4/2013 đã có hơn 250 người Việt bị bắt giam tại các nhà tù của Angola, nếu muốn được tự do thì phải bỏ ra một số tiền chuộc rất lớn từ 3.000 USD đến 6.000 USD, đây là số tiền không phải ai cũng có. Trong số những người bị bắt một số ít là không có giấy tờ tùy thân hoặc có nhưng đã hết hạn, còn phần lớn những người bị bắt là có Visa, Visto đầy đủ.
Nhưng những gì anh Hoàng Văn Hiệp viết trong thư chỉ cho thấy được một phần cuộc sống cơ cực, khổ ải nơi xứ người. Theo điều tra của chúng tôi, được biết hàng ngày ngoài việc phải trốn chạy cảnh bị bắt bớ, tù đày, các lao động Việt Nam còn phải đối mặt với cướp bóc, giết chóc, hiếp dâm và ốm đau bệnh tật do sốt rét, sốt xuất huyết, nếu nhẹ thì qua khỏi trong vài ba tháng, nặng thì bỏ mạng như chơi.
Chị Nguyễn Thị Thảo, vợ của nạn nhân Chu Văn Toản bên bàn thờ chồng
Một lao động chui người Việt Nam ở Angola xin giấu tên cho biết: “Ở Angola, ban ngày chạy trốn công an, đêm về cướp giật, súng nổ ầm ầm, bước chân sang đến nơi mới thấy được mạng người như cỏ rác, khổ lắm, những người ở nhà đừng có nghe dại mà chui sang đây nữa, tiền mất tật mang”. Mặc dù được đánh giá là lực lượng lao động siêng năng, chịu khó với đủ ngành nghề như buôn bán, cắt tóc, gội đầu, sửa xe máy và đặc biệt là xây dựng, tuy nhiên vì là nhập cư bất hợp pháp nên hàng ngày người lao động Việt Nam phải đối mặt với việc bắt bớ, càn quét của lực lượng cảnh sát nơi đây.
Theo nguồn tin từ người nhà anh Phạm Anh Đức, quê ở Đức Thọ, Hà Tĩnh, anh Đức hiện đang bị bắt và bị giam giữ tại trại giam Viana, Luanda. Anh Đức cho biết hiện nay có khoảng 500 người Việt Nam bị nhốt trong trại giam này. Điều kiện sinh hoạt trong trại rất khó khăn, khổ cực, các anh em bị giam 5 ngày mới được cấp nước để sinh hoạt và cũng không biết ngày nào mới được thả ra nữa. Ngoài ra khi sang Angola làm việc, các lao động “chui” Việt Nam sẽ luôn phải đối mặt với dịch bệnh sốt rét và sốt xuất huyết do một loại muỗi vàng có tên là xê xê gây nên, do điều kiện sinh hoạt, thuốc men hạn chế nên đã có hàng trăm người do sức đề kháng yếu hoặc không thể trụ nổi phải cuốn gói trở về quê hương hoặc đành bỏ mạng một cách thương tâm nơi xứ người.
Giấy chứng tử của chị Nguyễn Thị Xuân – Kỳ Anh – Hà Tĩnh bị cướp giết chết
Bên cạnh đó có một mối lo thường trực khác khiến nhiều lao động phải luôn lạnh gáy đề phòng là tình trạng cướp bóc, giết chóc xảy ra thường xuyên mà đối tượng chủ yếu mà những tên cướp người Angola nhằm đến chính là những lao động Việt Nam. Trường hợp anh Toản như đã nói ở trên là một ví dụ. Theo nhận định của bạn bè và người thân anh Toản có thể do biết được anh sắp vê quê nên trong túi kiểu gì cũng có ít tiền nên nhân lúc 2 người ở cùng phòng với anh Toản ra khỏi chỗ ở là chúng ra tay hạ sát để cướp tiền.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Xuất khẩu lao động là con đường thoát nghèo của bao người dân ở các làng quê xứ Nghệ. Tuy nhiên, do trình độ tay nghề, học vấn thấp lại khát khao công việc có thu nhập cao ở nước ngoài nhưng lại ít tiếp cận với thông tin là nguyên nhân khiến nhiều người lao động ở nông thôn dễ dàng trở thành nạn nhân của các đường dây lao động “chui” để rồi phải đón nhận những hệ lụy cay đắng, xót xa.
Ông Nguyễn Đăng Dương, Trưởng phòng lao động - việc làm- tiền lương Sở LĐ, TB&XH Nghệ An cho biết: Hiện chưa có bất cứ đơn vị nào được cấp phép để xuất khẩu lao động sang thị trường Angola. Hầu hết các lao động hiện sang làm việc tại Angola hiện nay đều đi theo đường dây lao động “chui” và phải chịu một khoản phí đắt đỏ. Vì thế, người lao động cần thận trọng, tránh trường hợp bị “cò mồi” lừa đảo khiến “tiền mất, tật mang”. Trước vụ việc liên tiếp người lao động tử nạn ở Angola, Sở LĐ-TB & XH Nghệ An đã có văn bản gửi về các huyện, thành thị để thông báo rộng rãi thông tin trên. Để đảm bảo an toàn, lao động đi XKLĐ cần theo các kênh chính thông qua đơn vị Trung tâm Lao động việc làm của Sở. Cũng theo ông Dương, các cơ quan chức năng cần vào cuộc, chứ một mình Sở LĐ thì không thể điều tra, làm rõ được công ty nào môi giới người đi XKLĐ “chui” được.
Có một điều mà có lẽ ai cũng thấy là tình trạng nhiều công ty XKLĐ, môi giới việc làm liên tục được cấp phép và vẫn liên tục tuyển lao động sang Angola làm việc nhưng chưa có một cơ quan chức năng nào đến để điều tra để làm rõ những khuất tất mà các trung tâm môi giới XKLĐ đang làm mỗi ngày. Số tiền 5.500 – 6.000 USD không phải là nhỏ với những người dân nghèo nhưng vô hình chung họ đang bỏ một số tiền lớn để gửi gắm tính mạng mình cho quỷ dữ.
Không có gì bảo hiểm cho thân thể, tính mạng hàng ngày những lao động Việt Nam tại đất nước xa xôi này. Nhưng các cơ quan chức năng thì vẫn làm ngơ như không có chuyện gì xảy ra?
Phương Thảo