Yêu đơn phương, không được người con gái đáp trả, Nguyễn Đăng Thành đã mù quáng đâm chết người con gái gã “thầm yêu trộm nhớ”.
Vào cuộc điều tra, cơ quan chức năng xác định đối tượng này bị tâm thần nên bắt buộc đưa đi chữa bệnh. Sau 5 năm điều trị, bị cáo trở lại bình thường, Tòa đưa vụ án ra xét xử, nhưng chỉ… gọi điện cho gia đình nạn nhân biết, chứ không có giấy triệu tập theo quy định.
Hoãn phiên tòa vì gia đình nạn nhân chỉ biết xử qua… điện thoại
Ngày 11/12, TAND TP.HCM đưa vụ án Nguyễn Đăng Thành, sinh năm 1981, quê ở huyện An Nhơn, Bình Định ra xét xử về tội “Giết người”.
Theo cáo trạng, năm 1999, Nguyễn Đăng Thành thi đậu vào trường Đại học Bách khoa TP.HCM. Sau khi ra trường, Thành đã từng làm cho nhiều doanh nghiệp và có đi một số nước để làm.
Năm 2004, Thành có quen biết với chị V. (con gái của một Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học nổi tiếng). Đến năm 2010, Thành đơn phương có tình cảm với V. nhưng không được chị V. đáp lại.
Nghi ngờ chị V. có bạn trai làm cùng công ty nên Thành đã có lần đến tận công ty để gây sự, đánh người mà Thành cho là “tình địch” của mình. Tuy nhiên những lần đó đều được can ngăn kịp thời.
Khoảng 10 giờ ngày 27/2/2011, Thành lấy con dao quấn vào giấy báo rồi nhét vào vớ giày, sau đó Thành chạy xe máy tới nhà chị V. để nói chuyện.
Khi đến gần tới nhà V., Thành dừng lại quan sát và thấy chị V. đi từ trên lầu xuống sân nói chuyện với một người đàn ông.
Khi người đàn ông vừa đi khuất, Thành liền chạy tới nói chuyện với chị V., nhưng chị V. bỏ lên nhà. Thành chộp lấy tay chị V. níu lại, rồi cúi xuống lấy con dao đã chuẩn bị sẵn, đâm liên tiếp nhiều nhát chí mạng vào ngực, lưng, bụng, tay chị V.…
Sau khi gây án, Thành lên xe chạy về phòng trọ tắm rửa, thay quần áo rồi tới nhà anh trai ở quận Gò Vấp chơi. Sau đó Thành đi thuê khách sạn ngủ. Ngày hôm sau, khi Thành về nhà anh trai xin tiền để bỏ trốn thì bị Công an bắt giữ.
V. dù được đưa đi cấp cứu, do vết thương quá nặng: thủng phổi, thủng tim, thủng gan… nên đã tử vong trước lúc tới bệnh viện.
Cáo trạng của VKS cho rằng, đủ cơ sở truy tố Thành về tội “Giết người” theo khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự.
Nguyễn Đăng Thành tại phiên tòa ngày 29/11
Đáng lưu ý tại phiên tòa lần này, gia đình của Giáo sư – tức phía nạn nhân – vắng mặt vì Tòa đã không triệu tập.
“Thật ra gia đình có biết mở phiên tòa, nhưng mà biết qua điện thoại, đó là lý do gia đình nạn nhân đã không dự tòa” – Luật sư phía bị hại nói.
Dù thiếu vắng gia đình nạn nhân, HĐXX vẫn cho phiên xử tiếp tục, mãi đến khi thấy sự vắng mặt này khó đảm bảo đến phán quyết phiên tòa, HĐXX mới tạm ngưng, nhằm triệu tập phía gia đình nạn nhân.
Bất ngờ bị… tâm thần
Liên quan tới vụ án, sau khi Thành gây án, trong suốt quá trình điều tra khoảng 5 tháng đầu, Thành khai nhận toàn bộ hành vi của mình mà không có biểu hiện gì bất thường.
