Chúng tôi may mắn được gặp Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai, nguyên Chính ủy Trường Sĩ quan Lục quân 2 – Đại học Nguyễn Huệ, để nghe ông kể lại những kỷ niệm sâu sắc không thể phai mờ về những ngày tháng thực hiện nhiệm vụ giáo dục, cải tạo hàng binh.
"Lớp học đặc biệt" dành cho những sĩ quan
Đầu tháng 5/1975, một số sĩ quan quân đội đang học tại Học viện Chính trị, được giao nhiệm vụ rất quan trọng, đó là chuẩn bị vào Nam cải tạo tù binh là sĩ quan quân đội chính quyền Sài Gòn. Khi đó, Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai và mười bốn đồng chí khác được phân công công tác tại trung tâm cải tạo tù hàng binh thuộc Trung đoàn 3, Sư đoàn 500 tại căn cứ Trảng Lớn, tỉnh Tây Ninh. Tổ công tác do đồng chí Tư Tâm, Trưởng khoa giáo viên chính trị H12 khi đó làm Tổ trưởng, phụ trách chung toàn bộ giáo viên Trung đoàn 3, Sư đoàn 500.
“Trước khi đi, chúng tôi được học tập, quán triệt kỹ về công tác địch vận; chính sách hòa hợp dân tộc; công tác tuyên truyền, giáo dục, cải tạo tù, hàng binh. Ngày 16/6/1975 tổ công tác của chúng tôi có mặt tại Sài Gòn, cùng đi còn có đồng chí Vượng, đồng chí Tơn... Chúng tôi về ở nhờ nhà ông Năm Thường, ấp Tân Thới, xã Tân Hiệp và được cấp trên phổ biến cụ thể hơn tình hình mọi mặt sau giải phóng; chương trình, nội dung, yêu cầu, phương pháp quản lý, tuyên truyền, giáo dục và cải tạo tù hàng binh”, Thiếu tướng Khai nhớ lại.
Trảng Lớn là căn cứ quân sự Sư đoàn 25 Tia chớp nhiệt đới của quân đội Mỹ. Sau giải phóng, đây là nơi ta dùng để tập trung cải tạo, giáo dục tù hàng binh, đối tượng quân hàm từ thiếu úy đến thiếu tá, có khoảng 13.000 người gồm đủ các sắc lính: bộ binh, pháo binh, cảnh sát, tình báo, biệt phái, sĩ quan tâm lí chiến. Tất cả được chia thành ba trung đoàn, mỗi trung đoàn có năm tiểu đoàn, mỗi tiểu đoàn từ 800 đến 1.000 đối tượng.
Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai (thứ ba từ phải sang) tại Khu di tích Trường Miền (xã Hòa Hiệp, Tân Biên, Tây Ninh)
Đối tượng tù hàng binh sĩ quan hầu hết đều được đào tạo rất cơ bản, với ý thức chính trị phản đối cộng sản hằn sâu, không dễ một sớm, một chiều giáo dục, cải tạo họ có thể thay đổi được. Chương trình, nội dung tuyên truyền, giáo dục tù hàng binh khi đó chủ yếu chỉ ra cho các đối tượng thấy rõ âm mưu chính sách thực dân kiểu mới của Mỹ, phân tích làm rõ tội ác của địch; làm rõ thắng lợi vĩ đại, tất yếu của cách mạng Việt Nam; chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc của Đảng ta, của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam với những người thực tâm hối cải...
Mỗi ngày ở đơn vị “đặc biệt” này, những giáo viên giảng bài khi ấy thường gặp các câu hỏi của tù binh như: Ông cho tôi biết nhà cửa của chúng tôi có bị tịch thu? Vợ, con, cha, mẹ có bị quản thúc, ngược đãi? Bố là sĩ quan, đã nghỉ hưu, có phải đi cải tạo? thời gian cải tạo bao lâu?… Những băn khoăn của hầu hết hàng binh khi đó đều được các giáo viên giải đáp thỏa đáng theo chính sách của Đảng, Nhà nước đối với tù hàng binh. Chính vì vậy các đối tượng này cũng đã phần nào yên tâm cải tạo, không dám có tâm lý chống đối.
