Ký ức Tết

Nhà văn Tạ Duy Anh| 31/01/2014 08:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ký ức về Tết luôn là thứ bám dai dẳng nhất trong tâm hồn mỗi con người, bởi nó cũng chính là ký ức về khởi nguyên sinh thành mang tính vũ trụ. Cái vòng luân chuyển của thời gian chỉ khép lại ở điểm....

Chuyện ông kể

 

Một lần, vào tháng Củ mật, nửa đêm ông trở dậy thì phát hiện ra có kẻ đang khoét ngạch chui vào. Thằng trộm này già đời lắm nên nó khoét cứ nhẹ như không. Chỉ thấy tiếng lạo xạo như chuột khoét. Ông vội vàng cầm chiếc bồ cào răng làm bằng tre đực, đợi sẵn. Thằng trộm chỉ cần thò đầu nhoài vào, là ông bổ cho một nhát, kẹp chặt lấy cổ, có mà chạy lên trời. Lỗ hổng đã to lắm và ông bắt đầu nín thở. Kinh nghiệm cho ông biết tên trộm đang chuẩn bị chui vào. Đã có thể nghe tiếng thở của hắn, mà lại là tiếng thở dài mới lạ chứ. Chợt tất cả im phăng phắc. Sau đó có cái gì lờ mờ đang ngúc ngoắc nhoài vào. “Mẹ mày này!” - Ông miệng chửi, tay bổ xuống, chỉ nghe đánh “phụp” trong khi tên trộm “á à” lên một tiếng. Chiếc răng cào dính chặt vào thân... một khúc cây chuối! Thì ra tên trộm ranh mãnh thử trước động tĩnh và hắn đã lường đúng.

 

- May cho mày đấy con ạ! - Ông bảo kẻ bên ngoài.

- Tháng Củ mật mà cụ! - Tên trộm bịt mũi nói rồi cả ông và hắn cùng cười.

 

Chuyện của bố

 

Bố dắt lợn đi bán, ông dặn: “Tháng Củ mật, khéo mất Tết đấy nhá”. Bố đáp như đinh đóng cột: “Con sẽ giữ nó bất ly thân”.

Đến chợ, người đông như nêm cối. Bố dắt lợn chen vào. Người quát, người kêu... ỏm cả lên. Con lợn cứ tiếp tục chùn lại khiến bố luôn luôn phải ra sức kéo. Chợt bố gặp một ông bạn quen đang vấn thuốc. Bố chào khách đứng lại kể lể dông dài chuyện tết nhất. Khách mời bố vấn thuốc. Rồi cả hai ngửa cổ lơ mơ nhìn trời qua làn khói thuốc mỏng như van. Chợt ông khách hỏi:

- Ông đi chợ sắm Tết hay còn có việc gì khác?

- Tôi đi bán lợn.

- Lợn đâu? Tôi đang cần mua đây.

- Vậy thì ông mua đi! Tôi bán hạ cho.

Bố giật giật chiếc dây thừng đang bị mắc bởi mấy người chen vào mua lá dong. Bỗng một bà kêu thét lên:

- Đứa nào làm gì thế? Ấy kìa...

 

Bố tiếp tục kéo và khi bà ta gào lên khiến mọi người giãn ra, bố thấy đầu kia của chiếc dây thừng buộc vào cổ chân... một bà to như chiếc thùng phuy...

 

Chuyện của mẹ

 

Một hôm, nhớ lời ông dặn, mẹ dậy đưa lũ gà từ chuồng vào nhà ngang. Mẹ vừa mở cửa ra thì thấy một người đàn ông đang cõng tải thóc nếp vội vã tìm chỗ náu. Mẹ kinh hãi hỏi:

- Ai?

Có tiếng trả lời:

- Em.

- Em là ai?

 

Người đàn ông quỳ thụp xuống khiến bao thóc vật sang một bên:

- Em lạy chị! Cứ nghĩ đến các cháu không có Tết... mà không đành. Em cắn rơm cắn cỏ em lạy chị.

Mẹ như quả bóng sắp nổ vội xẹp xuống, dịu giọng hỏi:

- Tại sao lại chọn nhà tôi?

- Dạ, vì tháng Củ mật, các nhà đều cửa đóng then cài... ạ.

 

Giờ đây cứ mỗi khi đến tháng Củ mật tôi lại ngồi ôm gối nhớ ông tôi và mẹ tôi, lòng thầm mong bao giờ cho không còn tháng Củ mật.

 

Ký ức Tết

 

Ảnh minh họa

 

Chuyện của tôi

 

Tôi được mời đến làng Vàng ăn Tết. Tuy là dân nhà quê, tưởng đã thuộc làu các phép ứng xử nhiều khi chỉ người nhà quê mới đủ sức chịu đựng. Vậy mà lúc chủ nhân mời lên mâm, tôi xuýt toát mồ hôi về các nghi thức người ta phải làm suốt bữa ăn. Ngoài các món thông thường người nhà bưng lên một đĩa bánh, chỉ có thể gọi là bánh làng Vàng. Bánh làm bằng bột lọc, gói lá chuối tươi. Bánh bóc ra, chỉ vừa bằng cái đũa, không nhân, gần như trong suốt, loại bánh này biếu nhau cả trăm và thường biếu... bánh sống. Về nhà người được biếu đem đun sôi nồi nước rồi nhúng cả bó vào, lật qua vài lần là chín.

 

Năm cụ với tôi vừa tròn mâm. Rượu rót ra bốc mùi cay nồng. Đũa đã cầm tay sẵn sàng. Vậy mà phải 15 phút sau, bữa chén mới bắt đầu.

 

Thoạt tiên các cụ vái nhau đủ lượt, người nọ dâng rượu cho người kia, đưa đẩy mấy lượt vòng tròn. Cuối cùng một cụ nào đấy đành “thất lễ” “ngự” trước. Cụ nâng chén rượu lên ngang đầu, cất giọng cung kính:

- Mời cụ, mời cụ, mời cụ, mời cụ, mời anh (vì tôi còn trẻ).

 

Cụ nhấp một tí rồi đặt chén ngồi đợi.

 

Bốn cụ khác và tôi lần lượt làm lại động tác ấy. Bây giờ đến lượt gắp thức “đưa cay”. Lại một hồi đưa đẩy mới có cụ nào đó nâng đũa, hướng về từng người:

- Mời cụ, mời cụ, mời cụ, mời cụ, mời anh!

 

Và cụ gắp một sợi rau mùi bỏ vào bát, chưa vội ăn.

 

Các cụ khác cũng lặp lại điệp khúc “mời cụ” khiến bữa chén đầy ắp tiếng mời. Tôi tưởng qua lần đầu rồi thì thôi. Ai ngờ cho đến lúc tan cỗ, mỗi khi gắp thức ăn gì, từ củ hành đến sợi giá ngâm... vẫn phải mời đủ năm người còn lại. Cứ thế bữa ăn kéo dài 3 tiếng mà chả vơi đi được mấy. Chợt ai đó hốt hoảng giục tôi:

- Ấy chết, xin anh cứ tự nhiên! Anh chưa xơi gì cả.

 

Tôi cũng hốt hoảng không kém, bèn “nhập gia tùy tục” chắp tay trước ngực, gật về năm phía:

- Kính mời cụ, kính mời cụ, kính mời cụ, kính mời cụ, kính mời cụ!

 

Rất trịnh trọng, tôi nhặt lên một cái tăm…

 Cận Tết 2014

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ký ức Tết