Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Nhóm PV| 21/04/2021 11:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong giờ phút thiêng liêng tại đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tỉnh Phú Thọ đã thành kính dâng hương, hoa, lễ vật tưởng nhớ, tri ân công đức của các Vua Hùng đã có công dựng nước, cầu cho xã tắc thịnh vượng, quốc thái dân an.

Sáng nay (21/4, tức mùng 10/3 âm lịch), tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, diễn ra Lễ dâng hương tưởng nhớ, tri ân công đức các Vua Hùng.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, nhà nước; lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương tham gia buổi lễ.

dan-huong.jpg
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, các địa phương và đông đảo nhân dân tham dự lễ dâng hương.

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày Quốc giỗ, là ngày cả nước cùng ca ngợi công lao các Vua Hùng đã có công dựng nước. Năm nay, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức trong 2 ngày 17/4 và 21/4 (tức ngày 6 và 10 tháng Ba năm Tân Sửu). Phần lễ được tổ chức từ ngày 6/3 âm lịch gồm lễ Giỗ Quốc tổ Lạc Long Quân và dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ.

Trước đó, tối 20/4 (tức ngày 9/3 âm lịch), tại Hồ Công viên Văn Lang, TP. Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng 2021 tổ chức Chương trình nghệ thuật “Linh thiêng cội nguồn-Đất Tổ Hùng Vương”.

Chương trình có sự tham gia của gần 200 nghệ sỹ trình diễn những tiết mục đặc sắc, ca ngợi công đức của Vua Hùng, người có công lập ra Nhà nước Văn Lang đầu tiên-Tổ chung của dân tộc Việt Nam; đồng thời ca ngợi tinh thần đoàn kết, truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc.

Hôm nay- ngày 10/3 âm lịch, là lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng và Lễ dâng hoa tại bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong". Địa điểm tổ chức tại quần thể Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng.

Từ 6h sáng, khoảng 1.000 cán bộ chiến sĩ công an, quân đội và đoàn viên thanh niên được huy động để bảo vệ an ninh trật tự cho lễ dâng hương.

Ban tổ chức bố trí lực lượng công an, đoàn viên thanh niên lập hàng rào mềm hai bên từ sân trung tâm lễ hội lên tới cổng đền. Hàng nghìn người dân cũng đã có mặt từ sớm để chờ dâng hương.

den-hung.jpg
Đoàn dâng hương khởi hành từ sân trung tâm lễ hội lên đền Thượng

Đúng 7h, đoàn dâng hương khởi hành từ sân trung tâm lễ hội lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh. Đi đầu là đoàn tiêu binh cầm cờ đỏ sao vàng, cờ hội cùng vòng hoa đời đời nhớ ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước, sau đó là 100 con lạc cháu hồng và đoàn đại biểu đại diện cho nhân dân cả nước.

Trong giờ phút thiêng liêng tại đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tỉnh Phú Thọ… đã thành kính dâng hương, hoa, lễ vật tưởng nhớ, tri ân công đức của các Vua Hùng đã có công dựng nước, cầu cho xã tắc thịnh vượng, quốc thái dân an, bách gia trăm họ vạn đại trường tồn, đất nước ngày càng vững mạnh, hùng cường.

dien-kinh-thien.jpg
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tại Điện Kính Thiên

Tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, thay mặt cho hơn 90 triệu người con đất Việt ở cả trong và ngoài nước đã đọc Chúc văn kính cáo anh linh các vua hùng các Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước, thành kính dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng. Trong giờ phút thiêng liêng của ngày giỗ tổ, triệu triệu con tim người dân Việt Nam ở trong và ngoài nước cùng hướng về Đền Hùng với tấm lòng thành kính, để tưởng nhớ, tri ân các vua Hùng, các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước.

Trước anh linh các Vua hùng, những người con đất Việt nguyện tiếp nối truyền thống tiên rồng, đưa đất nước Việt Nam phát triển hùng cường, làm rạng danh cơ đồ dân tộc. Con cháu Lạc Hồng nguyện mãi khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.

