Văn hóa - Du lịch

Làng thổ cẩm vào Xuân

Gia Ân - Mạnh Cường 02/01/2024 06:38

Để đón một cái Tết tươm tất và ấm cúng, vào những ngày cuối năm, làng thổ cẩm ở bản Chôm Lôm, xã Lạng Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An) lại càng trở nên nhộn nhịp hơn. Bởi, bà con hối hả xe tơ, kéo vải để tạo nên những sản phẩm trang phục thổ cẩm của người Thái phục vụ Tết cổ truyền của dân tộc thêm phần phong phú, đặc sắc.

Nghề gắn bó máu thịt

Bản Chôm Lôm, xã Lạng Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An) có gần 200 hộ thì 100% là dân tộc Thái, vì vậy nghề dệt thổ cẩm ở đây cũng đã gắn bó với người dân từ bao đời nay. Đặc biệt, mấy năm gần đây, nghề dệt đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư giúp bà con khôi phục và phát triển. Sản phẩm chị em làm ra đã trở thành hàng hóa, mang tính tập trung, mẫu mã cũng ngày càng phong phú hơn nhiều.

unnamed-1-.jpg
Sản phẩm thổ cẩm ở đây mang tính hàng hóa, quy trình sản xuất có nhiều cải tiến đổi mới, giảm bớt thời gian và công sức.

Hàng hóa ở đây không chỉ được bà con người Thái ưa thích, mà còn được bày bán trên thị trường trong và ngoài nước. Đến nay, hơn 90% số gia đình trong làng sống bằng nghề dệt. Những lúc nông nhàn, nghề này đã giải quyết công ăn việc làm cho người dân.

Đặc biệt trong dịp Tết đến xuân về, dù có bận trăm công nghìn việc, chị em người Thái vẫn tranh thủ mọi thời gian để dệt các sản phẩm quần áo, ít nhất cũng để phục vụ cho chồng con và người thân trong gia đình mình.

Bà Vi Thị Chính, ở bản Chôm Lôm, xã Lạng Khê, huyện Con Cuông chia sẻ: “Mặc dù cuối năm rất nhiều công việc phải lo làm cho xong để nghỉ ngơi ăn Tết. Nhưng, dù có bận đến đâu chúng tôi vẫn tranh thủ dệt các sản phẩm từ thổ cẩm để mặc trong ngày Tết, cũng như để bán vì dịp này tiêu thụ rất mạnh”.

Hiện nay, bản Chôm Lôm có hơn 10 hộ xây dựng được cơ sở sản xuất dệt quy mô và có khoảng 174 lao động tham gia dệt thổ cẩm. Tuy thị trường có nhiều biến động nhưng mỗi lao động cũng có thu nhập từ 50.000 đến 70.000 đồng/ngày”.

Tạo nét đẹp riêng cho trang phục truyền thống

Trong điều kiện ruộng vườn ít, nghề dệt đã giúp cho nhiều hộ gia đình trong bản thoát khỏi đói nghèo, vươn lên thành khá và giàu. Mỗi năm, bản Chôm Lôm đón hàng trăm lượt khách đến tham quan, mua sắm hàng hóa từ các mặt hàng thổ cẩm. Trong dịp Tết đến xuân về, các sản của chị em làm ra cũng được bày bán nhiều hơn. Sản phẩm đa dạng màu sắc và mẫu mã, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, cũng như du khách đến tham quan, đặc biệt trong những ngày vui xuân đón Tết của dân tộc.

unnamed-2-.jpg
Hối hả xe tơ, kéo vải để tạo nên những sản phẩm trang phục thổ cẩm của người Thái phục vụ Tết cổ truyền của dân tộc.

Bà Lô Thị Anh, ở bản Chôm Lôm, xã Lạng Khê cho biết: “Đã trở thành bản sắc rồi nên cứ mỗi dịp chuẩn bị Tết đến, người Thái chúng tôi đều phải có trang phục của mình, từ người già đến trẻ em…”

Xã Lạng Khê hiện có trên 200 khung dệt đang hoạt động. Sản phẩm thổ cẩm ở đây mang tính hàng hóa, quy trình sản xuất có nhiều cải tiến đổi mới, giảm bớt thời gian và công sức. Vì vậy, nghề dệt thổ cẩm truyền thống đã được đồng bào nơi đây chú trọng phát triển, đặc biệt là các thế hệ trẻ ngày nay.

Việc duy trì, phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào không chỉ đơn thuần tạo nét đẹp riêng cho trang phục truyền thống mà nó còn tạo ra động lực tích cực để bảo tồn những giá trị văn hóa phi vật thể như: các ngày lễ, ngày hội và Tết cổ truyền của dân tộc.

Ông Vi Văn Duẩn – Phó chủ tịch xã Lạng Khê, huyện Con Cuông cho biết: “Để duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm đòi hỏi cần có hướng đầu tư. Trong thời gian tới, chúng tôi đang tranh thủ mọi nguồn lực để thu hút và mở rộng phát triển làng nghề hơn nữa để vừa tạo công ăn việc làm cho bà con, vừa giữ được nét bản sắc văn hóa dân tộc….”

Mặc dù vậy, nghề dệt thổ cẩm ở bản Chôm Lôm nói riêng và trên địa bàn huyện Con Cuông nói chung vẫn còn nhiều trăn trở. Hy vọng, trong năm mới sẽ được các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa trong việc đầu tư, đào tạo nghề, tạo đầu ra cho bà con để những sản phẩm thổ cẩm được dệt không những đơn thuần chỉ phục vụ nhu cầu của người Thái mà trở thành mặt hàng tiêu biểu của người Việt trong hội nhập và phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng thổ cẩm vào Xuân