Sáng 24/7, Tòa án Quân sự Trung ương tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Tòa án Quân sự (13/9/1945 - 13/9/2015).
Tại buổi gặp mặt, Phó Chánh án TANDTC, Chánh án TAQSTW Nguyễn Văn Hạnh đã điểm qua những nét cơ bản về chặng đường lịch sử 70 năm xây dựng và trưởng thành của Tòa án quân sự Việt Nam (13/9/1945-13/9/2015).
Lịch sử lập pháp nước nhà đã ghi nhận, Toà án quân sự là tiền thân của Toà án Việt Nam ngày nay. Trải qua chặng đường lịch sử 70 năm, sau khi thành lập, các Tòa án quân sự đã từng bước phát triển và trưởng thành từ thấp đến cao và ngày càng hoàn thiện. Quá trình đó luôn gắn liền với sự lớn mạnh không ngừng của Quân đội nhân dân Việt Nam, của Đảng, cách mạng và sự lớn mạnh của Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chánh án TAQSTW Nguyễn Văn Hạnh phát biểu tại buổi họp báo
Cùng với công tác đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, lãnh đạo Toà án quân sự luôn quan tâm đến việc nâng cao trình độ chính trị, quân sự cho đội ngũ cán bộ. Lớp lớp cán bộ Tòa án hàng năm được cử đi dự các khoá đào tạo chính trị tại Học viện chính trị quân sự, Học viện chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh... Hiện nay, 100% Thẩm phán Toà án quân sự các cấp có trình độ cao cấp hoặc cử nhân chính trị. Bên cạnh đó, việc rèn luyện đạo đức, bồi dưỡng kiến thức về ngoại ngữ, công nghệ thông tin thường xuyên được chú ý, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Đến nay, hầu hết cán bộ đã có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác; chưa phát hiện cán bộ nào có biểu hiện tham nhũng hay vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong giải quyết án.
Với đội ngũ cán bộ chất lượng ngày càng cao; hoạt động thực hiện nhiệm vụ xét xử các vụ án hình sự của các TAQS đã đạt được chất lượng và hiệu quả tương đối tốt. Trong 70 năm qua, hoạt động xét xử luôn bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không xử oan người vô tội. Bản án do TAQS tuyên luôn tạo được sự đồng thuận xã hội, được nhân dân địa phương và cán bộ, chiến sỹ các đơn vị tin tưởng ủng hộ, công lý và dân chủ hiện hữu trong các phiên tòa.
Bên cạnh hoạt động xét xử, các TAQS đã quán triệt và thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, Nhà nước và chỉ thị của Bộ Quốc phòng về công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Tòa án quân sự các cấp đã tổ chức nói chuyện và giảng dạy pháp luật hàng chục ngàn giờ cho cán bộ, chiến sĩ trên địa bàn đóng quân về nội dung pháp luật cũng như tình hình chấp hành pháp luật trong và ngoài quân đội; là cầu nối quan trọng giữa Nhà nước với nhân dân trong việc đưa pháp luật vào cuộc sống. Việc xét xử lưu động luôn được các Tòa chú trọng. 70% số án được tổ chức xét xử tại đơn vị, nơi xảy ra vụ án. Thông qua các phiên toà xét xử lưu động đã phát huy hiệu quả trực quan, sinh động, nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật; hạn chế, ngăn ngừa vi phạm kỷ luật, pháp luật tại các địa phương và đơn vị. Ngoài ra, các Tòa án quân sự còn viết nhiều tin bài đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành, các báo, đài ở Trung ương và địa phương. Nhìn chung, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật của các Tòa án quân sự đã góp phần đáng kể vào công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm của cả nước.
Kết quả đầu tiên đáng ghi nhận trong quá trình thực hiện chiến lược cải cách tư pháp của Tòa án quân sự, đó là sự chuyển biến mạnh mẽ trong đổi mới tư duy công tác, nâng cao trách nhiệm cá nhân, thay đổi tác phong và lề lối làm việc theo hướng chuyên nghiệp của đội ngũ Thẩm phán. Theo đó, kĩ năng điều khiển phiên toà, tiến hành tố tụng được nâng lên rõ rệt.
Từ việc nâng cao trách nhiệm và đổi mới tư duy công tác, các TAQS cũng như Thẩm phán luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho bị cáo, người bào chữa và các thành phần tham gia tố tụng khác thu thập tài liệu, cung cấp chứng cứ, trình bày nội dung và tranh luận bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; tất cả các bản án được tuyên trên cơ sở kết quả xét hỏi, tranh luận công khai và ý kiến đề nghị của bị cáo, người bào chữa và các thành phần tham gia tố tụng khác. Đặc biệt, nguyên tắc “Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” trong xét xử được chấp hành nghiêm túc. Vì vậy, chất lượng xét xử, giải quyết án ngày càng được nâng lên vững chắc, việc xét xử bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Chánh án Nguyễn Văn Hạnh cũng đề nghị các cơ quan báo chí, các phóng viên, bằng hoạt động thiết thực của mình, ủng hộ và tạo điều kiện tuyên truyền về thành tựu 70 năm của Tòa án quân sự Việt Nam; giúp cán bộ, chiến sỹ và nhân dân cả nước hiểu rõ hơn vai trò, vị trí của Toà án quân sự; tạo sự đồng thuận trong xã hội. Đây cũng chính là nguồn cổ vũ, động viên, khích lệ hết sức to lớn để cán bộ, nhân viên Toà án quân sự hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ chính trị của mình.