Sau khi tốt nghiệp Đại học Pháp lý Hà Nội (nay là Đại học Luật Hà Nội), tôi được phân công về TAQS Quân khu 2 công tác.
Hơn 20 năm miệt mài với cán bộ, chiến sỹ và bà con các dân tộc 9 tỉnh phía Bắc, tôi vinh dự được Chủ tịch nước bổ nhiệm các chức danh: Thẩm phán TAQS Khu vực (nay là Thẩm phán sơ cấp), Thẩm phánTAQS Quân khu (nay là Thẩm phán trung cấp).
Vào năm 2004, Tòa cấp dưới có Tòa án quân sự Khu vực 1 và Tòa án quân sự Khu vực 2. Riêng Tòa án quân sự Khu vực 1 đóng quân tại Yên Bái, có thể gọi là vùng sâu, vùng xa nên có khó khăn về số lượng Thẩm phán. Để kịp thời hỗ trợ hoạt động xét xử, đảm bảo chất lượng giải quyết án cho Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 2, Đảng ủy Tòa án quân sự Quân khu 2 đã ra Nghị quyết đưa Thẩm phán Tòa án cấp quân khu về Tòa án quân sự Khu vực 1 làm “cố vấn” nghiệp vụ theo chế độ luân phiên với thời gian 3 tháng.
Giờ đây, nghe câu chuyện Thẩm phán làm “cố vấn”, có thể nhiều người thấy lạ, nghe kỳ kỳ, nhưng với chúng tôi khi đó, đây là một giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng xét xử toàn ngành.
Ngày ấy, với chức danh Thẩm phán Tòa án quân sự Quân khu, tôi “xung phong” làm cố vấn “thứ nhất” tại Tòa khu vực 1, Quân khu 2. Dừng chân tại Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 2 đúng lúc hoàng hôn vừa buông đầu núi. Nhận phòng và cơm nước xong đã 21 giờ, cũng là lúc các đồng đội trong cơ quan rời trụ sở về với tổ ấm riêng của mình.
Trụ sở mênh mông chỉ còn lại hai cán bộ xa nhà và một chiến sỹ công vụ. Đang tư lự trong phòng thì bỗng có tiếng gõ cửa nhè nhẹ. Bước vào phòng là anh bạn Thẩm phán trẻ Trịnh Xuân Hoàng với tập hồ sơ trên tay. Vốn đã từng quen biết nhau trong công tác, nên sau đôi câu chào hỏi, Hoàng vào đề ngay:
- Chị ơi! Em biết chị đi đường mệt, nhưng ngày kia em “ngồi” xử rồi, chị cố gắng đọc giúp em vụ này xem có vấn đề gì cần lưu ý không. Em cũng nghiên cứu kỹ và tranh thủ ý kiến các Thẩm phán khác thấy không có gì đặc biệt. Tuy nhiên, em mới được bổ nhiệm, kinh nghiệm chuyên môn còn hạn chế, em muốn xin ý kiến chị trước khi xét xử để yên tâm “thăng đường”.
Vừa giơ tay đón tập hồ sơ, tôi vừa nói:
- Chú nghiên cứu kỹ rồi chứ gì! Cứ bình tĩnh mà xét xử, dần dần công việc sẽ quen, lại giỏi ngay ấy mà!
Nguyên Phó Chánh tòa Tòa Phúc thẩm II TAQS Trung ương Nguyễn Thị Tuyết
Để không mất thời gian của tôi, Hoàng xin phép ra về, còn lại tôi một mình với mênh mông màn đêm tĩnh mịch, trong tiếng âm u của núi rừng Tây Bắc. Cầm tập hồ sơ, cho rằng án sơ thẩm cấp khu vực thường đơn giản, rõ ràng, Viện kiểm sát đã truy tố là chắc ăn rồi, không có gì phải băn khoăn, nên lúc đầu tôi có ý định chỉ đọc lướt lấy lệ mà thôi. Nhưng càng đọc, tôi càng bị hút vào các chứng cứ, tài liệu và tình tiết không bình thường của hồ sơ.
Vụ án hình sự chỉ có một bị cáo tên Bàn, họ Tạ, bị truy tố về tội Tham ô tài sản theo khoản 1 Điều 278 BLHS năm 1999. Số tiền mà bị cáo bị cáo trạng kết luận chiếm đoạt là hơn 10 triệu đồng. Dù giá trị tài sản “bị chiếm đoạt” không lớn, nhưng dù sao nó vẫn vượt quá mức tối thiểu được quy định tại khoản 1 Điều 278 BLHS năm 1999 nên không thể không xử lý.
Đối với chủ thể Tạ Văn Bàn, bị cáo là lao động hợp đồng của một đơn vị quân đội với nhiệm vụ là lái xe ủi, thời gian đó, anh ta có nhiệm vụ san ủi đất thuộc một dự án xây dựng mà đơn vị trúng thầu. Xe ủi của đơn vị, bị cáo cũng như các lái xe khác được đơn vị cấp phát dầu tại kho theo chế độ khoán, trên cơ sở định mức tiêu thụ chung mà đơn vị đã xây dựng đối với xe cùng loại. Nếu khối lượng công việc hoàn thành tương ứng với số dầu đã ứng (theo tiêu chuẩn định mức đơn vị giao) thì lái xe được xác định không bị nợ dầu (tức là đã thanh toán xong), nếu chưa hoàn thành đủ khối lượng công việc tương ứng lượng dầu đã ứng thì có nghĩa là lái xe còn treo nợ một lượng dầu nhất định và sẽ phải “ủi” cho đủ khối lượng công trình, sau đó mới được ứng dầu tiếp.
