Văn hóa - Du lịch

Lan tỏa vẻ đẹp văn hóa các dân tộc Tây Nguyên

Lê Hiếu 14/11/2024 - 18:09

Trong không gian đậm sắc màu của lễ hội dân gian quốc tế Chilika Shelduck tại Ấn Độ, đoàn nghệ thuật dân tộc Nam Tây Nguyên đến từ Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng đã mang đến những màn biểu diễn đặc sắc, góp phần tôn vinh bản sắc văn hóa Việt Nam trên sân khấu quốc tế.

Tại Bảo tàng Nghệ thuật bộ lạc Purbasha Barkul, quận Khurda, bang Odisha, lễ hội diễn ra trong không khí tưng bừng, thu hút các đoàn nghệ thuật dân gian và nghệ nhân nổi tiếng từ khắp Ấn Độ cùng đại diện đến từ Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản. Sự kiện kéo dài 5 ngày đã tạo nên những cung bậc cảm xúc đa dạng và sâu sắc, mang đậm nét giao lưu văn hóa quốc tế.

z6031133274183_82b67d4271cd2483276dcf24afbcf208.jpg
Đoàn Nghệ thuật dân tộc Nam Tây Ngyên lên đường tham dự Lễ hội dân gian quốc tế Chilika Shelduck tại Ấn Độ theo lời mời của Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam.

Trong không gian đậm sắc màu văn hóa, với niềm tự hào văn hóa dân tộc mình, các nghệ sĩ Lâm Đồng đã trình diễn những tiết mục như: Đêm đại ngàn (hòa tấu nhạc cụ dân tộc), Titlaura (hòa tấu nhạc cụ dân tộc), Diễn xướng cồng chiêng, Suối vọng (hòa tấu nhạc cụ dân tộc), Oh Mi (song ca trên nền hòa tấu nhạc cụ dân tộc), Chali Chali Ga (dân ca Ấn Độ, hòa tấu nhạc cụ dân tộc).

Bên cạnh việc giới thiệu Di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO vinh danh, đoàn trình diễn các tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc thuộc bộ gõ là những nhạc cụ được chế tác từ tre, nứa, gỗ, quả bầu khô và các nguyên vật liệu sẵn có của núi rừng: T’rưng, Đinh Năm, Đinh Pút, trống da trâu, khèn bầu…

Các nhạc cụ này đã tạo ra những âm thanh mộc mạc nhưng cuốn hút, khi rộn ràng, khi sâu lắng, mô phỏng tiếng mưa, tiếng gió và cả tiếng suối chảy róc rách. Đây chính là ngôn ngữ độc đáo của âm nhạc dân tộc, không cần lời nhưng vẫn có thể truyền tải mọi cảm xúc đến khán giả quốc tế.

Đặc biệt, trên chính những nhạc cụ dân tộc mình, đoàn đã chuyển soạn biểu diễn hòa tấu một bài dân ca Ấn Độ (Chali Chali Ga) với những âm sắc mang đậm bản sắc của nền âm nhạc Ấn. Với tinh thần học hỏi, giao lưu văn hóa, Đoàn nghệ thuật Dân tộc Nam Tây Nguyên đã kết hợp tinh tế giữa âm nhạc truyền thống Ấn Độ với nhạc cụ dân tộc Việt Nam.

Qua đó cho thấy, các nhạc cụ bộ gõ chế tác từ chất liệu tre, nứa của các dân tộc anh em Nam Tây Nguyên nhìn có vẻ thô sơ, mộc mạc nhưng có thể biểu diễn được mọi nốt nhạc, mọi âm vực, thể hiện được tất cả âm điệu, vẻ đẹp của các nền âm nhạc của các dân tộc anh em trên thế giới mà không có trở ngại nào. Sự kết hợp giữa nhạc cụ truyền thống Việt Nam và giai điệu dân ca Ấn Độ đã tạo nên một tác phẩm giao thoa văn hóa độc đáo, mang đậm màu sắc dân gian của hai quốc gia, hai dân tộc.

Ông Hoàng Mạnh Tiến - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Lâm Đồng cho biết: Trong một thời gian chuẩn bị không dài, với nhiệm vụ và cũng là vinh dự của mình, Trung tâm đã xây dựng một chương trình mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa Nam Tây Nguyên, 6 tiết mục được dàn dựng, tập luyện công phu đã thể hiện tất cả những nét đặc sắc riêng có của đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên tại Lâm Đồng.

z6031135795752_99116b32b51140a36cc8f7f149a7430e.jpg
Các nghệ sĩ trình diễn các tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc thuộc bộ gõ là những nhạc cụ được chế tác từ tre, nứa, gỗ,...

Ông cho biết, mặc dù Tây Nguyên có rất nhiều tiết mục, nhiều bài của các nhạc sĩ sử dụng rất nhiều tác phẩm với nhạc cụ tre nứa, nhưng lần này, Trung tâm muốn giới thiệu những màu sắc văn hóa đặc trưng nhất của các dân tộc bản địa.

Trong ngày tiễn đoàn lên đường đi biểu diễn, ông Trần Thanh Hoài - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cho biết: "Vừa qua, Ấn Độ đã chọn Lâm Đồng để thực hiện một tác phẩm điện ảnh “Love in Việt Nam” để đi dự Liên hoan phim quốc tế Oscar. Đợt này, chúng ta tiếp nối thêm câu chuyện phát triển điện ảnh cùng với phát triển âm nhạc. Chuyến lưu diễn này của đoàn là dịp để kết nối văn hóa giữa Việt Nam và Ấn Độ, đặc biệt là của Lâm Đồng - Đà Lạt đến với nước bạn. Ấn Độ - văn minh sông Hằng là một nền văn minh lớn của nhân loại, mỗi nghệ nhân trong Đoàn Nghệ thuật dân tộc Nam Tây Nguyên như những đại sứ văn hóa, đại diện cho cả đất nước, phô diễn vẻ đẹp của văn hóa Việt, của Di sản Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, của âm nhạc riêng có của vùng đất Nam Tây Nguyên - Đây là một vinh dự, một niềm tự hào rất lớn. Chọn những giai điệu, những tiết mục đến Ấn Độ để giới thiệu đã phô diễn được hết nét đẹp, sự tài tình trong từng giai âm được tấu lên bằng những nhạc cụ thô sơ, mộc mạc".

Chuyến biểu diễn của đoàn nghệ sĩ Lâm Đồng không chỉ giới thiệu văn hóa Việt Nam đến gần hơn với người dân Ấn Độ mà còn là bước đi quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ văn hóa quốc tế bền vững. Những âm thanh từ Tây Nguyên đã góp phần khắc họa vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam, để lại những ấn tượng khó phai trong lòng khán giả Ấn Độ. Đây cũng là một minh chứng cho sức mạnh kết nối của âm nhạc, khi các nhạc cụ mộc mạc của Tây Nguyên có thể chuyển tải trọn vẹn mọi cung bậc cảm xúc và trở thành ngôn ngữ chung giữa các nền văn hóa.

Sự góp mặt của các nghệ sĩ Lâm Đồng tại lễ hội dân gian quốc tế Chilika Shelduck đã khẳng định vị thế và giá trị của văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế. Qua từng tiết mục biểu diễn, đoàn nghệ thuật Nam Tây Nguyên không chỉ “cháy” hết mình mà còn truyền tải một thông điệp mạnh mẽ về sự giao lưu văn hóa, làm giàu thêm tình hữu nghị và sự gắn kết giữa hai quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa vẻ đẹp văn hóa các dân tộc Tây Nguyên