Lần đầu tiên thiết lập cơ chế hợp tác tư pháp ASEAN - Nhật Bản cấp Bộ trưởng Tư pháp

07/07/2023 18:37
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhận lời mời của Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cùng Đoàn công tác liên ngành đã tham dự Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Tư pháp ASEAN-Nhật Bản, Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Tư pháp ASEAN - Nhật Bản - G7 và thăm song phương Nhật Bản.

Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Bộ Tư pháp ASEAN-Nhật Bản: Khởi đầu cho sáng kiến ngoại giao Tư pháp của Nhật Bản - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp ASEAN và Nhật Bản tham dự Hội nghị - Ảnh: BTP

Thiết lập cơ chế hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giữa ASEAN và Nhật Bản

Trải qua 5 thập kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao, ASEAN và Nhật Bản đã trở thành đối tác hợp tác trải rộng trên nhiều lĩnh vực và trở thành những đối tác tin cậy của nhau thông qua các cơ chế hợp tác như: Cơ chế hợp tác giữa ASEAN và 3 quốc gia Đông Bắc Á gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc (ASEAN+3); Cơ chế cấp cao Đông Á (EAS); Cơ chế đối thoại an ninh hàng đầu giữa các nước ASEAN và các đối tác quan trọng ở châu Á- Thái Bình Dương (ARF); Cơ chế hợp tác quốc phòng chính thức giữa ASEAN và các nước đối tác - đối thoại quan trọng của ASEAN (ADMM+), Cơ chế Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP) vào tháng 4/2008 trên cơ sở Hiệp định khung về đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản đã được ký năm 2003...

Tuy nhiên, trong lĩnh vực tư pháp, đây là lần đầu tiên thiết lập cơ chế hợp tác tư pháp ASEAN-Nhật Bản ở cấp Bộ trưởng Tư pháp theo sáng kiến của Nhật Bản với sự đồng thuận của các nước ASEAN.

Khởi đầu từ đề xuất của Nhật Bản bên lề Hội nghị Quan chức pháp luật cao cấp ASEAN lần thứ 19 (ASLOM 19) tổ chức vào ngày 8/10/2020, trải qua gần 3 năm đàm phán ở cấp kỹ thuật và được sự nhất trí của Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN và Nhật Bản, vào ngày 6/7/2023, tại Tokyo (Nhật Bản) đã diễn ra Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Tư pháp ASEAN – Nhật Bản lần thứ nhất với chủ đề “Tăng cường hợp tác ASEAN-Nhật Bản để thúc đẩy pháp quyền: Hướng tới một giai đoạn mới sau 50 năm hữu nghị và hợp tác”.

Với tính chất là hội nghị đầu tiên cấp Bộ trưởng Tư pháp giữa ASEAN và Nhật Bản, đây thực sự là mốc lịch sử quan trọng đánh dấu bước phát triển mới trong liên kết ngoại khối của ASEAN, góp phần đưa quan hệ hợp tác ASEAN-Nhật Bản ngày càng đi vào chiều sâu thực chất, vì lợi ích của người dân mỗi Bên.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản Ken Saito cho biết, trong bối cảnh năm 2023 là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ hợp tác giữa ASEAN-Nhật Bản, việc tăng cường hợp tác với ASEAN là vấn đề cấp bách đối với Nhật Bản, đặc biệt khi ASEAN đang ngày càng trở thành một khu vực quan trọng đối với hòa bình, thịnh vượng và tăng trưởng toàn cầu.

Ông Ken Saito nhấn mạnh, Chính phủ Nhật Bản đang thúc đẩy chiến lược “ngoại giao tư pháp”, một sáng kiến nhằm thúc đẩy các giá trị cơ bản như pháp quyền và tôn trọng quyền con người.

Trong khuôn khổ sáng kiến này, Nhật Bản đã và đang triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia thành viên ASEAN với mục tiêu hướng tới pháp quyền, tiếp cận công lý, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Được sự đồng thuận của các quốc gia ASEAN, Bộ Tư pháp Nhật Bản đã trở thành Đối tác đối thoại đầu tiên với ASEAN từ năm 2021 trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp ASEAN lần thứ 11 và kể từ đó đã tham dự Hội nghị Quan chức pháp luật cao cấp ASEAN (ASLOM) hàng năm. Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản cũng khẳng định phát triển bền vững phải gắn liền với việc chăm lo cho thế hệ mai sau, trong đó có lĩnh vực pháp quyền, quyền con người.

Ngay sau lễ khai mạc đã diễn ra Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Tư pháp ASEAN-Nhật Bản với sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Tư pháp các nước ASEAN và Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản.

