TAND tỉnh Bình Dương vừa mở phiên toà xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Văn Tú ( SN 1974, quê Thanh Hóa, ngụ thị xã Thuận An) về tội “Cố ý gây thương tích”.
Cả bị cáo và bị hại vốn là đồng hương, từng là “đối tác chiến lược” về mua bán thịt chó nhưng chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt đã quay sang “xử” nhau bằng dao. Người bị thương, kẻ vào tù, còn tình làng nghĩa xóm cũng nát tan chỉ vì cách ứng xử quá tệ hại...
Nguyễn Văn Tú bị cấp sơ thẩm tuyên phạt 4 năm tù giam về tội “Cố ý gây thương tích”, Tú kháng cáo, không đồng ý về tội danh, cho rằng bản thân bị kích động mạnh. Lời khai và các tình tiết được Tú khai tại phiên tòa và theo hồ sơ vụ án tái hiện lại câu chuyện rất đáng tiếc do văn hóa ứng xử kém, coi thường pháp luật của những người trong cuộc.
Nguyễn Văn Tú và ông Nguyễn Trọng Hòng (quê Thanh Hóa) có quan hệ buôn bán với nhau, ông Hòng là người buôn chó sống có quy mô lớn, bán cho các “đại lý” mổ thịt và phân phối lại cho các quán ăn. Theo lời khai ông Hòng, trong số bạn hàng, Nguyễn Văn Tú là người cùng làng, học cùng trường, có mối quan hệ đồng hương làm ăn chung. Ông Hòng bán chó sống cho Tú, mỗi tấn hơn 60 triệu đồng. Quá trình giao nhận hàng, ông Hòng nghi ngờ Tú “cân điêu” để trục lợi nên nghĩ cách kiểm tra.
Khoảng 3 giờ ngày 13/6/2015, ông Hòng cùng người làm trực tiếp đến quán Tú cân chó. Sau khi cân đối chiếu giữa cân của mình và cân của Tú, ông Hóng phát hiện với mỗi mã hàng, cân của Tú hụt 8kg so với cân của ông. Do đó, ông Hòng nói Tú buổi chiều xuống nhà ông để nói chuyện, Tú đồng ý.
Do chờ nhưng không thấy Tú đến như đã hẹn nên khoảng 20 giờ ngày 14/6/2015, ông Hòng mượn xe mô tô đi đến quán của Tú. Quá trình điều tra, Tú khai: Khi ông Hòng đến nhà, Tú cùng vợ là Phạm Thị Liên đang ngồi ăn cơm. Ông Hòng dừng xe tại sân nhà đi đến mâm cơm lấy nón bảo hiểm đập xuống bàn nhiều lần, sau đó hất mâm cơm xuống đất và đập 1 xe mô tô và 2 máy khâu của Tú. Đồng thời, ông Hòng dùng chân đá vào người con trai của Tú dẫn đến lời qua tiếng lại với chị Liên.
Ông Hòng dùng ghế nhựa đánh khiến chị Liên bỏ chạy. Thấy vợ, con bị đánh nên Nguyễn Văn Tú tức giận đứng dậy chạy đến bàn bán thịt chó gần đó lấy con dao chặt thịt chó dài 50cm đuổi theo nắm cổ áo ông Hòng tấn công vào vị trí vùng đầu sượt xuống cổ. Ông Hòng quay lại dùng mũ bảo hiểm giơ lên định đánh Tú thì bị Tú chém trúng vào tay trái. Gây án xong, Tú mang dao đến Công an phường tự thú.
Bị hại Nguyễn Trọng Hòng cho rằng khi đến nhà Tú, ông có đặt mạnh nón bảo hiểm lên bàn. Khi hai bên có lời qua tiếng lại, ông có dùng một chiếc tô sành ném vào chị Liên nhưng không trúng. Sau đó, ông bị Tú đuổi chém gây thương tích ở vùng đầu, gáy, bàn tay và nách phải với tỷ lệ 41%.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Nguyễn Văn Tú kháng cáo, không đồng ý về tội danh, cho rằng hành vi của bị cáo chỉ phạm tội “Cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”. Việc bị hại Nguyễn Trọng Hòng đến nhà bị cáo hất mâm cơm, đánh vợ, con bị cáo, đập phá hủy hoại tài sản của gia đình bị cáo không được xem xét. Bị cáo đã cố kiềm chế, nhặt cơm bị hất đổ dưới đất tiếp tục ăn, đến khi bị hại dùng mũ bảo hiểm đuổi đánh vợ bị cáo, bị cáo đã chạy theo để ngăn cản. Trên đường đi, bị cáo lấy dao chặt thịt chó chém bị hại gây thương tích.
Đại diện VKSND tỉnh Bình Dương xác định vấn đề ở cách các bên xử sự với nhau. Khi mâu thuẫn xảy ra, Tú có đủ điều kiện để cư xử theo cách khác, nhưng bị cáo đã chọn cách dùng dao chém bị hại. Có cơ sở khẳng định rằng bị cáo thực hiện hành vi với lỗi cố ý. Bị hại thực hiện hành vi có lỗi, tinh thần bị cáo bị kích động nhưng không phải trường hợp kích động mạnh, bị cáo chưa đến mức không nhận thức được hành vi của mình. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Cân nhắc các tình tiết, HĐXX nhận định: Hành vi do bị hại Nguyễn Trọng Hòng thực hiện đối với bị cáo Nguyễn Văn Tú và người nhà bị cáo là trái pháp luật, gây bức xúc, ức chế về tâm lý đối với bị cáo. Tuy nhiên, hành vi trái pháp luật do bị hại thực hiện chưa đến mức nghiêm trọng, bị cáo hoàn toàn có thể lựa chọn cách xử sự khác, để ngăn cản hoặc biểu lộ cảm xúc. Hành vi dừng dao chém bị hại gây thương tích cho bị hại đủ yếu tố cấu thành tội “Cố ý gây thương tích”.
Bị cáo Nguyễn Văn Tú “bị kích động về tinh thần” trong lúc bị cáo thực hiện tội phạm chỉ được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Từ đó bác kháng cáo, xử phạt Tú 4 năm tù về tội “Cố ý gây thuơng tích”.
Bài học về văn hóa ứng xử rút ra trong vụ án có lẽ không chỉ dành riêng cho cả bị cáo lẫn bị hại mà còn là kinh nghiệm chung cho mọi người, đừng vì những mâu thuẫn nhỏ, dùng vũ lực gây hậu quả lớn để rồi chuốc họa vào thân.