Văn hóa- Thể thao

Làng nghề sơn mài hối hả vào Xuân

Dương Thảo 09/02/2024 09:30

Làng nghề sơn mài Hạ Thái (xã Duyên Thái, Thường Tín, Hà Nội) là một trong những làng nghề truyền thống nổi tiếng của huyện Thường Tín và vùng đất Thăng Long-Hà Nội.

Những người thợ sơn mài không chỉ tất bật quanh năm để chế tác ra những sản phẩm độc đáo, mà vào những tháng cuối năm, để kịp những đơn hàng trong và ngoài nước, đôi bàn tay của những người thợ còn làm việc không ngừng nghỉ.

Nghề chọn người

Làng nghề sơn mài có lịch sử khá lâu đời, dựa theo những bức hoành phi, câu đối trong đình do người làng làm ra, thì những sản phẩm sơn mài có niên đại từ thế kỷ XVII. Đến đầu thế kỷ XX, các nghệ nhân và thợ giỏi trong làng đã sáng tạo, nghiên cứu và cải tiến từ nghề sơn quang dầu (đồ nét) chuyển thành nghề sơn mài.

Theo những nghệ nhân làng nghề cho biết, nghề sơn mài đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ, công phu và cẩn thận. Để làm được một sản phẩm sơn mài phải trải qua vài chục công đoạn, khoảng 12 - 15 nước sơn mới đảm bảo được độ bóng và bền của sản phẩm.

Mỗi công đoạn có những yêu cầu riêng nhưng đều đòi hỏi sự khéo tay, tâm huyết và liên quan chặt chẽ với nhau, nếu thiếu một công đoạn nào thì sản phẩm cũng không thể hoàn thiện và không bảo đảm độ bền cũng như tính mỹ thuật.

lang-nghe-son-mai-hoi-ha-vao-xuan-2-nhe-rang.jpg
Nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi và những sản phẩm tâm đắc của mình.

Để làm ra sản phẩm sơn mài độc đáo, hoàn hảo, cần sử dụng nguyên liệu là sơn tự nhiên, sơn hạt điều, đất phù sa sông Hồng, bột đá, mùn cưa. Đồng thời, sử dụng những vật liệu màu rất truyền thống của nghề sơn như sơn cánh gián, sơn then, các loại son, bạc thếp, vỏ trai, vàng thếp…

Một khâu quan trọng là làm vóc, riêng khâu này cần 9 lần sơn, mỗi lần sơn là một lần mài nhẵn. Kỹ thuật mài cũng khá quan trọng để tạo dấu ấn riêng.

Sự khác biệt lớn nhất của làng nghề sơn mài Hạ Thái là mọi sản phẩm đều lấy cảm hứng từ thiên nhiên, nguyên liệu rất đơn giản, mộc mạc để tạo ra những sản phẩm phong phú.

Cùng là bình hoa sơn mài, nhưng với đôi bàn tay của mỗi người, sẽ có những bình hoa phiên bản khác nhau. Hay cùng dưới bàn tay của một người, cũng tạo ra sản phẩm với kiểu dáng, họa tiết, mẫu mã riêng.

Là một trong những người gắn bó, tâm huyết với sơn mài, nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi tâm sự: “Nghề làm tranh sơn mài đòi hỏi kỹ thuật công phu, tỉ mỉ trong từng công đoạn. Để hoàn thành một sản phẩm sơn mài phải kỳ công nâng lên đặt xuống rất nhiều lần, có khi phải mất cả tháng, không kiên trì, nhẫn nại, không yêu nghề thì khó theo được nghề”.

Chính sự kỳ công, tỉ mỉ của nghề nên làm sơn mài rất “kén” thợ. Có thời gian, nghề sơn mài đứng trước nguy cơ mai một, ông Vũ Huy Mến - nghệ nhân làng Hạ Thái, thành viên Hội sơn mài Hạ Thái, được giao nhiệm vụ bảo tồn, khôi phục dòng sản phẩm sơn mài truyền thống độc đáo của làng lại cho lớp trẻ, song trong ông luôn canh cánh trăn trở nỗi lo thiếu vắng học trò…

Ông luôn mong muốn khôi phục lại sơn mài truyền thống làng nghề với tâm niệm: Làm sơn mài truyền thống trước hết là để cho mình, sau là để bảo tồn, gìn giữ làng nghề truyền thống cho muôn đời sau.

Mang mùa xuân đến mọi người

Đến làng Hạ Thái những ngày cuối năm, đâu đâu cũng tất bật cho những đơn hàng xuất khẩu và khách trong nước. Để chuẩn bị cho khách đặt hàng dịp Tết, các cơ sở kinh doanh, công ty… đã lên kế hoạch đầy đủ, chu đáo, từ chuẩn bị nguyên liệu, dụng cụ đến thời gian sản xuất...

