TAND tỉnh Tây Ninh đã xét xử nhiều vụ án lớn do các tổ chức phản động gây ra, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng. Ký ức về những phiên tòa lịch sử vẫn đong đầy kỷ niệm đối với những người làm công tác xét xử ở vùng đất Chiến khu C…
Với bề dày lịch sử cách mạng, Tây Ninh là vùng đất bị các thế lực thù địch điên cuồng hoạt động chống phá. Sau ngày thống nhất đất nước, TAND tỉnh Tây Ninh đã xét xử nhiều vụ án lớn do các tổ chức phản động gây ra, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng.
Một phiên tòa xét xử các đối tượng chống phá cách mạng sau năm 1975
Tham vọng ngông cuồng của “Tổng cục trưởng Bảo quốc quân”
Ông Nguyễn Anh Đạt, nguyên Chánh án TAND tỉnh Tây Ninh từng làm công tác biên soạn lịch sử ngành Tòa án tỉnh nhà, ghi lại những phiên tòa lịch sử đầy vẻ vang của ngành TAND trong giai đoạn 1975-1998.
Những năm khó khăn nhất của Tây Ninh là giai đoạn 1978 – 1979, khi nổ ra chiến tranh biên giới chống lại lực lượng Khơ me Đỏ. Ngoài nhiệm vụ tuyên truyền giáo dục pháp luật, ngành Tòa án Tây Ninh còn phải sẵn sàng chiến đấu, vừa tăng gia sản xuất, tự túc lương thực. Thế nhưng với quyết tâm cao, tập thể cán bộ Tòa án Tây Ninh đã kịp thời đưa ra xét xử nhiều loại tội phạm, tuyên các bản án nghiêm khắc, có tác dụng răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.
Một trong những “đại án” ở thời điểm đó là vụ bị cáo Phạm Ngọc Trảng cùng đồng phạm phạm tội “Âm mưu lật đổ chính quyền”. Trước năm 1975, Phạm Ngọc Trảng là Hiền Tài Ban Thế Đạo, Hội Thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh. Từ tháng 5/1975, Trảng tập hợp lực lượng gồm Lê Ngọc Minh, Ngô Văn Trạng, Nguyễn Tấn Phụng và nhiều đồng phạm, trang bị 10 khẩu súng, 9 con dấu khăc tên tổ chức phản cách mạng. Chúng còn có hệ thống truyền thông, máy phát thanh có thể phát sóng bán kính lên đến 60 km.
Để thực hiện âm mưu lật đổ chính quyền, Trảng đề ra kế hoạch xây dựng lực lượng vũ trang và chính quyền các cấp như: Phân chia Việt Nam thành 3 miền Nam, Trung, Bắc, chia thành 12 vùng, thành lập hệ thống chính quyền cấp tỉnh, các cơ quan đối nội, đối ngoại... Trảng tự phong là Tổng cục Trưởng Bảo quốc quân, Tổng cục trưởng chính trị; Châu Mỹ Kim là Ủy viên kinh tài, Nguyễn Thành Điểm là Bí thư cao ủy điều hành Tổng cục tuyên huấn... Con dấu, mẫu cờ đều đã sẵn sàng để nhóm “làm cách mạng”.
Tính chất nguy hiểm của vụ án thể hiện Trảng cùng các đồng phạm ráo riết xây dựng lực lượng vũ trang, cấp chứng thư cho 200 tên, lập Tiểu đoàn 7, Tiểu đoàn 9, lập “Biệt đoàn quyết tử”... Khi có thời cơ, Trảng và đồng phạm nuôi tham vọng cấu kết với tập đoàn phản động quốc tế, gây bạo loạn lật đổ chính quyền cách mạng...
Để thực hiện ý đồ, Trảng cho lắp đặt đài phát thanh và phát thử 2 lần, tuyên truyền chiến tranh tâm lý. Trảng mở rộng tập hợp các phần tử phản động trong các tổ chức như Hòa bình chung sống, thương phế binh Cao Đài... xúc tiến thành lập các tổ chức những vùng chúng cho là xung yếu của tỉnh Tây Ninh như huyện Dương Minh Châu, Châu Thành, Bến Cầu...
Tuy nhiên, khi chưa kịp thực hiện những kế hoạch ngông cuồng, Trảng cùng đồng phạm bị Công an phát hiện, bắt giữ cùng số khí tài chuẩn bị sẵn. Phiên tòa xét xử “Tổng Cục trưởng” Phạm Ngọc Trảng được TAND Tỉnh Tây Ninh tổ chức lưu động tại vườn cao su Thị xã Tây Ninh (khu vực bảo tàng ngày nay) từ ngày 21 đến ngày 22/7/1978. Với hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, Phạm Ngọc Trảng, Nguyễn Thành Điểm, Đặng Ngọc Liêm nhận án tử hình; Nguyễn Minh Quang, Cao Trường Xuân, Lý Thành Trọng, Châu Mỹ Kim lãnh tù chung thân. Nhiều đồng phạm khác của Trảng lãnh án từ 7 đến 20 năm tù.
