Nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá Việt Nam là điểm đến nhiều triển vọng, với môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện.
Tại cuộc họp báo công bố kết quả “Khảo sát về thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN Nhật Bản tại Việt Nam”, ông Kitagawa Hironobu, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Hà Nội cho biết, trong năm 2017, đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đã ghi nhận nhiều kỷ lục. Đó là số dự án đầu tư mới đạt 367 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm đạt 8,64 tỷ USD, đều cao nhất từ trước tới nay. Bên cạnh đó, trong số 5 dự án có vốn đầu tư cao nhất năm 2017, NĐT Nhật Bản góp tới 3 dự án; riêng 2 dự án nhà máy nhiệt điện của Nhật Bản đầu tư tại Thanh Hoá và Khánh Hoà có quy mô lớn nhất cả nước.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Khảo sát của Jetro trong năm 2017 ghi nhận tỷ lệ DN trả lời “có lãi” chiếm 65,1%, tăng 2,3 điểm % so với năm trước; trong khi DN trả lời “lỗ” là 19,4%, giảm 5,7 điểm % so với năm trước. Nếu tính theo loại hình DN thì trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo, tỷ lệ các DN gia công xuất khẩu trả lời có lãi là 67,5%, vượt mức bình quân so với tổng thể. Điều này cho thấy hoạt động của các DN Nhật Bản tại Việt Nam trong năm 2017 đạt hiệu quả cao hơn so với 2016.
Liên quan đến triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh, khoảng 70% DN Nhật Bản tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh và tiếp tục coi Việt Nam là địa điểm đầu tư quan trọng. Đại diện Jetro cũng lưu ý, tỷ lệ DN có ý định mở rộng hoạt động tại Việt Nam cao hơn so với nhiều nước xung quanh như Trung Quốc (48,2%), Thái Lan (47,2%), Indonesia (51,4%), Philippines (63,4%).
Về khuynh hướng đầu tư, bên cạnh tập trung đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thì hiện nay DN Nhật Bản cũng có xu hướng đầu tư vào nhiều ngành kinh tế khác của Việt Nam. Sở dĩ có sự dịch chuyển này là bởi, với các DN Nhật Bản, hiện Việt Nam không chỉ dừng lại là quốc gia giữ vai trò là trung tâm sản xuất mà còn là quốc gia đóng vai trò là trung tâm của các hoạt động sản xuất kinh doanh khác của họ.
Jetro cũng chỉ ra Việt Nam đang có nhiều yếu tố thuận lợi trong môi trường đầu tư như: Quy mô thị trường tốt, khả năng tăng trưởng cao, tình hình chính trị - xã hội ổn định, chi phí nhân công rẻ… tiếp tục là những điểm cộng để Việt Nam trở thành địa điểm đầu tư hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có DN Nhật Bản.
Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, Jetro cũng đã phản ánh một số vấn đề cần cải thiện liên quan liên quan đến môi trường đầu tư của các DN Nhật Bản. Đó là khoảng hơn 60% DN cho rằng chi phí nhân công tăng cao; khoảng 50% DN cho rằng hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận dụng pháp luật không rõ ràng; khoảng 40% DN cho rằng cơ chế, thủ tục thuế phức tạp, thủ tục hành chính phức tạp là các vấn đề DN chỉ ra và cần phải được nhanh chóng cải thiện.
Theo đại diện của Jetro, về chi phí nhân công, nguyên nhân lớn nhất là ở Việt Nam lương tối thiểu tiếp tục tăng lên qua các năm, tuy nhiên năng suất lao động trong các ngành cụ thể thì không tăng tương ứng so với mức tăng lương. Điều này đặt ra yêu cầu các ngành công nghiệp của Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để nâng cao năng suất lao động.
Một thách thức khác, đó là, hiện ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn chưa phát triển. Tỷ lệ cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện còn thấp. Đơn cử, năm 2017, tỷ lệ nội địa hóa nguyên vật liệu cung ứng cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ở mức 33,2%, giảm nhẹ so với năm 2016. Tỷ lệ này vẫn thấp so với Trung Quốc (67,3%), Thái Lan (56,8%)… Đặc biệt, tỷ lệ cung ứng của DN nội địa các vùng miền có sự chênh lệch, nếu như ở miền Nam là 15,8% thì ở miền Bắc chưa đạt 10%. Vì vậy thời gian tới Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để nâng cao tỷ lệ nội địa hoá, đưa DN trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Trước những vấn đề cần phải khắc phục nói trên, ông Hirobobu Kitagawa hy vọng thời gian tới cơ quan quản lý của Việt Nam sẽ đưa ra các chính sách cũng như thông điệp rõ ràng hơn để cải thiện môi trường đầu tư, thu hút dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam.