Làng lá dong Tràng Cát thuộc xã Kim An, Thanh Oai, Hà Nội từ lâu đời đã nổi tiếng với những cánh đồng dong xanh mướt, ngút mắt người, thế nhưng hiện tại, diện tích trồng dong đang dần bị thu hẹp “nhường” đất cho những cây cam…
Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km, thôn Tràng Cát nổi tiếng bởi nghề trồng lá dong từ những ngày mới thành lập làng, đến nay đã 600 năm. Lá dong Tràng Cát là dong nếp nên bầu lá tròn, dai, mặt dưới có màu xanh non, cuống lá dài đồng màu với gân lá. Trước kia, lá dong Tràng Cát được chọn để gói bánh chưng tiến vua, bởi khi dùng lá dong này để gói, bánh chưng vừa có màu xanh tự nhiên, đẹp mắt, vừa có hương thơm hấp dẫn.
Làng nghề lá dong Tràng Cát đã có truyền thống từ rất lâu đời
Truyền thuyết của làng kể lại rằng, xưa có một bà cụ tên là Đàm Xứ ở thôn My Hạ, xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, Hà Nội, đã rời gia đình đến một vùng đất bãi bồi ven sông Đáy sinh sống, lập ra thôn Tràng Cát bây giờ. Kể từ khi làng được thành lập, giống cây dong bỗng nhiên mọc lên khắp làng, từ đó nhân dân thôn Tràng Cát, truyền từ đời này sang đời khác, duy trì nghề trồng cây dong lấy lá, phân phối đi khắp mọi vùng miền.
Ông Nguyễn Quang Tú - Trưởng thôn Tràng Cát cho biết, diện tích cây dong hiện giờ còn rất ít.
Cách đây khoảng chục năm về trước, thôn Tràng Cát vẫn giữ nguyên được các đồng lá dong xanh mướt, ngút mắt người, cứ đến độ mùng 10/12 âm lịch hàng năm, bà con thôn Tràng Cát đã nhộn nhịp vào vụ mùa thu hoạch. Xe cộ thường tấp nập ngược xuôi cho đến cuối năm để vận chuyển lá dong đi nhập, đi bán cho các địa phương vùng phụ cận và xuất ra nước ngoài.
Xen kẽ giữa những ruộng dong là các vườn cam Canh
Thế nhưng, giờ đây trở lại thôn Tràng Cát, những cánh đồng dong xanh mướt đã không còn, thay vào đó là những cây cam Canh vàng ươm trĩu quả đang ngự trị trên đất trồng dong truyền thống của làng.
Còn rất ít hộ gia đình nơi đây mặn mà với cây dong truyền thống
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Tú (SN 1973) – Trưởng thôn Tràng Cát cho hay: “Trước đây cả làng ai cũng trồng lá dong, lá dong của chúng tôi nổi tiếng bởi được trồng trên nền đất bãi bồi, quanh năm được phù sa của dòng sông Đáy bồi đắp nên lá thường bầu, rộng, xanh non, dẻo thơm. Tổng diện tích trồng dong của làng vào khoảng 50 héc ta (chưa kể các gia đình trồng trong vườn nhà), cho thu nhập từ 10 – 15 triệu đồng/sào.
Người mặn mà với nghề trồng dong buồn vì nghề truyền thống dần bị mai một
Từ năm 2009, khi có cây cam Canh xuất hiện cho năng suất cao hơn gấp nhiều lần trồng dong, đa số người dân thôn Tràng Cát đã phá hết dong để trồng cam đồng loạt. Tuy có hơi buồn, nhưng vì cuộc sống, vì kinh tế nên đành phải chấp nhận “dồn ô, đổi thửa”, phát triển cây mới có năng suất cao hơn. Mặc dù biết rằng trồng cam phải bỏ nhiều vốn, nguy cơ rủi ro rất cao, phải chăm sóc thường xuyên kỹ lưỡng nhưng bà con thôn Tràng Cát tỏ ra rất quyết tâm, những gia đình trồng cam giờ đây cũng đã có kinh tế nhất định.”
Sẽ còn rất ít những khung cảnh thu hoạch dong nhộn nhịp này
Hiện giờ, còn rất ít hộ dân thôn Tràng Cát duy trì nghề trồng lá dong, hộ trồng nhiều nhất còn được biết đến là ông Phạm Trọng Uyên (5 sào), bà Nguyễn Thị Hách (3 sào), ông Phan Thanh Nhàn (4 sào)….
Cây dong truyền thống dần được thay thế bằng những cây cam Canh
“Mặc dù cây cam đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo cho bà con nhưng chúng tôi vẫn động viên bà con, trồng song song kết hợp giữa cam và lá dong để giữ lại cái nghề truyền thống lâu đời của cha ông, để mỗi độ tết đến xuân về, người dân cả nước lại nhớ đến hương vị của lá dong thôn Tràng Cát”. – Ông Tú cho biết thêm.