Văn hóa - Du lịch

Làng ngói Lũng Rì, nơi lưu giữ kiến trúc truyền thống

Nguyễn Liên - Quang Huy 13/06/2023 - 15:52

Xóm Lũng Rì, xã Tự Do, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng nổi tiếng với làng nghề làm ngói âm dương đã có hàng trăm năm tuổi. Ngói Lũng Rì được làm thủ công rất cẩn thận, màu sắc đẹp, dùng lợp mái nhà mát vào mùa hè, ấm về mùa đông.

Trải qua biết bao thăng trầm, nghề làm ngói tưởng chừng như đã bị mai một bởi sự ra đời của nhiều loại ngói mới, tấm lợp fibro xi măng hay mái tôn đang thịnh hành. Thế nhưng đến nay, tại vùng đất Lũng Rì (huyện Quảng Hòa) hàng trăm năm nay vẫn tồn tại một ngôi làng nổi tiếng với nghề làm ngói âm dương.

Những mái nhà lợp ngói âm dương mang dáng dấp cổ kính đặc trưng đã quen thuộc đối với người dân vùng cao. Đây chính là nét văn hóa kiến trúc độc đáo cần được bảo tồn và phát triển.

f25be5cb76e2a7bcfef33.jpg

Để làm ngói theo cách truyền thống, phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, từ chọn đất, ủ đất, nhào đất, lọc sạn, tạo hình, phơi, nung… Ngói có chất lượng tốt, được làm thủ công rất cẩn thận, màu sắc đẹp, dùng lợp mái nhà thoáng mát.

Ngói ở đây có 2 loại, đó là ngói máng và ngói bò, trong đó ngói máng để lợp còn ngói bò để úp nóc nhà. Ngói âm dương là từ chỉ chung cho loại ngói lợp nhà theo cặp; viên ngửa (âm) và viên sấp (dương).

325930e6a3cf72912bde6.jpg
6d660cad9f844eda17958.jpg

Ngói máng ở Lũng Rì làm bằng thứ đất sét mịn, dẻo, sau khi lấy về phải sàng lọc những tạp chất như sỏi, đá. Sau khi lọc sạch, đất được chất thành khối và phủ ni lông kín để bảo đảm giữ độ ẩm. 

Để chuẩn bị cho khâu tạo hình, đất được nén thành từng khối hình chữ nhật. Khi làm, người thợ dùng một thanh tre xoa nước nén chặt bề mặt trụ đất, lấy thước đo đánh dấu chia đôi trụ đất, đánh dấu chiều bề dày đúng 1cm rồi lấy dụng cụ cắt đất đưa vào khuôn.

48fdb723240af554ac1b10.jpg

Khuôn làm ngói máng có hình tròn, đường kính khoảng 25cm, trên thân khuôn có 4 điểm gờ chia đều nhau và như vậy mỗi lần đưa đất vào khuôn có thể làm được 4 viên ngói, khuôn được đặt trên 1 bệ xoay. Chỗ điểm gờ trên khuôn tạo rãnh mỏng để khi đất khô có thể bẻ rời thành từng viên ngói. Khi vã đất vào khuôn, người thợ vừa xoay vừa nén đất sao cho đều và chặt, sau đó mới đưa thước cắt vào cắt gọt.

d986df5f4c769d28c46711.jpg
f4caed5a7e73af2df6622.jpg

Công đoạn tiếp theo, ngói đem phơi trên nền đất được phủ lớp trấu, mục đích là để ngói còn chưa khô khỏi dính xuống bề mặt đất và bảo đảm độ khô ráo.

c68c3758a471752f2c609.jpg
0fa1752ae603375d6e121.jpg

Khâu cuối là xếp ngói vào lò nung liên tục chừng bảy ngày đêm và người dân phải thay nhau túc trực và giữ nhiệt độ vừa đủ nhằm đảm bảo chất lượng ngói tốt. Mỗi lò nung sẽ cho ra sản phẩm chừng 15 nghìn đến 18 nghìn viên ngói.

ead2d36d4044911ac8557.jpg

Nghề làm ngói nơi đây đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, ổn định kinh tế gia đình. Đặc biệt, người làm ngói luôn tâm niệm đây là nghề “gia truyền” của tổ tiên, cần lưu giữ và phát triển.

7b009cb40f9ddec3878c5.jpg
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng ngói Lũng Rì, nơi lưu giữ kiến trúc truyền thống