Một cuộc khủng hoảng di cứ mới ở biên giới châu Âu đã dần dần hiện hữu khi Thổ Nhĩ Kỳ mở cửa biên giới cho những người tị nạn và di cư đang tìm cách đến châu Âu tràn vào Hy Lạp.
Một làn sóng gần 1 triệu người tháo chạy khỏi cuộc chiến ở miền Bắc Syria khi Thổ Nhĩ Kỳ mở toang cửa khẩu biên giới của mình với Hy Lạp cho hàng nghìn người tị nạn và người di cư khác tìm cách đến châu Âu. Đối phó với tình hình trên, Hy Lạp đã phải đóng cửa biên giới, tăng cường lực lượng quân đội và cảnh sát để nỗ lực ngăn chặn các tàu chở người di cư vào các đảo phía Đông của Hy Lạp từ bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ.
Hơn 70.000 người tị nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ đã tới EU năm 2019.
Kể từ ngày 28/2, khoảng 26.500 người nỗ lực vượt biên đã bị ngăn chặn, mặc dù các biện pháp kiểm soát trên biển và trên đất liền dường như đã được nới lỏng. Cho đến chiều 3/3, giới chức Hy Lạp đã bắt giữ và cáo buộc 218 người với tội danh nhập cảnh bất hợp pháp sau khi vượt qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện là nơi trú chân của 4 triệu người tị nạn, khoảng 3,6 triệu người trong số đó đến từ Syria. Trước kia, sự di chuyển của họ bên trong Thổ Nhĩ Kỳ chịu những quy định nghiêm ngặt và tuân theo thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU) hồi năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ đã thắt chặt các biện pháp kiểm soát biên giới. Bắt đầu từ tuần trước, sau khi Ankara tuyên bố rằng nước này sẽ không cản trở những ai tìm cách đến châu Âu, hàng nghìn người Afghanistan, Iran, Syria, Pakistan và từ châu Phi, châu Á đã vội vàng tìm đường sang châu Âu.
Mặc dù động thái trên bề ngoài dường như xuất phát từ cuộc xung đột ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, song giới chức Hy Lạp cho biết hầu như không có người Syria nào nằm trong số những người di cư thời gian gần đây. Phần lớn những người bị bắt giữ từ Afghanistan, Pakistan và Morocco. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng hơn 100.000 người tị nạn đã rời khỏi nước này song không có bằng chứng nào cho thông tin này.
Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù là đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng lại là đối địch trong khu vực lâu nay và mối quan hệ hai bên căng thẳng suýt dẫn đến 3 cuộc chiến tranh trong vòng 50 năm qua.
Mặc dù EU đã cam kết khoản hỗ trợ trị giá 6 tỷ Euro để chi trả cho người tị nạn Syria, song Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phàn nàn về việc thiếu sự hỗ trợ và sự chia sẻ gánh nặng trong việc chăm lo cho lượng người tị nạn lớn nhất thế giới đang ở tại nước này.
Bên cạnh đó, Ankara cũng tìm kiếm sự ủng hộ đối với chính sách của mình ở Syria. Tổng thống Erdogan muốn sử dụng một số vùng lãnh thổ giành lại được từ lực lượng người Kurd hồi tháng 10 để tái định cư người tị nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ song kế hoạch này đã không nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Thậm chí trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng hiện nay, Hy Lạp đã phải vật lộn để đối phó với hàng chục nghìn người di cư đến từ Thổ Nhĩ Kỳ. Phần lớn những người di cư muốn tiếp tục hành trình đến các nước châu Âu giàu có hơn như Đức, song họ bị mắc kẹt ở Hy Lạp sau khi các nước khác đóng cửa biên giới của mình.
Các trại tị nạn dành cho người di cư trên các đảo ở Hy Lạp vốn đã vượt quá sức chứa và các điều kiện sinh hoạt ở những trại tị nạn này thường rất tồi tệ. Theo thỏa thuận EU-Thổ Nhĩ Kỳ, những người di cư mới đến phải sống tại các trại tị nạn trên đảo cho đến khi hồ sơ xin tị nạn của họ được xử lý, song thường xảy ra tình trạng tồn đọng lớn trong quá trình xin tị nạn tốn kém thời gian này. Người dân địa phương sống trên đảo hiện cũng đã mất kiên nhẫn sau 5 năm chịu đựng gánh nặng làn sóng người di cư của châu Âu tổ chức các cuộc bạo loạn trên các đảo này.
Mặc dù Hy Lạp tăng cường việc ngăn chặn làn sóng di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ nhưng công tác ngăn chặn tình trạng vượt biên trên biển vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn. Một khi những con tàu sơ sài chất đầy người đã dễ dàng vào được vùng lãnh hải Hy Lạp vì Thổ Nhĩ Kỳ làm ngơ thì họ sẽ không thể quay trở lại.
Số lượng người di cư đến Hy Lạp vào cuối năm 2019 đạt mức cao nhất kể từ năm 2016, thậm chí trước khi Thổ Nhĩ Kỳ bãi bỏ các biện pháp kiểm soát biên giới. EU lo ngại nguy cơ lặp lại một cuộc khủng hoảng di cư vốn gây chia rẽ giữa các thành viên trong khối giống hồi năm 2015. Các tổ chức nhân quyền đã kêu gọi hành động khẩn cấp đề ngăn chặn tình hình diễn biến xấu hơn, cảnh báo một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang hiện hữu.