Cứ mỗi dịp Tháng 4 về, dư âm của những ngày Tháng 4/1975 lại ùa về trong ký ức của những người lính trên chiếc xe tăng 390 thuộc Đại đội 4, Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2 lịch sử của dân tộc.
Chúng tôi gặp người pháo thủ số 1 Ngô Sỹ Nguyên và cùng ông ôn lại nhưng những kỷ niệm về “một thời hoa đỏ” qua lời kể của ông.
Sáng ngày 30/4/1975, chiếc xe tăng mang số hiệu 390 do Trung úy Vũ Đăng Toàn (chỉ huy xe), Trung sỹ Ngô Sỹ Nguyên (pháo thủ số 1), Thiếu úy Lê Văn Phượng (pháo thủ số 2) và Trung sỹ Nguyễn Văn Tập (lái xe) đã húc đổ cổng dinh Độc Lập, trụ sở cơ quan đầu não của chính quyền Ngụy Sài Gòn, đánh dấu chấm hết cho sự hiện diện của Mỹ và chính quyền Sài Gòn cũ, khẳng định chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Những ký ức không thể phai nhòe
Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Nghệ An đầy nắng gió, tháng 8/1971, khi đó, Ngô Sỹ Nguyên 19 tuổi nhưng chỉ nặng 40kg. Chàng trai trẻ nhập ngũ với quyết tâm được góp một phần công sức vào công cuộc giải phóng đất nước.
Sau 3 tháng huấn luyện bộ binh, mọi người nhận thấy Nguyên có sở trường bắn súng khi đạt điểm cao trong các kỳ thi bắn súng nên đã được chọn vào lính Tăng - Thiết giáp, Ngô Sỹ Nguyên cùng người đồng đội Nguyễn Văn Tập chính thức làm bạn với chiếc xe tăng 390 vào tháng 12/1971 (sau này có thêm chỉ huy Vũ Đăng Toàn và pháo thủ số 2 Lê Văn Phượng).
Ngày 25/3/1975, xe tăng 390 in vết xích trên sân Đại nội, giải phóng Cố đô Huế, rồi tiến ra cửa Thuận An chặn đường rút của địch bằng đường thủy. Cùng với đồng đội, ông tham gia giải phóng Đà Nẵng ngày 29/3/1975.
Ông Ngô Sỹ Nguyên bên tấm ảnh ông cùng các đồng đội làm nên chiến thắng lịch sử năm 1975
Sáng 10/4/1975 đơn vị ông bắt đầu hành quân từ Đà Nẵng vào tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Trên đường đi, một tiểu đoàn trinh sát đã tham gia giải phóng Ninh Thuận, Bình Thuận, Phan Rang, Phan Thiết. Đại đội của ông là lực lượng nòng cốt đi sau.
Theo ông Nguyên, chiếc xe tăng 390 “bị thương” nặng nhất là trong trận đánh căn cứ Nước Trong với nhiều vết đạn trên vỏ xe. Nước trong là trung tâm huấn luyện tổng hợp của địch, gồm ba trường thiết giáp, bộ binh, biệt kích dù, với lực lượng rất đông và nhiệm vụ của ông Nguyên cùng đồng đội là phải chiếm bằng được căn cứ này để dọn đường tiến về Sài Gòn. Tới 12 giờ ngày 28/4, đơn vị đã giải phóng toàn bộ căn cứ Nước Trong, tạo mũi thọc sâu cho Quân đoàn 2.
Sáng 30/4, Tiểu đoàn tăng 1 do ông Ngô Văn Nhỡ làm Tiểu đoàn trưởng được giao nhiệm vụ chủ công mở đường vào Sài Gòn, Đại đội 3 có nhiệm vụ cắm cờ trên dinh Độc Lập. Mũi thọc sâu bắt đầu đánh từ tổng kho Long Bình, qua cầu Đồng Nai, ngã ba Thủ Đức, ngã ba Thủ Dầu Một, đến cầu Sài Gòn. Tại đây, địch chống trả rất quyết liệt. Các loạt đạn từ xe tăng M48, M41, M113 bắn sang, tàu dưới sông Sài Gòn bắn lên, máy bay thả bom chặn bước tiến của quân giải phóng.
Với lòng quả cảm các chiến sĩ trên xe tăng 390 vẫn tiếp tục cho xe tiến lên giữa sự phản kích quyết liệt của địch, xe 390 vừa đi vừa phối hợp với các xe tăng khác hợp đồng tác chiến, dập tắt các điểm hỏa lực của địch. Khi tới ngã tư Hàng Xanh, lực lượng phản kích của địch gồm có xe M113, xe bọc thép và GMC đánh trả ác liệt.
Ông Nguyên kể lại thời khắc đó với giọng hào hùng: “Lúc đó vừa nhìn thấy lực lượng địch 2 đồng chí Toàn và Tập hô to “Nguyên, Nguyên... mục tiêu!”. Tôi còn nhớ như in lúc giọng hô này phát lên chưa kịp dứt thì tôi đã ngắm bắn xong và đạn pháo đã bay trúng mục tiêu khiến 2 xe địch bị tiêu diệt trong chớp mắt”.
