Tỉnh Lạng Sơn đang khẳng định vị thế của mình với tầm nhìn chiến lược trong việc thực hiện Đề án Cửa khẩu thông minh và mô hình cửa khẩu kiểu mẫu. Với quyết tâm cao độ, Lạng Sơn chủ động thúc đẩy nhiều bước đi, dồn lực xây dựng hạ tầng để tạo đà phát triển kinh tế cửa khẩu.
Tập trung nguồn lực để bứt phá
Tỉnh Lạng Sơn luôn lấy mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh để đưa ra hướng xây dựng các giải pháp đồng bộ từ quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng cũng như xây dựng nền tảng cửa khẩu số, hướng tới xây dựng cửa khẩu thông minh, góp phần nâng cao hiệu suất thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu.
Những năm qua, Lạng Sơn vẫn luôn không ngừng tập trung nguồn lực, cải thiện, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng trọng điểm, làm bàn đạp cho sự kết nối thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực ASEAN.
Chỉ trong giai đoạn 2013-2023, tỉnh Lạng Sơn đã dành hơn 11.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước cho việc đầu tư xây dựng và hoàn thiện các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm tại các khu vực cửa khẩu.
Đặc biệt, trong hai năm 2021-2022, Lạng Sơn đã ưu tiên bố trí gần 1.100 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng kỹ thuật, tập trung vào những công trình có sức lan tỏa lớn, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế cửa khẩu. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã thu hút khoảng 4.800 tỷ đồng từ nguồn đầu tư ngoài ngân sách cho các dự án trong Khu Kinh tế cửa khẩu và các cửa khẩu khác.
Quyết liệt hơn trong công tác thực hiện cửa khẩu thông minh, mới đây, ngày 13/9/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, ông Hồ Tiến Thiệu, đã trực tiếp kiểm tra tiến độ thực hiện dự án “Khu trung chuyển hàng hóa” thuộc Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng và dự án “Mở rộng đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa” tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.
Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của hai dự án này không chỉ trong bối cảnh phát triển kinh tế của tỉnh mà còn là bước chuẩn bị thiết yếu cho việc hiện thực hóa đề án “Cửa khẩu thông minh”.
Theo báo cáo từ chủ đầu tư, giá trị gói thầu xây lắp đã thực hiện đạt hơn 19,2 tỷ đồng, tương đương 35,14% giá trị hợp đồng, trong khi tổng giá trị giải ngân của dự án đạt trên 30,2 tỷ đồng.
Theo đó, dự án “Khu trung chuyển hàng hóa” đã hoàn thành 100% hạng mục san lấp, 90% hạng mục thi công hệ thống rãnh thoát nước, và 90% hạ tầng sân bãi trong khu vực cũng đã được hoàn thiện. Một số hạng mục liên quan khác đã thi công được khoảng 65%.
“Gỡ khó” cho các dự án trọng điểm phát triển kinh tế cửa khẩu
Theo đánh giá, tính đến thời điểm này, tiến độ thi công dự án chậm so với kế hoạch đã đề ra (theo kế hoạch, thời điểm này phải đạt được 70% khối lượng thi công). Nguyên nhân chủ yếu là do công tác giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các hạng mục của dự án chưa hoàn thành; nhà thầu vẫn chưa tập trung đủ phương tiện phục vụ thi công. Cùng với đó thời tiết mưa nhiều cũng gây ảnh hưởng đến việc triển khai dự án.
Trước tình hình đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu đã yêu cầu chủ đầu tư dự án và đơn vị liên quan khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ dự án trọng điểm tại khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng và cửa khẩu Hữu Nghị.
Đối với Dự án Khu trung chuyển hàng hóa, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn lưu ý nhà đầu tư cần tập trung nguồn lực đẩy mạnh tiến độ thi công theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt; vấn đề cảnh quan, cây xanh, xử lý môi trường và các nguy cơ về môi trường có thể xảy ra cũng cần được quan tâm đặc biệt; bố trí, tạo điều kiện cho lực lượng chức năng tham gia hoạt động tại khu vực. Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng cần phối hợp chặt chẽ với huyện Cao Lộc khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.
Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh, các sở, ngành liên quan và nhà đầu tư cần rà soát lại toàn bộ thủ tục đầu tư của dự án, đảm bảo khi đi vào hoạt động phải đáp ứng đầy đủ, tuân thủ đúng quy định của pháp luật; triển khai ngay các thủ tục thực hiện giai đoạn 2 của dự án.
Đối với dự án mở rộng đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa tại khu vực mốc 1119-1120 cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, nhà thầu cần huy động lực lượng, phương tiện, tăng ca kíp để đẩy nhanh tiến độ thi công, quan tâm đến các vấn đề giao thông và vệ sinh tại khu vực thực hiện dự án.
Về phía huyện Cao Lộc cần thành thành lập khu tái định cư cho nhân dân ở cả hai dự án và đẩy nhanh quá trình giải phóng mặt bằng. Các sở ngành liên quan cần phối hợp xem xét điều chỉnh chủ trương đầu tư theo đề xuất của nhà đầu tư trên cơ sở phù hợp với tình hình thực tiễn mà đúng quy định; đồng thời phối hợp đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực suốt quá trình triển khai dự án.