Việt Nam đề xuất nhiều hợp tác tư pháp giữa ASEAN và Nhật Bản

Thay mặt Đoàn Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã có bài phát biểu quan trọng, hoan nghênh ASEAN và Nhật Bản chính thức thiết lập cơ chế hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, đồng thời khẳng định hợp tác pháp luật và tư pháp ASEAN thông qua cơ chế ALAWMM và ASLOM đã triển khai thực hiện hiệu quả nhiều sáng kiến hợp tác trong lĩnh vực tư pháp hình sự, pháp luật dân sự và thương mại, xây dựng các điều ước quốc tế của ASEAN…, qua đó góp phần hoàn thiện và hài hòa hóa pháp luật, hoàn thiện thể chế của ASEAN.

Trên cơ sở Kế hoạch hợp tác pháp luật và tư pháp giữa ASEAN và Nhật Bản đã được thông qua, Việt Nam đề nghị tập trung vào một số nội dung: Tăng cường chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia trong hoàn thiện và thực thi pháp luật, cải cách tư pháp, tăng cường tiếp cận công lý cho người dân, hài hòa hóa hệ thống pháp luật trong khu vực nhằm thúc đẩy môi trường kinh doanh minh bạch và khả thi, đóng góp cho việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững 2030, xây dựng một xã hội “không để ai bị bỏ lại phía sau”; tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa và thực hiện các chương trình, dự án hợp tác phát triển nguồn nhân lực pháp luật và tư pháp chất lượng cao. Đây là lĩnh vực hợp tác lâu dài và bền vững giữa ASEAN và Nhật Bản, giúp đào tạo được nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của các nước ASEAN và Nhật Bản.

Bộ trưởng Lê Thành Long cũng khẳng định, Việt Nam luôn chủ động, tích cực tham gia có trách nhiệm vào việc triển khai các sáng kiến trong khuôn khổ ALAWMM/ASLOM, đồng thời hợp tác rất chặt chẽ, hiệu quả với Nhật Bản trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp. Qua đó đã đem lại các lợi ích to lớn cho công cuộc đổi mới, cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng.

Từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật, hoàn thành cơ bản việc xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật. Các mục tiêu này đều phù hợp với những giá trị chuẩn mực mà ASEAN và Nhật Bản đang cam kết thúc đẩy, thể hiện rõ tại Kế hoạch hợp tác giữa hai Bên.

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, với tư cách là một thành viên tích cực và có trách nhiệm trong Cộng đồng ASEAN, Việt Nam cam kết sẽ cùng phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN và Nhật Bản để thúc đẩy quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp giữa ASEAN và Nhật Bản, góp phần thực hiện các mục tiêu mà các Bên đã đề ra.

Trong bối cảnh ASEAN đang nỗ lực phấn đấu để hoàn thành các kế hoạch Tầm nhìn ASEAN đến năm 2025, các nội dung cũng như cơ chế hợp tác mới được thảo luận trong Hội nghị lần này sẽ được các quốc gia thành viên ASEAN và Nhật Bản cùng nhau nỗ lực triển khai, qua đó đóng góp chung vào việc xây dựng Cộng đồng ASEAN thịnh vượng và phát triển bền vững, mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện giữa ASEAN và Nhật Bản, phát huy nền tảng mối quan hệ đối tác "từ trái tim đến trái tim" và góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Bộ Tư pháp ASEAN-Nhật Bản: Khởi đầu cho sáng kiến ngoại giao Tư pháp của Nhật Bản - Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Tư pháp ASEAN – Nhật Bản - Ảnh: BTP

12 vấn đề quan trọng trong Tuyên bố chung của Hội nghị

Trải qua một ngày làm việc khẩn trương, Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Tư pháp ASEAN – Nhật Bản đã thông qua Tuyên bố chung Hội nghị với các nội dung sau:

1. Cam kết duy trì và thúc đẩy các giá trị chung và các nguyên tắc cơ bản như pháp quyền và tôn trọng quyền con người cũng như chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, thông qua tăng cường và nâng cao mức độ hợp tác trong lĩnh vực luật pháp và tư pháp giữa ASEAN và Nhật Bản nhân dịp Kỷ niệm 50 năm Quan hệ Hữu nghị và Hợp tác ASEAN-Nhật Bản.

2. Nhấn mạnh rằng sự hợp tác và phối hợp giữa ASEAN và Nhật Bản trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp, bao gồm thông qua sáng kiến “Ngoại giao Tư pháp” do Bộ Tư pháp Nhật Bản thúc đẩy góp phần tăng cường pháp quyền hướng đến phát triển một cộng đồng quốc tế hòa bình và thịnh vượng, chia sẻ và duy trì các giá trị cơ bản như pháp quyền và tôn trọng quyền con người.

3. Cam kết đạt được Chương trình nghị sự 2030 vì mục tiêu phát triển bền vững thông qua hợp tác trong lĩnh vực luật pháp và tư pháp dựa trên sự công nhận vững chắc rằng pháp quyền và tôn trọng quyền con người là nền tảng để đạt được sự phát triển bền vững và một xã hội trong đó đảm bảo nguyên tắc “không ai bị bỏ lại phía sau.”

4. Chia sẻ các giá trị và kinh nghiệm trong lĩnh vực luật pháp và tư pháp, tăng cường hiểu biết lẫn nhau về luật pháp và hệ thống pháp luật của các bên, đồng thời cập nhật các nhu cầu và lợi ích của cả ASEAN và Nhật Bản nhằm mở đường cho sự phát triển bền vững và hợp tác có ý nghĩa.

5. Tiếp tục củng cố những thành quả đã đạt được trong hỗ trợ kỹ thuật pháp lý trong ASEAN được cung cấp thông qua Vụ Hợp tác quốc tế thuộc Viện Nghiên cứu và Đào tạo - Bộ Tư pháp Nhật Bản - cơ quan đã góp phần thúc đẩy pháp quyền trong khu vực, nỗ lực hướng tới hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực pháp luật giữa Nhật Bản và ASEAN cho thời kỳ hậu 2023.

6. Tiếp tục tăng cường xây dựng năng lực trong lĩnh vực luật pháp và tư pháp, bao gồm thông qua thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và tăng cường liên kết dựa trên lịch sử hợp tác bền chặt thông qua các khóa đào tạo và hội thảo do Liên Hợp Quốc tổ chức.

7. Tăng cường kết nối và hợp tác hoạt động giữa ASEAN và Nhật Bản thông qua thúc đẩy và tham gia tích cực vào các biện pháp thực tế mang tính định hướng hành động.

8. Tăng cường hợp tác trong việc thúc đẩy giải quyết tranh chấp dựa trên các luật lệ đối với các giao dịch kinh doanh xuyên biên giới thông qua việc sử dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp thay thế như trọng tài và hòa giải, bao gồm cả việc sử dụng kỹ thuật số hóa trong các thủ tục tố tụng đó.

9. Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực phòng chống tội phạm và tư pháp hình sự, bao gồm tương trợ tư pháp và giảm thiểu tái phạm thông qua phục hồi và tái hòa nhập xã hội ở cả cơ sở giam giữ và cộng đồng, đồng thời thúc đẩy quan hệ đối tác công tư và trao đổi các thông lệ tốt nhất nhằm phát triển và nâng cao tiêu chuẩn kỹ thuật cho các cơ sở giam giữ.

10. Nỗ lực cùng nhau giải quyết các vấn đề liên quan khác trong lĩnh vực luật pháp và tư pháp góp phần thúc đẩy pháp quyền và quyền con người, chẳng hạn như cải thiện khả năng tiếp cận công lý, giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ, thực hiện các sáng kiến để thúc đẩy sự hiểu biết giữa các công dân về các giá trị cấu thành luật pháp và hệ thống pháp luật, bao gồm cả thông qua giáo dục pháp luật.

11. Để thực hiện các cam kết chung, các Bên sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ dựa trên Kế hoạch làm việc trên tinh thần hữu nghị, hợp tác và đối tác bình đẳng, cam kết nâng tầm hợp tác ASEAN-Nhật Bản lên giai đoạn tiếp theo.

12. Tôn trọng nhiệm vụ của các cơ quan chuyên ngành của ASEAN và thực hiện các biện pháp cần thiết để phối hợp giữa các cơ quan chuyên ngành liên quan của ASEAN trong việc thực hiện các cam kết trong khuôn khổ Tuyên bố chung này.

* Bên lề Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Tư pháp ASEAN-G7, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long đã có một loạt các cuộc gặp song phương với đại diện các nước ASEAN, G7, các cơ quan của Nhật Bản. Trong ngày 7/7/2023 sẽ tiếp tục diễn ra Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Tư pháp ASEAN-Nhật Bản và G7.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lần đầu tiên thiết lập cơ chế hợp tác tư pháp ASEAN - Nhật Bản cấp Bộ trưởng Tư pháp