Làm rõ thông tin "vỗ béo" lươn bằng thuốc tránh thai

Bích Huệ| 13/10/2015 21:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trước thông tin người nuôi lươn đồng trên địa bàn huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) "vỗ béo" lươn bằng thuốc tránh thai dành cho người, nhiều hộ nuôi lươn ở huyện Hưng Nguyên khẳng định, không có việc họ nuôi lươn bằng thuốc tránh thai.

Làm rõ thông tin

Mô hình nuôi lươn trong bể không bùn của nông dân Nghệ An. Ảnh: Báo Nghệ An

Anh Trần Ngọc Duyên - hộ nuôi lươn ở xóm 16 xã Hưng Thắng, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, người được cho là để lộ thông tin "vỗ béo" lươn bằng thuốc tránh thai khẳng định, không có việc gia đình anh nuôi lươn bằng thuốc tránh thai. Những thông tin thất thiệt trong thời gian qua đã tác động đến tâm lý người tiêu dùng, người chăn nuôi và đặc biệt ảnh hưởng đến thương hiệu lươn đồng xứ Nghệ. Anh Duyên mong muốn các cơ quan chức năng, các nhà khoa học vào cuộc để kiểm nghiệm, xác minh rõ vấn đề này để người tiêu dùng cũng như người chăn nuôi yên tâm sử dụng và tiếp tục chăn nuôi.

Theo anh Duyên, những tin đồn thất thiệt trên xuất phát từ sự việc anh có kể lại với người bạn trong quá trình cách đây ba năm anh đi tìm hiểu, học hỏi việc nuôi lươn thương phẩm ở những địa phương khác. Khi đó, người nuôi lươn (mà anh đi tìm hiểu) có nói với anh có thể sử dụng thuốc tránh thai để hạn chế sự sinh sản của lươn. Tuy nhiên, gia đình anh chưa hề sử dụng cách thức nuôi này.

Anh Duyên cho biết, nguồn giống lươn không phải khi nào cũng có, anh phải đặt hàng từ người dân đi “trúm” (bắt) từ đồng ruộng, gom góp lại để nuôi. Ban đầu là con lươn tự nhiên, để nuôi nó thành lươn thương phẩm thì buộc anh phải xử lý các mầm bệnh. Trong hai tháng đầu, anh phải sử dụng một số loại kháng sinh để xử lý các mầm bệnh như giun sán, nấm…, còn 6 tháng sau lươn đã hoàn toàn khỏe mạnh, thích nghi với môi trường mới nên không sử dụng thuốc kháng sinh nữa. Lươn được nuôi trong môi trường sạch, thức ăn là cá rô phi được xay nhuyễn trộn với 1% cám (tạo độ keo dính của thịt cá); mỗi lần cho lươn ăn xong, gia đình anh phải thay nước, nếu để lâu thức ăn ngấm vào nước con lươn sẽ bị nấm và chết. Nếu chỉ nuôi lươn giống, gia đình anh Duyên chỉ nuôi trong 3 tháng rồi bán; còn nếu nuôi lươn thương phẩm, gia đình anh phải nuôi đến 7 hoặc 8 tháng, khi lươn đạt trọng lượng 1kg (5-6 con) mới xuất bán được.

Với phương pháp nuôi trên, mỗi năm anh Duyên xuất bán 6 tạ lươn thương phẩm và 5 tạ lươn giống cung cấp cho thị trường tỉnh Nghệ An. Anh Trần Ngọc Duyên là một trong 10 hộ dân nuôi lươn với số lượng lớn trên địa bàn huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

Một số hộ nuôi lươn khác trên địa bàn cũng khẳng định là không hề sử dụng thuốc tránh thai để nuôi lươn.

Từ lâu, lươn đồng xứ Nghệ nổi tiếng với thực khách trong và ngoài nước. Các món: cháo lươn, lươn om, lươn xào… vừa thơm ngon, bổ dưỡng cũng được bình chọn nằm trong top 200 món ăn nổi tiếng của Việt Nam. Ở Nghệ An không riêng gì huyện Hưng Nguyên mà một số huyện khác như Yên Thành, Diễn Châu, Thanh Chương, Nam Đàn… cũng nuôi lươn thương phẩm và lươn giống để cung cấp cho thị trường. Tuy nhiên trong việc nuôi lươn, hiện tỉnh Nghệ An vẫn chưa có công trình khoa học nghiên cứu nào khảo nghiệm hay khẳng định việc sử dụng các hooc môn để chuyển từ giai đoạn từ lươn cái sang lươn đực, để lươn đực được to hơn, chất lượng hơn.

Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, các nhà khoa học cần vào cuộc để kiểm nghiệm, làm rõ việc có hay không nuôi lươn bằng thuốc tránh thai, nhằm sớm có câu trả lời cho người tiêu dùng, trả lại uy tín cho thương hiệu và những người lươn tại Nghệ An .

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm rõ thông tin "vỗ béo" lươn bằng thuốc tránh thai