Ký ức những phiên tòa giữa năm tháng hào hùng

An Dương| 13/09/2016 07:44
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tháng Giêng năm 1961, Trung tướng Trần Văn Trà, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam phổ biến Thông báo 09/TQU ngày 23/01/1961 của Tổng quân ủy cho các quân khu ủy về việc thành lập các Tòa án quân sự theo Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự.

Tại tỉnh Thủ Dầu Một và Tân Uyên, theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban quân sự tỉnh đã thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn cho các đơn vị vũ trang tập trung, khi cần thiết sẽ tổ chức Hội đồng xét xử tội phạm. Nhiều vụ án gián điệp đã được triệt phá, xét xử bằng những bản án nghiêm minh...

Vụ Xã đội trưởng bị "nữ tình báo viên nằm vùng" mê hoặc

Một trong những nhiệm vụ cấp bách của Tòa án trong thời kỳ 1945-1975 là xét xử tội mật thám phá hoại cách mạng. Thời kỳ đó, nhiệm vụ bảo vệ trong sạch chính trị nội bộ, an toàn cơ quan, nhất là cơ quan đầu não, bảo vệ phong trào cách mạng nhân dân rất cấp thiết, trong đó có nhiệm vụ chủ động tấn công vào lực lượng gián điệp đang tăng cường đánh phá.

Thời điểm giữa cuộc chiến từ 1960 - 1975, đặc điểm mô hình tổ chức của Tòa án nhân dân tại nhiều tỉnh miền Nam là không có cơ quan chuyên trách ở tỉnh, huyện mà chỉ thành lập Hội đồng xét xử khi có yêu cầu của cách mạng. Tùy theo đối tượng bị xét xử mà lập Hội đồng xét xử nhân dân, Hội đồng xét xử công nhân, Hội đồng xét xử quân sự. Đây là giai đoạn Hội đồng xét xử quân sự tại Thủ Dầu Một giải quyết nhiều vụ án rất lớn.

Trước năm 1965, do  mất cảnh giác nên một nữ tình báo viên của Ty cảnh sát Bình Dương (chế độ Việt Nam Cộng hòa) đã nằm vùng ở xã Tân An, huyện Châu Thành, tỉnh Thủ Dầu Một (giai đoạn 1957-1975), dưới lốt nữ hộ sinh, người dân gọi là “mụ Sáu đỡ đẻ”. Nữ tình báo nằm vùng đã mua chuộc được Xã đội trưởng Ba Bê. Bê nhiều năm bí mật làm tay sai cho Ty cảnh sát Bình Dương nhưng chính quyền cách mạng chưa phát hiện ra.

Ký ức những phiên tòa  giữa năm tháng hào hùng

Ba Bê vốn xuất thân từ nông dân nghèo, sau ngày đồng khởi, y tham gia du kích, làm Xã đội phó rồi lên Xã đội trưởng và được kết nạp vào Đảng. Do mất phẩm chất cách mạng, Ba Bê bị nữ gián điệp “mụ Sáu” mê hoặc và cam tâm làm nội gián. Từ đó, Ba Bê bí mật cung cấp nhiều tin tức quan trọng của ta cho địch. Hành vi “nối giáo” trên đã gây nhiều tổn thất lớn cho cách mạng. Địch từng phục kích, bắn chết nhiều du kích, cán bộ cách mạng về xã Tân An, Định Hòa hoạt động. Chúng còn mở rộng bao vây đánh phá căn cứ ta nhiều lần gây nhiều thiệt hại nặng nề.

Ngoài ra, Ba Bê còn tổ chức được 12 người khác vào nhóm nội gián gồm các tên Hương, Cúc, út Nga... làm nhân viên đánh máy văn phòng Thị ủy Thủ Dầu Một. Những người này có hoạt động lẻ tẻ, gây nghi ngờ trong nội bộ.

Vào khoảng tháng 3/1965, Công an huyện Châu Thành đến xã Tân An cùng Cấp ủy địa phương củng cố lại tổ chức, hoạt động của an ninh xã và phát động phong trào làm sạch nội bộ cơ quan xã. Qua phân loại, nhiều nguồn tin phát hiện Xã đội trưởng Ba Bê có dấu hiệu làm tay sai cho địch. Tin tức được đồng chí Ba Hoài, Bí thư chi bộ kiểm tra, xác định có căn cứ. Ngay lập tức, kẻ phản bội Ba Bê bị bắt giam, y khai nhận đã thực hiện những tội ác nêu trên. Hội đồng xét xử đã tuyên án tử hình Ba Bê về tội nội gián và phạt giam 12 tên khác tại xã Tân An.

Tòa án góp phần "diệt ác trừ gian"

Ngoài vụ án Ba Bê, tại huyện Lái Thiêu, tỉnh Thủ Dầu Một còn tổ chức nhiều phiên tòa xét xử gián điệp. Trong đó có vụ xử tử hình hai đối tượng Mừng, Thú đều làm gián điệp tại xã An Phú. Hai tên này là cán bộ xây dựng nông thôn đã từng phá hoại cơ sở cách mạng. Dân làng  ai cũng oán ghét tên Thú, còn  tên Mừng quê ở nơi khác nhưng theo vợ về xã An Phú hoạt động gây tội ác.