Tướng Khai tại buổi nói chuyện với học viên Trường Đại học Nguyễn Huệ
Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai kể: “Khi đó, tôi thấy rằng đây không phải là lớp học thông thường mà rất đặc biệt, không phải quan hệ thầy - trò mà là giữa những người cách mạng thực hiện cảm hóa những người từng lầm lỡ, và giữa người chiến thắng và kẻ bại trận. Tôi được cấp trên phân công giảng bốn bài và giảng bài đầu tiên để rút kinh nghiệm. Do vậy tôi đã được trực tiếp gặp gỡ tù binh để tìm hiểu. Tôi chuẩn bị bài giảng rất kỹ, giảng thử để anh em góp ý và được nhận xét là có nội dung, phương pháp tốt, có thể áp dụng được với đối tượng mà mình thực hiện nhiệm vụ...".
Cảm hóa hàng binh nhờ chính sách khoan hồng
Buổi đầu tiên đứng lớp, thiếu tướng Khai phải giảng bài trước gần 1.000 hàng binh và gần 100 đồng chí giáo viên và là cán bộ quản giáo của ta dự, rút kinh nghiệm. Do đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước nên bài giảng của Thiếu tướng thu hút được sự quan tâm, chú ý lắng nghe của học viên. Nhiều người trong số hàng binh bộc lộ sự cầu thị, hướng thiện. Sau buổi học, không khí trong tù hàng binh có phần cởi mở hơn, từng tốp nhỏ trao đổi với nhau về các chính sách khoan hồng của cách mạng...
"Sau buổi học đầu tiên diễn ra suôn sẻ thì một tình huống khá bất ngờ thú vị nảy sinh trong buổi học thứ hai. Lúc đó là giờ giải lao giữa hai tiết giảng, một tù binh trạc tuổi khoảng 35 - 36, nhìn vẻ trí thức, hỏi tôi: Dạ, thưa ông, ông đánh giá như thế nào về Lê Văn Duyệt? Tôi nhìn thẳng vào anh ta một lúc rồi trả lời ngay: "Tả quân Lê Văn Duyệt là một công thần trụ cột của triều Nguyễn, ông ta là kẻ vừa có tội, vừa có công. Nhưng các anh không phải Lê Văn Duyệt!"", Thiếu tướng Khai nhớ lại.
Người này im lặng, một lát nói “dạ” rồi bước lẫn vào đám đông. Lúc đó, Tướng Khai nghĩ: Chắc người tù binh đó cũng muốn được cách mạng đánh giá như Lê Văn Duyệt, vừa có tội, vừa có công. Nhưng khi nghe thầy nói “các anh không phải là Lê Văn Duyệt” thì anh ta bị hẫng và không dám nhìn.
Thiếu tướng Khai thắp hương Khu lưu niệm ở Trảng Bàng, Tây Ninh
Sau khóa học đó, phần lớn học viên đều hiểu được chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta, hiểu được những việc làm sai trái của mình trong quá khứ, từ đó không còn chống đối cách mạng, chống đối chính quyền. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tướng Khai đối với "lớp học đặc biệt" này là vào năm 1978. Lần đó, ông và đồng chí Hoàng Gia Thưởng đang đứng ở công viên Quách Thị Trang, gần chợ Bến Thành chờ xe, có người chạy đến trước mặt chào hỏi vồn vã, tay bắt mặt mừng. Sau vài lời giới thiệu, "thầy" Khai nhớ ra đây là tù binh sĩ quan chính quyền Sài Gòn.
Suốt buổi hàn huyên, ánh mắt anh ta luôn nhìn tướng Khai với con mắt hàm ơn và kính trọng. Đến lúc chia tay, anh ta ấp úng: "Em mang ơn thầy! Nếu không có những bài giảng của thầy, chắc giờ em vẫn còn đang lầm đường lạc lối. Nhờ thầy nên em mới có cuộc sống bình yên như ngày hôm nay...". Nói xong, hai mắt anh ta rưng rưng lệ...
Thiếu tướng Nguyễn Viết Khai chia sẻ: "Mỗi lần gặp lại những hàng binh như thế, ở đâu đó trong đời sống, thấy họ nói chuyện có cuộc sống tốt, không còn mặc cảm, không bị phân biệt đối xử… tôi luôn cho rằng, đó chính là nhờ chính sách đúng đắn, nhân đạo của Đảng ta. Riêng tôi, luôn lấy đó làm bài học kinh nghiệm sâu sắc cho mình và chỉ dẫn anh em, nói chuyện cùng anh em để có những cách làm kiên quyết, khôn khéo, hiệu quả trong giáo dục, đào tạo, trong tiến hành công tác dân vận khu vực...”.