Tư vấn pháp luật

Làm rõ nguyên nhân ''phá sóng'' chìa khóa thông minh: Chủ nhà có vi phạm?

Việt An 23/06/2023 19:15

Cơ quan chức năng đã tìm ra nguyên nhân  hàng loạt ô tô, xe máy, cửa cuốn không thể sử dụng được chìa khóa thông minh để mở xảy ra trong bán kính 100m tại khu vực ngã ba phố Vọng - Nguyễn An Ninh là do một hộ dân đã tự lắp đặt một thiết bị tự động bật, ngắt nước vào máy bơm. Vậy hành vi của chủ nhà có bị xử phạt?

Những ngày qua, một số hộ dân sinh sống tại khu vực ngã ba Vọng - Nguyễn An Ninh (phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) phản ánh về việc nhiều ô tô, xe máy, cửa cuốn không thể sử dụng được chìa khóa thông minh để mở xảy ra trong bán kính 100m. Nhiều người dân cho hay họ đã phải khiêng xe máy ra khỏi khu vực trên mới có thể mở được khóa, thậm chí ô tô phải gọi cả xe cứu hộ để cẩu xe đi.

thiet-bi-gay-nhieu-song-o-ha-noi.jpg
Thiết bị gây nhiễu sóng tại khu vực ngã ba Vọng - Nguyễn An Ninh.

Sau khi tiếp nhận thông tin của người dân, UBND phường Đồng Tâm đã phối hợp các đơn vị liên quan vào cuộc, tìm hiểu nguyên nhân.

Chiều 22/6, cán bộ Cục Tần số vô tuyến điện và Công an Hà Nội đã xuống dùng thiết bị đo cả ngoài đường lẫn trong nhà dân. Sau khi đo tại ba nhà, đoàn kiểm tra phát hiện nguồn gây nhiễu là thiết bị điều khiển từ xa vô tuyến dùng để bật, tắt máy bơm nước tại một hộ gia đình ở phố Vọng.

Thiết bị này không rõ nguồn gốc, không có tem chứng nhận hợp quy; có chất lượng phát xạ không đảm bảo quy định trên tần số 433.9 MHz, băng thông 37.5Khz. Sau khi tắt thiết bị, các xe máy, ôtô đã có thể mở được khóa thông minh.

Được biết, sau sự việc, UBND phường và công an đã yêu cầu người dân ký biên bản cam kết, không vi phạm vấn đề này, đồng thời thu giữ thiết bị phát ra tín hiệu gây ảnh hưởng tới các xe có sử dụng chìa khóa thông minh.

Rất nhiều độc giả theo dõi vụ việc quan tâm đắt dấu hỏi việc gia chủ lắp đặt thiết bị có bị xử phạt?

luat-su-ha-khuyen.jpg
Luật sư Hà Thị Khuyên

Giải đáp vấn đề trên, Luật sư Hà Thị Khuyên - Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, sự việc trên đã gây gián đoạn và ảnh hưởng nhất định cho những cá nhân, tổ chức liên quan ở khu vực bán kính 100m quanh địa điểm có thiết bị “phá sóng”.

Tuy nhiên, việc chủ sở hữu máy bơm có phải chịu trách nhiệm cho những thiệt hại này hay không thì cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng, xem xét nhận thức và hành vi cụ thể của chủ máy bơm, hành vi là vô ý hay chủ ý, hậu quả đã gây những thiệt hại ra sao, để có biện pháp xử lý đúng quy định pháp luật.

Theo luật sư Khuyên, nếu chủ máy bơm nước lắp đặt thiết bị tự động bật ngắt nước vào máy bơm mà thiết bị này được phép lưu hành rỗng rãi trên thị trường thì chủ sở hữu máy bơm không hề có lỗi.

Còn trường hợp thiết bị này là thiết bị cấm sử dụng, là hàng lậu trôi nổi trên thị trường và thuộc danh mục thiết bị cơ quan chức năng khuyến cáo cấm sử dụng, mà chủ sử dụng máy bơm cố tình sử dụng thì có thể bị xem xét trách nhiệm pháp lý.

Nếu hành vi gây thiệt hại về tài sản cho cá nhân, tổ chức thì người thực hiện hành vi sẽ phải bồi thường cho cá nhân, tổ chức bị thiệt hại theo quy định tại Điều 589 Bộ luật Dân sự năm 2015. Các thiệt hại phải bổi thường bao gồm Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút…

“Đây là sự việc khá hi hữu, ngay cả chủ thiết bị máy bơm có thể cũng không biết việc lắp đặt thiết bị tự động bật ngắt nước vào máy bơm ảnh hưởng tới việc bật tắt xe có sử dụng chìa khóa thông minh. Vì vậy trường hợp này, có chăng chính quyền địa phương và cơ quan chức năng chỉ nên thuyết phục và giải thích để chủ sở hữu máy bơm biết để phối hợp tháo bỏ thiết bị này tìm cách lắp các thiết bị khác phù hợp để không ảnh hưởng tới người sử dụng phương tiện có sử dụng chìa khóa thông minh”, Luật sư Khuyên nêu ý kiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm rõ nguyên nhân ''phá sóng'' chìa khóa thông minh: Chủ nhà có vi phạm?