Lạng Sơn: đề xuất nhiều giải pháp hữu hiệu để phục hồi và phát triển kinh tế

Việt Bắc| 31/08/2021 21:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 30/8, ông Hồ Tiến Thiệu – Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã ký, ban hành văn bản số 370/BC-UBND, báo cáo đề xuất, kiến nghị nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2023. Theo đó, nhiều giải pháp phát triển hữu hiệu đã được đưa ra giữa lúc tình hình dịch bệnh còn phức tạp.

Hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn gắn với phát triển kinh tế cửa khẩu là tiềm năng lợi thế của tỉnh trong thời gian qua. Tuy nhiên với quy mô kinh tế nhỏ, sức cạnh tranh yếu nên tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, phụ thuộc nhiều vào cơ chế, chính sách về xuất nhập khẩu, thông quan của phía Trung Quốc. Thêm nữa, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động xuất nhập khẩu đã gặp nhiều khó khăn.

Hiện tại, tỉnh Lạng Sơn và phía Trung Quốc chưa khôi phục hoạt động đầy đủ 12/12 cặp cửa khẩu, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động giao thương phát triển kinh tế - xã hội. Chưa kể, phía Trung Quốc liên tục áp dụng, thay đổi các biện pháp kiểm soát, tăng cường phòng, chống dịch bệnh đối với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa với Việt Nam.

Dự báo đến hết năm 2021 nếu tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp thì hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh tiếp tục chịu ảnh hưởng từ công tác tăng cường quản lý biên giới, quản lý thương mại của Trung Quốc. Do đó, việc hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên là một trong những nhiệm vụ cấp thiết.

“Chính vì vậy, cần tăng cường việc trao đổi, hội đàm từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh giữa Việt Nam và Trung Quốc một cách thiết thực, hiệu quả hơn để tìm những giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo đà đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu cũng như sản xuất hàng hóa trong nước”, ông Hồ Tiến Thiệu – Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết.

Đối với việc phục hồi sức mua, ông Thiệu cho rằng cần phải kích cầu tiêu dùng nội địa. Cho nên, tỉnh Lạng Sơn đã đưa ra các giải pháp cụ thể như tập trung đẩy mạnh khai thác và phát triển thị trường nội địa, nâng cao sức tiêu dùng và phát triển thương hiệu Việt.

1(3).jpg
Đỉnh núi Mẫu Sơn của huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn được chụp từ trên cao, là một địa danh du lịch đang được đầu tư bài bản, trong tương lại đây sẽ là điểm đến lý tưởng để vui chơi và nghỉ dưỡng.

Đồng thời, tỉnh cũng phát triển mạnh thương mại điện tử và sự gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị, chú trọng đến các mặt hàng nông sản.

Riêng về kích cầu du lịch, theo ông Thiệu, các nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai thực hiện để đạt được mục tiêu đề ra, đó là tiếp tục đẩy mạnh khai thác tốt các tiềm năng du lịch, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các loại hình du lịch. Tăng cường xúc tiến, quảng bá và huy động tối đa các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch. Bảo tồn các giá trị di sản văn hoá, cảnh quan môi trường nhằm phát triển du lịch bền vững.

Cải thiện môi trường đầu tư

Không chỉ hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh, kích cầu du lịch, UBND tỉnh Lạng Sơn còn đề xuất, kiến nghị nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng như: thực hiện tốt chính sách phát triển thị trường lao động, hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm; triển khai kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Trong đó, về cải thiện môi trường đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho rằng cần tập trung huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, trọng tâm là thu hút các nguồn lực của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và khu vực dân cư để đầu tư hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Ưu tiên nguồn lực dành cho đầu tư phát triển xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, các tuyến đường giao thông kết nối liên vùng, liên tỉnh, các khu vực trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Ông Thiệu cho biết, hiện tại, Khu KTCK Đồng Đăng - Lạng Sơn đã được lựa chọn là 1 trong những Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm tập trung đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021 – 2025. Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu ban hành các cơ chế chính sách đặc thù và tiếp tục quan tâm, bố trí vốn, tạo điều kiện cho tỉnh Lạng Sơn triển khai thực hiện hiệu quả, phù hợp hơn với điều kiện, khả năng và định hướng phát triển của tỉnh trong thời gian tới, tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư, tập trung nguồn lực phát triển kinh tế cửa khẩu.

"Đề nghị Thủớng Chính phủ giao các Bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất ban hành cơ chế, chính sách đặc thù về đu tư hạ tầng, cơ chế hoạt động của khu trung chuyển hàng hóa, khu chế xuất, khu hợp tác kinh tế qua biên giới trong khu kinh tế cửa khẩu thuộc các tỉnh biên giới Việt - Trung đ thúc đy trao đổi thương mại Việt Nam - Trung Quốc - ASEAN, cụ thể hóa thực hiện xây dựng tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh", ông Hồ Tiến Thiệu – Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đề xuất.

Chưa hết, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn còn đề xuất đề nghị Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức hội đàm, thống nhất với Trung Quốc để bổ sung danh mục các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc; cho phép nhập khẩu các mặt hàng nông sản qua các cửa khẩu khác của tỉnh Lang Sơn như: Chi Ma, Na Hình, Bình Nghi,... để góp phần tăng khả năng thông quan xuất khẩu nông sản của cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lạng Sơn: đề xuất nhiều giải pháp hữu hiệu để phục hồi và phát triển kinh tế