Vào thời khắc tại Đền Thượng trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh linh thiêng thuộc Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Hùng tổ chức nghi lễ Giỗ Tổ thì tại các di tích thờ cúng Hùng Vương trong cả nước đều đồng loạt tổ chức nghi lễ Giỗ Tổ.

logo-chu-tich-nuoc-dang-huong-thuong-cung.jpg
Chủ tịch nước dâng hương tại thượng cung

Sau khi làm lễ tại Đền Thượng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn hành lễ đặt vòng hoa tại Lăng Hùng Vương. Vòng hoa có ghi: Đời đời nhớ ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước.

Sau khi dâng hoa, Chủ tịch nước và Đoàn đã dâng hoa tại Bức phù điêu Bác Hồ nói chuyện với các chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong.

Hội tụ ý thức cộng đồng - quốc gia - dân tộc

Theo các tư liệu lịch sử và thống kê của các nhà nghiên cứu, trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam hiện có 1.417 địa điểm có di tích thờ cúng các Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương. Trong đó, tỉnh Phú Thọ có 183 di tích thờ cúng Hùng Vương (122 di tích đang thờ tự và 61 di tích đã thất truyền). Mỗi địa điểm di tích lại gắn liền với một tín ngưỡng thờ cúng và tri ân công đức của tiên tổ.

Đây thực sự là một minh chứng khẳng định tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một di sản văn hoá độc đáo, trường tồn cùng lịch sử dân tộc. Lễ Giỗ tổ Hùng Vương là dịp quan trọng để giới thiệu ra thế giới một di sản đã thấm đẫm vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của mỗi người dân Việt Nam.

Trong thời đại ngày nay, đất nước ta đang trên đà hội nhập và phát triển, thời cơ thuận lợi có nhiều, nhưng khó khăn, thách thức không hề nhỏ. Để đưa đất nước đi lên sánh vai cùng các cường quốc năm châu, chúng ta cần có sự đồng tâm hiệp lực của đồng bào cả nước, trong đó có những người con đất Việt đang sinh sống ở nước ngoài.

Nếu biết phát huy sức mạnh cội nguồn - sức mạnh của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, chúng ta sẽ tập hợp được sự đoàn kết đối với tất cả người dân đất Việt, cùng chung sức, chung lòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đó cũng chính là thực hiện được lời dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đồng bào cả nước.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không có biên giới riêng mà là biên giới cộng đồng. Đó là điều căn bản triết lý để hình thành một quốc gia thống nhất. Ở đó tất cả mọi người đều có chung một vị Thánh Tổ - Vua Hùng. Trong tâm thức nguồn cội của người Việt - Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Giỗ Tổ Hùng Vương là điểm đồng quy về ý thức cộng đồng - quốc gia - dân tộc, đã kết tinh thành dòng chảy bất tận trong đời sống văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam.

Trong kho tàng di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam, ngày Giỗ tổ Hùng Vương hằng năm là ngày lễ trọng đại mang bản sắc văn hóa sâu sắc và độc đáo của dân tộc Việt Nam, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” tưởng nhớ và biết ơn công đức các Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước.

Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng năm 2021 được tỉnh Phú Thọ tổ chức, diễn trong 2 ngày 17 và 21/4 (tức ngày 6 và 10 tháng Ba âm lịch) tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Trong trạng thái bình thường mới vừa phát triển kinh tế-xã hội, vừa phòng, chống dịch COVID-19, Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay đã được tỉnh điều chỉnh phù hợp.

Một số hoạt động văn hóa cũng được tổ chức như: Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Linh thiêng nguồn cội-Đất Tổ Hùng Vương” và bắn pháo hoa tầm cao; Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy; Giải Bơi chải TP. Việt Trì mở rộng; Giải Bóng chuyền vô địch Quốc gia năm 2021; các chương trình diễn Hát Xoan làng Cổ tại thành phố Việt Trì; Âm nhạc đường phố "Việt Trì live music", Festival Sinh vật cảnh tỉnh Phú Thọ, cùng nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng