Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới Chính phủ, Nhân dân Nhật Bản và gia quyến Ngài Abe Shinzo.
Được tin cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo từ trần, ngày 8/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam gửi điện chia buồn tới Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio.
Trong điện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới Chính phủ, Nhân dân Nhật Bản và gia quyến Ngài Abe Shinzo; bày tỏ trân trọng tình cảm đặc biệt và sự ủng hộ, hỗ trợ quý báu mà Ngài Abe Shinzo dành cho đất nước và con người Việt Nam cũng như quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản.
Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng đã gửi điện chia buồn tới Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Hayashi Yoshimasa.
Ông Abe Shinzo sinh năm 1954 tại Tokyo.
Trong sự nghiệp chính trị của mình, ông đã đảm chức vụ Thủ tướng Nhật Bản nhiệm kỳ 2006-2007 và 2012-2022; là Chủ tịch đảng Dân chủ tự do Nhật Bản 2012-2020.
Ông nổi tiếng với chính sách kinh tế mang tên ông "Abenomics".
Trên thế giới nhiều nhà lãnh đạo cũng đã gửi điện chia buồn với gia đình cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo sau khi ông qua đời do bị tấn công vào sáng cùng ngày.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi điện chia buồn tới gia đình của cựu Thủ tướng Abe, bày tỏ sự ra đi của ông là mất mát không gì bù đắp được.
Ông Putin đánh giá ông Abe là "chính khách kiệt xuất, người đã đứng đầu Chính phủ Nhật Bản trong thời gian dài và đã đóng góp rất nhiều để phát triển mối quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa hai nước.”
Tổng thống Nga nhắc lại mối liên hệ thường xuyên với ông Abe trên cương vị lãnh đạo đất nước, nhấn mạnh rằng những phẩm chất cá nhân của ông Abe luôn được thể hiện đầy đủ trong mỗi cuộc tiếp xúc.
Tại Hàn Quốc, Tổng thống Yoon Suk-yeol nhấn mạnh: "Tôi xin gửi lời chia buồn với gia đình của cựu Thủ tướng Abe và nhân dân Nhật Bản khi mất đi một nhà lãnh đạo từng tại vị lâu nhất, cũng như một chính trị gia đáng kính trong lịch sử của Nhật Bản."
Tổng thống Hàn Quốc còn lên án vụ tấn công là "tội ác không thể dung thứ."
Thủ tướng Anh Boris Johnson viết: "Năng lực lãnh đạo toàn cầu không biết mệt mỏi của ông Abe sẽ được nhiều người nhớ tới. Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình, bạn bè của ông và nhân dân Nhật Bản. Vương quốc Anh sẽ sát cánh cùng các bạn tại thời điểm đau buồn này."
Các nhà lãnh đạo Australia, Ba Lan, Đức, Italy, Pháp, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen... cũng đã gửi điện chia buồn với gia đình của cựu Thủ tướng Abe và đất nước Nhật Bản.
Trước đó, cựu Thủ tướng Abe, năm nay 67 tuổi, đã bị bắn từ phía sau vào khoảng 11h30 ngày 8/7 (theo giờ Tokyo) trong lúc đang phát biểu để vận động tranh cử cho một ứng viên của đảng LDP cầm quyền ở thành phố Nara, thủ phủ của tỉnh cùng tên, phía Tây Nhật Bản.
Ông đã ngã gục xuống đất sau hai tiếng súng. Ông Abe đã được đưa tới bệnh viện trong trạng thái bất tỉnh.
Sau khi xảy ra vụ tấn công, cảnh sát Nhật Bản đã bắt giữ một nghi phạm và thu giữ một khẩu súng ngay tại hiện trường.
Nghi phạm này tên là Tetsuya Yamagami, năm nay 41 tuổi, từng phục vụ cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trong ba năm và hiện đang cư trú tại thành phố Nara.
Trong quá trình thẩm vấn, nghi phạm Yamagami đã khai với các nhân viên điều tra rằng ông ta không hài lòng với cựu Thủ tướng Abe và có ý định sát hại chính trị gia này