Sau chiến công đó, xe 390 vượt lên dẫn đầu đội hình gấp rút tiến về chiếm dinh Độc Lập. Khi đến gần dinh thì xe ông đi chậm lại, xe 843 vượt lên. Đến cổng trái, xe 843 lại dừng lại, tắt máy.
Bốn anh em bên chiếc xe tăng 390 húc đổ cổng dinh Độc Lập ngày 30/4/1975
“Thấy vậy, đồng chí Tập lái xe hỏi có nên vào hay dừng lại thì đồng chí Toàn nói: “Cứ tông vào đi”. Ngay lập tức, lái xe Tập nhấn ga vọt lên, húc tung cánh cổng chính của Dinh Độc lập và lao thẳng vào trong sân. Chúng tôi vào trong sân, một đội hình xe tăng bọc thép của địch còn nguyên. Ngoảnh lại phía sau, chúng tôi thấy đồng chí Thận cầm cờ chạy theo xe tăng 390. Sau đó xe tăng 390 chạy chậm lại và yểm trợ đồng chí Thận. Đồng chí Toàn, trưởng xe 390 cũng cầm theo khẩu AK nhảy xuống xe và dồn tất cả nội các của Dương Văn Minh vào trong phòng lớn. Tôi lên sau và đứng gác ở cửa phòng. Lái xe Nguyễn Văn Tập ở lại giữ xe tăng, thiếu úy Lê Văn Phượng ngồi trong xe giữ khẩu 12 ly 7 chĩa lên phía lá cờ trên nóc dinh để yểm trợ cho Bùi Quang Thận cắm cờ”, ông Nguyên kể.
Sau khi có chỉ huy đến nói chuyện với Dương Văn Minh và đưa ra đài phát thanh tuyên bố đầu hàng. Những người chiến sỹ như ông cùng chung cảm giác sung sướng đến phát khóc khi được chứng kiến khoảnh khắc lịch sử - đích đến cuối cùng sau bao nhiêu năm các đồng đội, đồng chí của ông đổ xương máu cũng đã đến. Tất cả niềm vui hoà chung vào nước mắt.
Từ chiến sỹ xe tăng đến tài xế xe bus
Sau khi đất nước được giải phóng. Những người lính xe tăng 390 vẫn tiếp tục ở lại làm nhiệm vụ quốc tế giải phóng Campuchia khỏi sự diệt chủng của bè lũ Khmer đỏ và bảo vệ phía Bắc. Để rồi, khi về giải ngũ, họ lại tiếp tục với cuộc sống đời thường như bao người khác.
Rời quân ngũ, tháng 1/1982, ông Nguyên là một trong 24 sỹ quan của đơn vị được nhận nhiệm vụ mới về làm nhân viên xếp dỡ hàng hóa tại Cảng Phà Đen (Cảng Hà Nội ngày nay). Chính trong thời gian này, ông đã gặp và nên duyên vợ chồng với cô gái Nguyễn Thị Bé vào năm 1983, sau đó cùng sinh sống tại Thủ đô Hà Nội. Hai người con của họ lần lượt ra đời vào năm 1985, 1986.
Tháng 10/1992, ông thôi công tác tại Cảng Phà Đen và mua xe ba bánh về chở hàng. Năm 1996, ông Nguyên bán xe lam, “lên đời” chiếc xe gát 69 để chở hàng hóa thuê. Rồi ông học lái ôtô lấy bằng E và chính thức chuyển sang lái xe buýt cho Xí nghiệp xe buýt 10/10 vào năm 2002, đảm nhận lái xe tuyến 28 và 37.
Ông Ngô Sỹ Nguyên cùng với cái duyên với nghiệp “tài xế”
Từ chiến sỹ xe tăng lại đến tài xế xe buýt, đối với ông nghề nào ông cũng đều nêu cao tinh thần trách nhiệm. Từng ấy năm lái xe buýt là từng ấy năm kỷ niệm đối với ông. Nhiều hành khách lên xe nhận ra ông là người pháo thủ năm xưa đã không giấu nổi niềm vui và chạy tới chỉ để xin ông một kiểu ảnh chụp chung làm kỷ niệm. Tháng 7/2012, ông về nghỉ hưu sau chặng đường dài cống hiến cho công cuộc giải phóng và đổi mới đất nước.
10 năm chinh chiến với xe tăng 390, 10 năm làm công nhân Cảng Phà Đen, 10 năm lái xe lam, gát 69, 10 năm lái xe buýt là những quãng thời gian không thể nào quên của cuộc đời ông.
Hiện giờ, với mái tóc đã “pha sương”, những vết nhăn đã hằn trên khuôn mặt nhưng khi nhắc đến quá khứ, ông vẫn như sống lại thời trai trẻ với quá khứ hào hùng của dân tộc. Sau khi nhìn những đồng đội trong tấm ảnh lưu kỷ niệm ông lại quay sang nhìn vào tờ lịch treo trên tường. Mắt dưng dưng, ông nói: “Vậy là cũng được 40 năm rồi đấy cháu ạ!”.