Mỗi lần nhớ tới dịp đón Bác Hồ về thăm đơn vị, rồi được ngồi ăn cơm cùng Bác, trong kí ức của ông Cao Xuân Đào (84 tuổi) trú xã Diễn Hoa, huyện Diễn Châu (Nghệ An) lại bồi hồi xúc động. Với ông những kí ức về Bác vẫn còn vẹn nguyên như ngày nào.
Cũng như bao thế hệ thanh niên khác khi đất nước đang chiến tranh loạn lạc, vừa đến tuổi 17-18, chàng trai trẻ Cao Xuân Đào lên đường nhập ngũ phục vụ cho Tổ quốc. Năm 1953, ông thuộc Trung đoàn 44, Sư đoàn 308 của Bộ tổng tham mưu. Sau mười ngày tham gia huấn luyện tân binh ngắn ngủi, trung đoàn 44 được điều động tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Năm 1954, sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, đơn vị di chuyển về Thái Nguyên để xây dựng nhà cho phái đoàn kiểm tra hiệp định đình chiến gồm các nước: Việt Nam, Ấn Độ, Cananda, Ba Lan. Sau đó về Trại Cờ (tỉnh Bắc Giang) để tổ chức ăn mừng chiến thắng chiến dịch Điện Biên Phủ của Sư đoàn 308. Cũng tại đây, ông Đào đã được gặp Bác Hồ khi Người tới thăm và chúc mừng đơn vị. “Lúc biết có Bác Hồ tới thăm, những người lính trẻ như chúng tôi ai ai cũng vui sướng lắm. Bác Hồ tới gặp các cán bộ chiến sỹ rồi nói chuyện với mọi người trong khoảng 30 phút, dù không được trò chuyện cùng Bác hay được tiếp xúc gần bên Bác nhưng với tôi đó là khoảnh khắc hạnh phúc, vui sướng đáng nhớ trong cuộc đời này”- ông Đào nhớ lại.
Ông Đào (ngồi giữa ở bên phải) vinh dự được ngồi ăn cơm cùng Bác trên tàu HQ154
Đến ngày 10/10/1954, đơn vị ông chuyển về Hà Nội để tiếp quản Thủ đô. Sau hai năm ông được đơn vị gọi đi tuyển quân, chuyển đơn vị sang Hải quân để tham gia đi học tại Trung Quốc. “Việc tuyển quân được thực hiện tại Quốc Tử Giám (Hà Nội), và được lựa chọn trong 6 Sư đoàn nhưng chỉ tuyển được 100 người đạt được yêu cầu, tôi nằm trong số đó. Lúc đó tôi cũng không hiểu chuyển đơn vị để làm gì cả, nhưng nghe bảo được đi nước ngoài học, mình lại trúng tuyển nên vui sướng lắm”- ông Đào cười tươi nói.
Tháng 4/1955, đoàn 100 người được thành lập và đi sang Trung Quốc để học về Hải quân. Sau hơn một năm được học tập, huấn luyện trên 4 tàu chiến bằng sắt của Trung Quốc với nhiều bài học khổ luyện, khắc nghiệt về sử dụng pháo, ngư lôi...100 chiến sỹ về nước trên 4 chiếc tàu sắt của Trung Quốc từng được dùng để huấn luyện. Đó cũng là những chiếc tàu sắt đầu tiên của lực lượng Hải quân Việt Nam lúc bấy giờ.
Bác Hồ cùng bác Nguyễn Lương Bằng chụp hình lưu niệm cùng các cán bộ, chiến sỹ tàu HQ154.
Đoàn quân di chuyển về trường Hải quân ở Hải Phòng, tại đây ông Đào làm công tác huấn luyện cho các cán bộ, chiến sỹ ở trường. Đến ngày 28,29,30/5/1959, trường Hải quân vinh dự được Bác Hồ tới thăm và làm việc, ông Đào lần thứ 2 được gặp lại Bác.
Bác tới thăm các cán bộ, chiến sỹ tại đây, sau đó Bác cùng bác Nguyễn Lương Bằng lên tàu HQ154 để đi thăm và làm việc với tỉnh Quảng Ninh. Ông Đào vinh dự được đi cùng Bác trên chuyến tàu đó, với những cảm xúc vui sướng dâng trào đến khó tả. Sau chuyến thăm đó của Bác, ông cùng các cán bộ chiến sỹ được chụp chung với Bác tấm hình khi đứng trên tàu HQ154 làm kỷ niệm.
Điều khiến ông Đào khó quên nhất đó là khi được ngồi ăn cơm cùng với Bác, ông Đào nhớ lại: “Ngày làm việc thứ hai, Bác tiếp tục lên tàu để đi ra đảo Hòn Rồng (Quảng Ninh). Khi đã đến giờ trưa, cán bộ đã mời Bác ăn cơm theo tiêu chuẩn của cán bộ chiến sỹ trên tàu, Bác vui vẻ nhận lời. Tôi và một chiến sỹ khác được đơn vị cử đến ngồi ăn cơm cùng Bác, đó là kỷ niệm đẹp về vị Cha già giản dị, gần gũi mà sâu sắc khiến tôi không bao giờ quên”- ông Đào bồi hồi nhớ lại.
Đối với ông, được gặp Bác Hồ, được ngồi ăn cơm cùng Bác là những kỷ niệm không bao giờ quên
Kết thúc ngày làm việc thứ ba ở đảo Cát Hải (TP Hải Phòng), ông Đào có nhiệm vụ bảo vệ Bác lúc đi. Lúc đón Bác quay về trường, các cán bộ chiến sỹ ở đây đã tổ chức buổi gặp mặt chia tay Người. “Các đơn vị đã chuẩn bị quà để tặng Bác làm kỷ niệm, riêng đơn vị tôi tặng Bác bông hoa đá ở dưới biển. Nhận món quà này, Bác tươi cười rồi bảo “Hoa đá thì đẹp nhưng không ăn được, giá như các chú tặng Bác quả bầu, quả bí thì tốt hơn” – ông Đào xúc động nói.
Nhớ những lời nói sâu sắc của Người, thời gian sau trong toàn đơn vị đã phát động phong trào tăng gia sản xuất. Nhiều rau, củ, quả được trồng với năng suất cao hơn. Nhiều đơn vị mang quà gửi biếu Bác khiến ai nấy cũng vui mừng.
Sau 32 năm gắn bó trong hàng ngũ quân đội, đến năm 1985 thì ông về nghỉ hưu ở quê nhà và tiếp tục đóng góp sức mình xây dựng quê hương. Nhớ về Bác Hồ, đôi mắt ông rơm rớm nước mắt khi sắp đến lần sinh nhật thứ 127 của Người. Rồi trong đôi mắt mờ đục ấy lại rạng ngời lên niềm vui, niềm tự hào lại dâng trào thành cảm xúc khi nghĩ về lúc được đón tiếp Bác tới thăm, được đón Bác lên tàu và ngồi ăn cơm cùng Bác.
Giờ đã về già, không còn làm được gì nhiều nữa, thời gian rảnh rỗi ông thường chuyện trò với những người bạn già trong làng, hay quây quần bên con cháu. Nhưng dường như mỗi lần nghĩ tới Bác Hồ trong lòng ông lại dâng lên một nỗi niềm xúc động. Đôi tay ông run run xoa nhẹ lên những tấm hình chụp chung với Bác. Đó không chỉ là niềm tự hào, mà còn là tấm gương để ông học tập và noi theo để dạy bảo con cháu của mình. Với ông những lần vinh dự được đón Bác Hồ sẽ không bao giờ quên.