Các đơn hàng đều đáp ứng yêu cầu của khách về thời gian, mẫu mã, chất lượng. Để kịp tiến độ giao hàng cho khách, nhiều cơ sở còn tăng ca, thuê thêm thợ sản xuất…

Các mặt hàng sơn mài tập trung chủ yếu như: Quà tặng nội địa là những chiếc khay, hộp, lọ, tranh ảnh; hàng sơn mài phục vụ nhu cầu tâm linh như đồ sơn son, thếp vàng, đồ thờ cúng... Dịp Tết, sản phẩm thờ cúng, sơn son, thếp vàng được ưa chuộng và được đặt hàng nhiều hơn.

lang-nghe-son-mai-hoi-ha-vao-xuan-4-.jpg
lang-nghe-son-mai-hoi-ha-vao-xuan-3-.jpg

Để có được bước tiến và sự phát triển trên, theo những nghệ nhân “gạo cội” trong làng, ngoài việc kế thừa kinh nghiệm truyền thống cha ông để lại, quá trình làm nghề những nghệ nhân trong làng phát hiện ra nhiều màu mới với nhiều sắc độ khác nhau, những phát hiện này được đem ứng dụng vào sản xuất, tạo ra những sản phẩm mới vừa hiện đại nhưng vẫn giữ được nét truyền thống.

Có thời kỳ đối mặt với sự mai một, đóng cửa, nhưng với sự nhạy bén về thị hiếu, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, sơn mài Hạ Thái đã vực dậy, từng bước có vị trí và ổn định sản xuất. Nhiều năm nay, sơn mài Hạ Thái có mặt khắp mọi miền đất nước và được xuất khẩu sang một số thị trường như: Mỹ, Nhật Bản, Australia, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Hàn Quốc…

Là một trong những người tiên phong áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, nghệ nhân Nguyễn Thị Hồi sử dụng cả kỹ thuật truyền thống và kỹ thuật mới để tạo ra các sản phẩm phong phú, nhiều cách trang trí đẹp với sản phẩm truyền thống và sản phẩm thời trang.

Sự chăm chút của nghệ nhân đã được đền đáp xứng đáng khi năm 2021, 2022 gia đình nghệ nhân được UBND TP Hà Nội trao giấy chứng nhận OCOP 4 sao cho các sản phẩm: Lọ hoa sơn mài cốt gốm hình xoài; bình hoa sơn mài cốt gốm hoa sen; tranh sơn mài Tùng Hạc…

Hay như sản phẩm: Hộp sơn mài khảm trai và hộp sơn mài gắn sừng của Công ty cổ phần Sản xuất và Dịch vụ thương mại An Huy cũng được UBND TP. Hà Nội xếp hạng OCOP 4 sao.

“Năm 2015, tại hội chợ Hà Nội Gift Show, Công ty đã kết nối được với một doanh nghiệp Mỹ và ký kết xuất khẩu với hai dòng sản phẩm chính: Hộp sơn mài gắn sừng và hộp sơn mài khảm trai. Để xuất khẩu được sang thị trường Mỹ, sản phẩm phải được làm từ nguyên liệu có trong tự nhiên. Dù tiêu chuẩn khắt khe, song đến nay, hàng nghìn sản phẩm đã được xuất sang thị trường này và được người tiêu dùng nước này ưa chuộng”, ông Đỗ Hùng Chiêu, Giám đốc Công ty An Huy chia sẻ.

Thời điểm quan trọng của làng nghề là vào năm 2003, trước sự cạnh tranh và yêu cầu đổi mới, để làng nghề truyền thống phát triển bền vững, các nghệ nhân và hộ sản xuất thành lập Hội sơn mài làng nghề Hạ Thái để tập hợp các hộ, cơ sở sản xuất trong làng cùng sản xuất, hỗ trợ nhau phát triển nghề, chia sẻ thông tin về thị trường, mở các lớp đào tạo nâng cao tay nghề của người thợ, dạy nghề cho thế hệ trẻ.

Hàng năm, Hội luôn tạo điều kiện, vận động các hội viên tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm nâng cao chất lượng, tạo thương hiệu cho làng nghề.

Nhận thấy tiềm năng phát triển của làng nghề, những năm qua, TP. Hà Nội đã quan tâm, chú trọng đưa ra nhiều chính sách để giúp làng nghề Hạ Thái phát triển các sản phẩm sơn mài của mình.

Năm 2020, Hạ Thái được công nhận là một trong 7 điểm du lịch làng nghề của TP. Hà Nội. Nhờ đó, làng nghề được quy hoạch riêng một khu sản xuất với việc thành lập được Cụm công nghiệp làng nghề sơn mài Hạ Thái rộng 12ha, thu hút hơn 100 hộ sản xuất, đồng thời đưa các sản phẩm tranh sơn mài Hạ Thái đến các triển lãm, hội chợ…

Để duy trì, phát triển làng nghề truyền thống, theo Chủ tịch Hội làng nghề sơn mài Hạ Thái Nguyễn Thị Hồi: “Chúng tôi đang hướng phát triển làng nghề thành một điểm du lịch hấp dẫn, chuyên nghiệp như Bát Tràng. Các xưởng liên kết lại với nhau để đào tạo nghề cho thế hệ trẻ trong vùng, đồng thời trang bị kiến thức làm du lịch. Đồng thời kết hợp cơ sở vật chất tại xưởng sản xuất để làm nơi hướng dẫn khách du lịch được trải nghiệm làm một vài khâu trong quy trình sản xuất sản phẩm sơn mài”.

Với những sản phẩm được xếp hạng 3 sao, 4 sao OCOP và từ khi được công nhận là làng nghề, bằng sự nỗ lực của những tâm huyết, tin rằng sơn mài Hạ Thái sẽ ngày càng phát triển, đưa sản phẩm sơn mài đến với mọi người.­

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng nghề sơn mài hối hả vào Xuân