Đến khoảng tháng 8/2011, Thành có biểu hiện bất thường, cơ quan chức năng đã tiến hành trưng cầu giám định tâm thần với Nguyễn Đăng Thành.
Kết quả giám định của Viện Pháp y Tâm thần Trung ương 2 tại Biên Hòa cho thấy, trước lúc gây án Nguyễn Đăng Thành trầm cảm trung bình do nguyên nhân bệnh lý, đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.
Cơ quan chức năng đã quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh với Nguyễn Đăng Thành.
Đến tháng 4/2016 Viện Pháp y Tâm thần Trung ương 2 thông báo cho cơ quan điều tra, bệnh tình của Thành đã ổn định và không cần phải chữa bệnh nữa.
Vụ án được phục hồi, VKS truy tố Thành về tội “Giết người” theo khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự. Tòa mở phiên tòa và tạm hoãn như đã nói trên.
Đáng lưu ý là tại phiên tòa này, Thành khai báo hết sức thành khẩn, trả lời hết sức mạch lạc rõ ràng, nhớ cụ thể diễn biến vụ án.
Bị cáo Thành khai rằng “Bị cáo và chị V. không có mâu thuẫn gì cả. Thực sự đến bây giờ hàng đêm bị cáo cũng không ngủ được và cố suy nghĩ nhưng bị cáo cũng không biết vì sao mình lại giết chị V.…”.
Đáng lưu ý là Thành khai thường xuyên mang theo dao, nhưng chỉ để phòng thân vì thời gian đó tâm thần bị cáo không được bình thường, chứ không hề có chủ ý giết ai cả.
Trước thái độ rất bình thường của bị cáo Thành tại phiên tòa, HĐXX “truy” đại diện Viện pháp y tâm thần giải thích thêm về bệnh tình của bị cáo cả trước, trong và sau khi gây án.
Trả lời HĐXX, đại diện Viện Pháp y tâm thần cho biết hiện nay tình trạng sức khỏe tâm thần của bị cáo còn bị trầm cảm nhẹ, không ảnh hưởng tới trí nhớ. Tuy nhiên tại thời điểm gây án bị cáo bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.
Liên quan tới bệnh tình của Thành, đại diện bị hại bức xúc cho rằng chính Thành từng nhiều lần đe dọa giết chị V. “Việc giám định bị cáo bị tâm thần là không thật sự khách quan vì bị cáo là người thông minh, nhanh nhẹn, làm kỹ thuật ở nhiều doanh nghiệp, suốt 6 tháng đầu trong trại giam bị cáo khai báo hết sức bình thường, không nhắc gì tới việc bị tâm thần cả, vậy tại sao sau đó lại cho rằng trong lúc gây án bị cáo bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi?” – Gia đình bị hại nói.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn luật sư TP.HCM – bảo vệ cho gia đình nạn nhân) cho rằng: Vụ án có dấu hiệu "chạy giấy tâm thần để thoát tội", với nhiều khuất tất chưa được làm rõ trong quá trình điều tra. Tình tiết đáng chú ý, trong vụ án này có hai lần giám định tâm thần, nhưng cho kết quả trái ngược nhau. Lần đầu cấp tỉnh giám định thì xác định không tâm thần, 4 tháng sau thì cấp Trung ương cho kết quả ngược lại đầy ẩn khuất ?!
Cũng theo luật sư Hưng, “Bị cáo từng là một sinh viên xuất sắc với nhiều thành tích học tập nổi bật và từng đi du học. Trước khi gây án, vì bị từ chối tình cảm, bị cáo đã có một thời gian dài đeo bám quyết liệt và đe dọa giết cả gia đình nạn nhân nhiều lần. Bị cáo đã rình trước nhà nạn nhân 4 ngày trước khi ra tay sát hại...”.
Từ phân tích, lập luận trên, ông Hưng nói rằng “Với những tình tiết như vậy, khó có thể tin được bị cáo bị bệnh tâm thần, dù chỉ là một dấu hiệu... Chúng tôi và gia đình nạn nhân sẽ làm rõ những ẩn khuất, để đòi lại sự công bằng cho gia đình người bị hại trong phiên toà sắp tới...”.