Trải qua bao thăng trầm lịch sử, khu di tích lịch sử Lam Kinh vẫn giữ nguyên vẹn những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, kiến trúc.
Nằm giữa vùng đất địa linh nhân kiệt của huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, khu di tích lịch sử Lam Kinh không chỉ là nơi an nghỉ vĩnh hằng của các bậc đế vương triều Lê mà còn là biểu tượng của tinh thần quật cường, ý chí độc lập tự cường của dân tộc Việt Nam.
Khu di tích Lam Kinh có diện tích khoảng 200 ha, bao gồm nhiều công trình kiến trúc cổ kính, uy nghiêm như Ngọ Môn, cổng chính vào khu di tích, được xây dựng với kiến trúc đồ sộ, uy nghi. Ngọ Môn có 5 cửa, cửa chính ở giữa chỉ dành cho vua đi, hai cửa tả hữu dành cho quan lại, hai cửa nhỏ hơn ở hai bên dành cho lính canh.
Tiếp đến là Sân Rồng, nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng của triều đình, được trang trí bằng những họa tiết tinh xảo. Điện Chính, nơi thờ cúng các vua Lê, được xây dựng với kiến trúc trang nghiêm, lộng lẫy, đặt ngai vàng và bài vị của các vua Lê.
Sau Chính Điện đến Thái Miếu, là nơi thờ cúng tổ tiên, các vị vua và hoàng thái hậu nhà Lê. Bên hông chính điện là nhà để bia Vĩnh Lăng được dựng sau khi vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) qua đời đưa về quê hương Lam Sơn an táng. Bia được dựng trên một gò đất cao rộng thoai thoải, mặt tiền nhìn về hướng Nam. Bia được làm bằng đá trầm tích nguyên khối. Rùa và bia có trọng lượng ước tính trên dưới 18 tấn.
Tiếp sau Thái Miếu là Vĩnh Lăng (mộ vua Lê Thái Tổ) được xây dựng trên một dải đất bằng phẳng, ở phía Nam chân núi Dầu.
Trong khuôn viên di tích còn có Giếng cổ lớn, nước trong xanh quanh năm không cạn, cùng rừng cây cổ thụ với những cây có tuổi đời hàng trăm năm, trong đó có cây đa thị hơn 300 năm tuổi.
Lam Kinh không chỉ là một khu di tích lịch sử mà còn là một không gian văn hóa đặc biệt. Nơi đây lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, từ kiến trúc, điêu khắc đến các lễ hội, phong tục tập quán. Trong khu di tích còn lưu giữ nhiều di vật lịch sử quý giá, như bia đá, đồ gốm sứ, đồ đồng…
Lam Kinh được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia từ năm 1962, đến năm 2012, được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt.
Vào dịp tháng 8 (Âm lịch) hàng năm, cứ đến ngày 21 (giỗ Lê Lai) và 22 (giỗ Lê Lợi), lễ hội Lam Kinh được tổ chức để tưởng nhớ công ơn các bậc tiền nhân.
Đến với Lam Kinh, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc cổ kính, uy nghiêm mà còn được tìm hiểu về những trang sử hào hùng của dân tộc.
Một số hình ảnh tại khu di tích lịch sử Lam Kinh: