Nhắc tới nghề báo là nhắc tới sự hiểm nguy, gian truân, cũng giống như một người lái đò đi giữa “sóng to gió lớn”… Đi giữa hiểm nguy ấy, người làm báo không những phải “vững tay chèo” mà còn phải vươn lên và vượt qua để đến với thành công.
Nghề của sự “dấn thân” và xông pha
Nghề báo không chỉ chịu sức ép và áp lực lớn về thời gian công việc mà đôi khi còn chứa đựng cả hiểm nguy. Tác nghiệp trong môi trường thời tiết khắc nghiệt, có mặt tại những điểm nóng nhằm đưa thông tin chính xác, kịp thời, tính chất công việc đòi hỏi nhà báo phải xông pha vào cuộc sống.
Trong một buổi giao lưu “Tuổi trẻ với báo chí hôm nay”, nhà báo Hà Đăng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đã tâm sự: Để trở thành nhà báo giỏi, vừa có đức, vừa có tài, mỗi phóng viên, nhà báo phải tự rèn luyện, học tập và không ngừng vươn lên trong từng giai đoạn. Chỉ có đi nhiều, tiếp xúc nhiều và có khi bị chê nhiều, người cầm bút mới có được cái nhìn trung thực hơn, khách quan hơn và sâu sắc hơn.
Còn nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (Báo Lao động) - người được biết đến với những phóng sự điều tra hóc búa thì cho rằng, mỗi phóng viên phải tiếp xúc thực tế càng nhiều càng tốt. Theo anh, với phóng sự điều tra, tuy viết về cái tiêu cực, nhưng đích đến của bài viết đó phải hướng tới cái tích cực là làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn. Để có một bài phóng sự điều tra đúng nghĩa, không có cách nào khác là phải “dấn thân”, thậm chí luôn thường trực đón nhận những sự nguy hiểm. Không vượt qua được “ngưỡng” đó, đồng nghĩa với sự thất bại.
Phóng viên có thể lặn lội lên rừng sâu, ra tận hải đảo, về các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; có thể cùng ăn, cùng ở, cùng sống với đồng bào địa phương để có những tư liệu sống động cho từng bài viết. Việc đi lại cũng vất vả không kém, nhiều khi phải đi bộ hàng chục cây số mới tới nơi mình cần đến.
Nhà báo tác nghiệp
Khi đã có đầy đủ tư liệu trong tay, phóng viên bắt đầu thực hiện các sản phẩm báo chí. Bài viết hay hoặc dở, sống động hay khô khan đều do cách thu thập tư liệu, cách nhìn nhận, nắm bắt vấn đề của mỗi phóng viên. Người viết phải trầm tư suy nghĩ, phải biết tư duy, sáng tạo, phải nắn nót từng con chữ, từng câu từ để có được một tác phẩm báo chí hay, sắc sảo, có sức lan tỏa rộng, được độc giả chú ý và gây được ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc.
Quả đúng như câu nói chân thành của nhà báo Hữu Thọ trong buổi giao lưu nghệ thuật với sinh viên báo chí có tâm sự: “Người nào tìm sự nhàn hạ trong nghề nghiệp thì xin đừng làm báo. Nếu tìm đến với nghề báo vì thích nổi tiếng hay để kiếm được nhiều tiền thì bạn không có cơ hội trở thành nhà báo thực sự. Bạn sẽ bị đào thải”.
Cái tâm của người làm báo
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời cũng là một nhà báo nổi tiếng - Người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam luôn nhấn mạnh, các nhà báo phải đề cao tính nhân văn của báo chí. Dù là phản ánh tiêu cực thì thông tin báo chí cũng phải có hướng tiếp cận để tạo ra hiệu ứng xã hội tích cực. Phê bình là để cùng tiến bộ chứ không phải phê bình để vùi dập, triệt tiêu.
Một yếu tố quan trọng mà nhà báo không thể thiếu đó là “đạo đức và tác phong nghề nghiệp”. Nhà báo phải phản ánh đúng sự thật của cuộc sống, đặt lợi ích của tập thể, xã hội lên hàng đầu. Cuộc sống đan xen bởi nhiều “nhóm lợi ích” thì nhà báo phải đứng về nhóm lợi ích vì đất nước phát triển, vì lợi ích của dân, của nước.
Đó là một thử thách với nhà báo và cả nền báo chí trong xã hội hiện đại. Thử thách cái tâm, cái tầm, cái tài của người làm báo trước đồng tiền đầy ma lực. Qua thử thách sẽ hun đúc bản lĩnh nghề nghiệp.
Tài ở đây bao gồm năng khiếu, một người muốn làm được nghề báo trước hết phải có năng khiếu viết lách. Tài còn được hiểu là sự nhanh nhạy. Nhạy để phát hiện những vấn đề mà có khi người khác chưa nhìn ra mà nhà báo đã nhìn ra và phải nhanh để đáp ứng nhu cầu kịp thời thông tin thời sự.
Nghề nào cũng vậy, chữ Tài không thôi chưa đủ mà phải có cái Tâm, nhất là đối với nghề báo, chữ Tâm càng được xem trọng. Bởi “bút sa gà chết”, một bài báo viết không bằng cái Tâm thì ảnh hưởng xấu của nó có khi làm liên lụy đến nhiều người. Chữ Tâm ở đây còn bao gồm cả lòng yêu nghề - Yêu nghề thì phải trọng nghề, đừng bao giờ bẻ cong ngòi bút vì bất cứ lý do nào, nhất là vì mục đích hám lợi.
Nếu nói đủ Tâm để lao vào nghề thì chưa đủ, nếu nói đủ Tầm để có thể yêu cái nghề đầy chông gai này thì cũng chưa toát, còn nếu nói đủ Tài để thực hiện được niềm đam mê thì cũng chưa thỏa. Chủ tịch Hồ Chí Minh với câu nói bất hủ sẽ mãi là tấm gương tỏa sáng đời đời: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.