Kỳ vọng cung - cầu ngành điện cân bằng vào năm 2022

Trang Nhi| 22/05/2021 09:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nếu công suất điện mặt trời không thay đổi thì tỷ lệ cung - cầu điện trên toàn quốc sẽ đạt mức cân bằng năm 2022.

CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) vừa có báo cáo nhận định triển vọng lợi nhuận của các nhà máy nhiệt điện trong năm 2021 sẽ khá tiêu cực từ áp lực tăng giá khí/than đầu vào. Và phải đến năm 2022, cung - cầu điện mới cân bằng với mức tăng trưởng tiêu thụ điện về mức bình thường.

Lý giải nguyên nhân khiến ngành điện trong năm 2021 khá ảm đạm, SSI Research phân tích là do công suất tăng mạnh ở nhóm năng lượng mặt trời, nhu cầu tiêu thụ điện còn thấp và chu kỳ thời tiết La Nina. Từ đó, sản lượng huy động và hiệu suất hoạt động của nhà máy nhiệt điện sẽ thấp hơn và kèm theo tỷ sản lượng theo hợp đồng (% Qc) cũng sẽ giảm do EVN ưu tiên huy động nguồn thuỷ điện.

cung-cau-nganh-dien.jpg
Kỳ vọng cung - cầu ngành điện cân bằng vào năm 2022

Giá dầu nhiên liệu (FO), đại diện cho giá khí (46% FO), đã tăng bình quân 58% so với cùng kỳ từ đầu năm 2021. Một số công ty điện khí đặt kế hoạch giá khí khá cao, ví dụ như NT2 đặt kế hoạch giá khí là 7,2 USD/mbtu, tăng 21% so với cùng kỳ.

Theo quan điểm của SSI Research, giá than trong khu vực từ Australia và Indonesia cũng tăng sẽ áp lực cho Vinacomin (TKV) nâng giá bán than trong nước cho các nhà máy nhiệt điện. Sản lượng than nhập khẩu chiếm gần một nửa tổng lượng than tiêu thụ trong nước và chủ yếu nhập khẩu từ Indonesia và Australia.

Tính bình quân từ đầu 2021 đến nay, giá than giao ngay của Australia loại 6000 kcal/kg và giá than Indonesia loại 6322 kcal/kg lần lượt tăng 35% và 26% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, năm 2021 xảy tình trạng dư cung trong hệ thống điện toàn quốc do nhu cầu tiêu thụ điện yếu do dịch COVID-19 và công suất điện mặt trời tăng đột biến. Cùng với điều kiện thuỷ văn thuận lợi, hiệu suất hoạt động tại các nhà máy nhiệt điện thấp hơn.

Tuy nhiên, sang năm 2022, tỷ lệ cung/cầu điện trên toàn quốc sẽ đạt mức cân bằng.

Cụ thể, SSI giả định tăng trưởng tiêu thụ điện trên toàn quốc năm 2022 sẽ phục hồi trở lại tăng khoảng 8,1% YoY so với mức tăng 6,6% YoY trong năm 2021 và khoảng 2,5% YoY trong năm 2020. Điều kiện thủy văn có thể kém thuận lợi hơn vào đầu năm 2022. Sản lượng phát điện từ thủy điện có thể sẽ thấp hơn trong năm 2022.

Ngoài ra, hiệu suất hoạt động của các nguồn năng lượng tái tạo dự kiến sẽ dần đạt mức thiết kế, thay vì tỷ lệ thấp bất thường vào năm 2021 do dư cung.

Công suất bổ sung từ các nguồn truyền thống (nhà máy thủy điện và nhiệt điện) từ các nhà máy điện mới dựa theo quy hoạch của Bộ Công Thương và EVN. Công suất điện mặt trời trong giai đoạn 2020-2025 không thay đổi.

Theo số liệu thống kê, kết thúc năm 2020, công suất điện mặt trời đạt 16,6 GW, gần đạt công suất yêu cầu đến năm 2025 là 17,2GW. Mặc dù đã đạt đến công suất yêu cầu đến năm 2025 đối với điện mặt trời, SSI lo ngại rằng 6,3 GW vẫn đang được đề xuất trong giai đoạn 2021-2025 trong dự thảo Quy hoạch điện VIII.

Đây là một trong nhiều lý do khiến dự thảo Quy hoạch điện VIII đang được sửa đổi và trình lại vào tháng 6/2021.

Công suất điện gió đang có khoảng 4,4 GW đang được xây dựng và 6,2 GW còn lại sẽ được phát triển trong giai đoạn 2022- 2025, dựa trên dự thảo Quy hoạch điện VIII.

Với giả định tăng trưởng tiêu thụ điện khoảng 7,6%-8% trong giai đoạn 2022-2025, vẫn còn dư địa để triển khai dự án điện gió với công suất 6,2GW.

Nguồn cung - cầu điện trên toàn quốc kỳ vọng gần đạt mức cân bằng và ít có khả năng xảy ra tình trạng dư cung. Công suất của các nhà máy điện gió dự kiến sẽ ít biến động hơn so với các nhà máy điện mặt trời, thủy điện liên quan đến điều kiện thời tiết El Nino và La Nina.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ vọng cung - cầu ngành điện cân bằng vào năm 2022