Tàn dư của Trảng và tổ chức này vẫn còn âm ỉ nên sau đó, TAND tỉnh Tây Ninh tiếp tục xử lý thêm 19 đối tượng. Đến năm 1980, tay sai của Trảng sa lưới toàn bộ, chấm dứt hoạt động.
Ủ mưu “cướp chính quyền”, “Trung đoàn trưởng” nhận án tử
Sau giải phóng, Tây Ninh có đến 60 tổ chức phản động, nhóm vũ trang bị bóc gỡ, hàng chục đối tượng đã tra tay vào còng, trong đó có “Trung đoàn trưởng” Nguyễn Văn Mạnh, kẻ điên cuồng thực hiện hành vi phạm tội “Âm mưu lật đổ chính quyền”.
Lật lại hồ sơ, Nguyễn Văn Mạnh là người di cư vào miền Nam năm 1954. Mạnh sốt sắng tham gia tổ chức phản động có tên “Mặt trận quốc gia giải phóng Việt Nam” từ tháng 10/1975. Với tinh thần chống phá cực đoan, Mạnh được các thượng cấp phong chức Trung đoàn trưởng 235 thuộc Sư đoàn 231 vào tháng 9/1976. Mạnh nhận nhiệm vụ móc nối xây dựng hoàn chỉnh khung trung đoàn, chuẩn bị bạo loạn lật đổ chính quyền cách mạng vào dịp tết Nguyên đán năm 1977.
Đến tháng 12/1976, Mạnh đã xây dựng tương đối hoàn chỉnh khung trung đoàn 235 với 4 tiểu đoàn chính thức, 3 khung tiểu đoàn dự bị. Tuy nhiên khi đến giờ “G” cướp chính quyền vào dịp tết 1977, chúng không thể thực hiện được. Không từ bỏ, chúng giao Mạnh thành lập thêm 1 trung đoàn 233 thuộc Sư đoàn 231. Mạnh tỏ ra rất quan tâm đến các “chiến hữu” dưới trướng nên đề nghị “Trung ương” phong cho Đinh Tiến Mậu làm Trung đoàn trưởng 233, Đào Văn Bạch làm Trung đoàn phó kiêm Chính trị viên trung đoàn. Lê Văn Thới làm Tiểu đoàn phó. Riêng Trung đoàn 235, Mạnh giao lại cho Nguyễn Thái Dũng làm Trung đoàn trưởng, Trần Minh Quang làm Tiểu đoàn phó.
Lời khai của các đối tượng cho thấy Mạnh đi móc nối với Lê Văn Nho, Chủ tịch “Mặt trận nhân dân cứu quốc tỉnh Tây Ninh” (tổ chức phản động lập từ tháng 6/1976); móc nối với nhóm Hà Tùng Linh trong tổ chức “Mặt trận quốc gia giải phóng Việt Nam” ở Đồng Nai về Tây Ninh.
Tổng số lực lượng Mạnh và đồng phạm xây dựng lên đến 454 tên, với 4 trung đoàn. Bên cạnh việc ra sức xuyên tạc chính sách chế độ của Nhà nước, Mạnh và đồng phạm hai lần phục kích tấn công khiến 1 xã đội phó, 1 Trưởng ban ấp hy sinh; 4 du kích khác bị thương. Chúng đã cướp 6 súng bộ binh các loại vào các đêm 7/6/1977 và 11/8/1978.
Trước sự manh động liều lĩnh của Nguyễn Văn Mạnh và đồng phạm, các lực lượng chức năng đã truy quét, triệt phá, đưa các đối tượng ra xét xử nghiêm minh. Với hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, HĐXX tuyên phạt tử hình Nguyễn Văn Mạnh, Lê Văn Nho, Phạm Bá Hùng; phạt tù chung thân 4 bị cáo, nhiều đối tượng khác lãnh án từ 10 đến 20 năm tù.
Có thể nói trong bối cảnh lịch sử giai đoạn đó, TAND tỉnh Tây Ninh tuy lực lượng thẩm phán rất thiếu nhưng với quyết tâm cao độ, đơn vị đã giải quyết hàng năm từ 55 đến 140 vụ án hình sự. Đặc biệt, đối với tội phản cách mạng, đơn vị tổ chức xét xử lưu động trên 40% số án giải quyết.
Những thành tích lớn lao đó của đội ngũ thẩm phán TAND tỉnh Tây Ninh đã góp phần quan trọng góp phần bảo vệ chính quyền, giữ vững thành quả cách mạng và sự bình yên cuộc sống cho nhân dân, tô điểm thêm trang sử hào hùng của ngành TAND.