Nhiều phiên tòa xét xử các đối tượng phản cách mạng khác được tổ chức  tại huyện Tân Uyên, tỉnh Thủ Dầu Một trong tháng 5/1965 làm nức lòng quần chúng. Tại xã Bình Mỹ, Tòa án cách mạng xét xử vụ án Sáu Cụt  và  4 đồng phạm khác.

Sáu Cụt là tình báo của "Sở nghiên cứu chính trị" Sài Gòn đưa vào hoạt động vùng Phú Giáo, Tân Uyên, chỉ điểm, bắt bớ và giam cầm nhiều gia đình cách mạng, gây ra nhiều tội ác với đồng bào hai xã Bình Mỹ, Tân Bình. Sáu Cụt rất lộng hành vì y nghĩ rằng lúc đó có 1 lữ đoàn bộ binh Mỹ vào xây dựng khu quân sự tại thị trấn Phước Vĩnh, quận Phú Giáo, lực lượng cách mạng yếu thế không hoạt động được. Tuy nhiên, Sáu Cụt đã lầm, y bị bắt và đưa ra tòa. Trước Hội đồng xét xử và khoảng 200 đồng bào đến dự, bị cáo Sáu Cụt cúi đầu nhận tội chết.

Ký ức những phiên tòa  giữa năm tháng hào hùng

Thiếu tướng Tô Ký, Chánh án Tòa án quân sự Trung ương giai đoạn 1965-1967

Đầu mùa khô 1970,  tại huyện Dầu Tiếng, Tòa cũng xét xử vụ án, tuyên tử hình vắng mặt bị cáo Nguyễn Văn To. To đã chỉ điểm bắt 30 người ủng hộ Mặt trận dân tộc giải phóng. Hắn còn gài hơn 20 trái mìn diệt đoàn dân công đi lấy gạo nuôi quân. Do ta chưa bắt được To để thi hành bản án vì nhà y ở gần đồn địch. Sau bản án, các chiến sĩ an ninh giải phóng cải trang làm cảnh sát đột nhập vào nhà  To. To bị tiêu diệt với bản án tử hình để trên ngực nhằm cảnh cáo các đối tượng ác ôn khác.

Năm 1972, Tòa án cũng mở phiên tòa tại huyện Dầu Tiếng xét xử và tuyên tử hình tên Quí. Quí từng có thời gian tham gia quân giải phóng, sau đó “trở cờ”, đầu hàng giặc, phản bội nhân dân. Quí trở thành nhân viên tình báo cho Mỹ - Ngụy ở chi khu, phụ tá an ninh hoạt động ở ấp 6. Hắn làm chuồng cọp nhốt tù chính trị cả ngày lẫn đêm dưới trời nắng mưa bất kể, tra tấn đánh đập những người kháng chiến bị bắt, tổ chức mật thám ở ấp 2, vây bắt cán bộ ta về thăm gia đình. Sau cùng, Quý bị bắt và đã phải đền tội.

Tháng 10/1973, Tòa án quân sự khu Miền Đông tổ chức phiên tòa tại quận Dầu Tiếng tuyên án Nguyễn Văn Đực về tội "Đầu hàng phản bội làm tay sai cho địch" với án phạt giam 20 năm tù. Đực từng làm Tiểu đội trưởng thuộc Huyện đội Dầu Tiếng. Ngày 6/11/1969, khi đi chuyển gạo với đoàn, gặp địch Đực quá hoang mang, không dám chiến đấu, y bỏ chạy và làm mất 1 khẩu súng AK.

Do sợ bị kỷ luật nên Đực ra đầu hàng địch tại cầu Đục quận Dầu Tiếng. Kẻ thù sử dụng Đực làm tay sai chỉ điểm, nhiều lần đánh phá cơ sở, lấy vũ khí của du kích. Tháng 6/1971, Đực trở thành thám báo cho địch và tìm cách chui vào hàng ngũ cách mạng hoạt động bí mật. Đực được bố trí vào làm ở một bộ phận của Công binh Khu, nhưng nhờ tinh thần cảnh giác, chính quyền cách mạng  đã phát hiện tên này 2 lần lén lút báo cáo địch bằng văn bản. Đực biết sẽ bị bại lộ nên bỏ trốn, nhưng không thoát và phải nhận mức án 20 năm tù giam.

Các phiên tòa trong những tháng ngày kháng chiến hào hùng chưa có số liệu tổng hợp đầy đủ nhưng có ít nhất 27 vụ án hình sự với 98 phạm nhân, trong đó có 6 nữ bị cáo được đưa ra xét xử tại Bình Dương. Có 42  tên làm gián điệp; 2 tên phản bội đầu hàng và hàng chục tên khác làm tay sai, giết người cướp tài sản, cửa quyền, tham nhũng. Tòa đã tuyên phạt tử hình 38 tên, phạt giam 35 tên, cảnh cáo 23 tên, đặc biệt có 2 người tuyên “trắng án”, không phạm tội. Địa điểm thi hành án ở 23 nơi trong đó có 2 nơi ở vùng bị địch chiếm, còn lại 21 nơi ở vùng căn cứ.

Những vụ án xét xử trong thời chiến của Tòa án cách mạng đã gây hoang mang tinh thần đối với bọn tay sai, “nối giáo cho giặc”. Hoạt động của Tòa án giai đoạn này đã góp phần vẻ vang vào thắng lợi chung trong cuộc cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ký ức những phiên tòa giữa năm tháng hào hùng