Thông tin từ Sở Y tế TP.HCM cho hay, nguồn vắc xin dịch vụ Pentaxim 5 trong 1 đã không còn do các công ty nhập khẩu chưa nhập kịp loại vắc xin này.
Như vậy trong thời gian này, trẻ em có nhu cầu tiêm vắc xin Pentaxim sẽ phải tạm gián đoạn.
Cũng theo Sở Y tế TP.HCM, dự kiến sau tháng 9/2017, Công ty Sanofi Pasteur Việt Nam sẽ tiếp tục nhập thêm 63.000 liều vắc xin Pentaxim cho toàn quốc. Từ đầu năm đến nay, Công ty đã phân phối cho TP.HCM hơn 31.000 liều Pentaxim trong tổng số 107.000 liều nhập về Việt Nam nhưng hiện nay đã hết hàng do nhu cầu quá lớn.
Ngoài ra, một loại vắc xin dịch vụ khác là Infanrix (6 trong 1) đã hết hàng tại Việt Nam (khoảng 2 năm nay) cũng đang được một công ty dược hoàn tất các thủ tục xin phép Bộ Y tế để nhập về 120.000 liều trong tháng 10/2017. Nếu theo đúng kế hoạch trên thì sau tháng 10, thị trường vắc xin dịch vụ của Việt Nam sẽ đa dạng các chủng loại, tình trạng hết hàng hoặc khan hiếm sẽ cơ bản được giải quyết.
Vắc xin 5 trong 1 và 6 trong 1 liên tiếp khan hiếm trong nhiều năm nay
Trước tình hình trên, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm y tế Dự phòng TP.HCM đề nghị các bậc phụ huynh đã cho con em tiêm vắc xin dịch vụ trước đây, nếu chưa đủ số mũi thì vẫn có thể tiêm vắc xin tương tự trong chương trình tiêm chủng mở rộng là vắc xin Quinvaxem.
Hiện nay, vắc xin Quinvaxem được cung cấp đầy đủ tại khoảng 12 nghìn điểm tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ trên cả nước.
"Phụ huynh không nên chờ đến khi có vắc xin dịch vụ trở lại mà cần thực hiện chủng ngừa bằng vắc xin hiện có để bảo vệ sức khỏe, sinh mạng cho con mình", bác sĩ Dũng nói.
Các bậc phụ huynh cần tiếp tục phối hợp tốt với nhân viên y tế tiêm chủng như thời gian qua cho dù là tiêm vắc xin dịch vụ hay vắc xin chương trình, cần chủ động thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình khi đi tiêm vắc xin như đang ốm, sốt hoặc tiền sử dị ứng hay phản ứng mạnh với những lần tiêm chủng trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, sưng đau lan rộng tại vị trí tiêm hoặc có bất thường gì khác.
Theo ông Dũng, vắc xin Quinvaxem và Pentaxim có thành phần tương đương nhau, cùng phòng ngừa 5 bệnh gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, vi khuẩn Hib. Tuy nhiên, thành phần ho gà trong vắc xin Quinvaxem là ho gà toàn tế bào, trong khi ở vắc xin Pentaxim thành phần ho gà là vô bào. Điều đó giải thích cho lý do tại sao vắc xin ho gà toàn tế bào gây phản ứng tại chỗ và sốt nhiều hơn vắc xin ho gà vô bào.
Trước đó, vào cuối năm 2015, cũng xảy ra hiện tượng đứt vắc xin dịch vụ khiến phụ huynh cả nước lo lắng.