Ngày 12/4, lần đầu tiên trong lịch sử, Liên hợp quốc thực hiện các cuộc chất vấn ứng cử viên vị trí Tổng thư ký. Cuộc chất vấn này được truyền hình trực tiếp trước công chúng.
Hiện có 10 ứng cử viên chạy đua vào vị trí Tổng thư ký Liên hợp quốc thay thế ông Ban Ki-moon, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào cuối năm 2016 và con số này sẽ còn tăng lên. Mỗi ứng viên tranh cử sẽ có 2 giờ để trả lời chất vấn của Đại Hội đồng 193 nước thành viên xoay quanh các vấn đề mà các Tổng thư ký trong tương lai phải đối mặt trên toàn cầu. Đồng thời, phải đưa ra tầm nhìn chiến lược trong nhiệm kỳ 5 năm của mình, sau khi kế nhiệm vào ngày 1/1/2017.
Đây cũng là dịp để các ứng viên bày tỏ quan điểm cá nhân về những vấn đề lớn hiện nay của Liên hợp quốc một cách công khai.
Buổi chất vấn được truyền hình trực tiếp trước công chúng
Quá trình bầu chọn Tổng thư ký Liên hợp quốc bắt đầu vào ngày 12/4 với các phiên chất vấn và trả lời chất vấn công khai tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. Các phiên chất vấn sẽ kéo dài 3 ngày.
Trong lịch sử 70 năm hình thành và phát triển, tổ chức lớn nhất hành tinh này chưa từng có cuộc đối thoại trực tiếp nào như thế. Các phiên chất vấn đã phá bỏ những tiền lệ về sự kín đáo của quá trình lựa chọn Tổng thư ký. Việc lựa chọn Tổng thư ký vốn nằm trong tay của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong đó quyền quyết định chủ yếu thuộc về 5 nước Ủy viên thường trực là Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Mỹ.
Vào năm ngoái, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bỏ phiếu thông qua việc thay đổi tiến trình bầu cử. Theo đó, các ứng viên phải nộp đơn ứng cử chính thức cùng với hồ sơ lý lịch đi kèm và phải chuẩn bị trả lời chất vấn của tổ chức này.
Hội đồng Bảo an sẽ đưa ra quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, việc minh bạch thông tin và sự cởi mở trong quá trình bầu cử sẽ tạo áp lực lên những nước lớn, buộc họ phải lựa chọn ứng viên thuyết phục hơn cả đối với số đông các nước thành viên Liên Hợp Quốc.
Theo ông Mogens Lykketoft, Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc, sự thay đổi này là bước cải cách lịch sử mang tính bước ngoặt về thể chế toàn cầu. “Liên hợp quốc đang phải vật lộn với hàng loạt vấn đề. Việc tìm ra các ứng viên tốt đảm bảo những thành công như ông Ban Ki-moon là tuyệt đối quan trọng”, ông Lykketoft nói.
Cựu Ngoại trưởng Bulgaria, bà Irina Bokova nhận được nhiều kỳ vọng trở thành nữ Tổng thư ký đầu tiên của Liên Hợp Quốc
Dựa trên những câu hỏi mà các ứng cử viên nhận được, các nước trên thế giới tin rằng người đứng đầu Liên hợp quốc tiếp theo phải là một người có thể khắc phục những khủng hoảng toàn cầu đang diễn ra như: căng thẳng an ninh ở Trung Đông và ngăn chặn các vụ khủng bố xảy ra tại châu Âu hay vấn đề binh lính gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc bị cáo buộc xâm hại tình dục tại một số nước Châu Phi và Haiti.
Nhiều thông tin cho rằng, tân Tổng thư ký có thể sẽ là một phụ nữ. Hiện, bà Irina Bokova, Cựu Ngoại trưởng Bulgaria, người đứng đầu UNICEF nhận được nhiều kỳ vọng trở thành nữ Tổng thư ký đầu tiên của Liên Hợp Quốc.
Cuộc đua giành ghế Tổng thư ký Liên hợp quốc sẽ bước vào giai đoạn quyết liệt từ tháng7 tới, khi Hội đồng Bảo an họp bàn về vấn đề này. Cuộc bỏ phiếu cuối cùng mang tính quyết định sẽ diễn ra vào tháng 9 khi 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an thống nhất đề cử một ứng viên lên Đại hội đồng thông qua.
Tổng thư ký Liên hợp quốc là người đứng đầu của một hệ thống các cơ quan trực thuộc Liên Hợp Quốc, có nhiệm vụ chấm dứt tình trạng đói nghèo và xây dựng hòa bình trên thế giới. Tuy nhiên, Tổng thư ký không có quyền điều khiển quân đội. Tổng thư ký Liên hợp quốc chủ yếu thực hiện những định hướng mà các nước trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đưa ra. Mỗi nhiệm kỳ của Tổng thư ký kéo dài 5 năm với số nhiệm kỳ không giới hạn. |