Vào một ngày, do đơn vị chậm thanh toán tiền lương, bí tiền tiêu, Bàn xin ứng dầu của đơn vị (để thi công công trình) nhưng rồi anh ta lại đem bán lấy tiền tiêu. Sự việc bị bắt quả tang ngay sau khi bên mua nhận hàng và giao tiền. Toàn bộ lượng dầu được tạm thu về đơn vị để giải quyết.
Sau đó, Tạ Văn Bàn bị khởi tố về tội Tham ô tài sản theo khoản 1 Điều 278 BLHS năm 1999. Quá trình điều tra, đối chiếu sổ sách của thủ kho, Cơ quan điều tra đã xác định được bị cáo còn bị treo nợ số dầu vừa ứng, có giá trị hơn 10 triệu đồng (lượng dầu này vẫn được treo nợ trong sổ sách thủ kho và kế toán của đơn vị). Sau khi có Kết luận điều tra, bị cáo bị truy tố ra trước Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 2 về hành vi Tham ô tài sản theo khoản 1 Điều 278 BLHS năm 1999 (như Kết luận điều tra đề nghị).
Bất giác, tôi hoang mang về sự ngộ nhận và quá chủ quan của mình. Rằng tại sao mình lại nghĩ án cấp sơ thẩm là đơn giản, rằng khi Viện kiểm sát đã quyết định truy tố thì chẳng có gì đáng bàn cãi. Một kiểu tư duy hết sức hồ đồ, chủ quan. Lúc đó tôi đã hiểu ra một điều, việc xác định ranh giới giữa tội phạm hình sự và vi phạm hành chính hay quan hệ dân sự trong quá trình xét xử nói chung, trong giải quyết án hình sự thuộc thẩm quyền cấp sơ thẩm nói riêng là vô cùng quan trọng. Bởi hành vi khách quan của loại tội ít nghiêm trọng thường có sự giáp ranh hết sức mong manh giữa tội phạm và vi phạm, giữa quan hệ pháp luật hình sự và quan hệ pháp luật dân sự, khiến cho Thẩm phán, nếu không thận trọng thì nguy cơ hình sự hóa các quan hệ dân sự và kết án oan người không phạm tội là rất cao.
Chỉ nghĩ tới từ “oan” thôi, tôi đã không thể cho phép mình nghiên cứu qua quýt tập hồ sơ anh bạn Thẩm phán trẻ đã gửi gắm. Tôi bắt đầu tập trung nghiền ngẫm hồ sơ, không bỏ qua bất kỳ một chi tiết nào để tìm ra chứng cứ chứng minh việc tội phạm và các chứng cứ gỡ tội, để trả lời một cách nghiêm túc câu hỏi: Cáo trạng truy tố đã thực sự chính xác chưa?
Đọc xong toàn bộ hồ sơ và tạm yên tâm với đánh giá, kết luận của mình về tính chất hành vi mà bị cáo bị truy tố, cũng là lúc gà đã gáy canh tư. Chỉ đến lúc này, cơn buồn ngủ mới kéo đến, tôi thanh thản chìm sâu vào giấc ngủ muộn.
Vừa tới giờ làm việc, tôi đề nghị được trao đổi nội dung vụ án với lãnh đạo Tòa án và Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, để đưa ra những phản biện cần thiết với cáo trạng.
Tại buổi họp bất thường ấy, về cơ bản, mọi người thống nhất với quan điểm truy tố, còn việc xử lý bị cáo như thế nào sẽ phụ thuộc vào kết quả tranh tụng và diễn biến tại phiên tòa. Về phần mình, tôi trân trọng và lắng nghe quan điểm của từng người, đồng thời cũng đề nghị mọi người nghiên cứu thêm những vấn đề phản biện mà tôi đưa ra, đề nghị thận trọng xem xét kỹ các dấu hiệu đặc trưng của tội Tham ô tài sản được quy định tại khoản 1 Điều 278 BLHS năm 1999.
Cụ thể: Khi thực hiện hành vi ứng dầu rồi bán dầu lấy tiền tiêu, Tạ Văn Bàn có phải là người có chức vụ, quyền hạn trong việc quản lý tài sản của Nhà nước hay không? Bị cáo có chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý hay không? Hành vi chiếm đoạt tài sản đã hoàn thành chưa? Khi mà khoản nợ dầu tương ứng với hơn 10 triệu đồng bị truy tố hiện vẫn đang treo nợ trong sổ sách kế toán đơn vị và Bàn không phủ nhận điều đó. Phải chăng, hành vi ứng dầu của bị cáo (theo cơ chế “nhận khoán” trên cơ sở định mức tiêu chuẩn mà đơn vị đã xây dựng cho các lái xe) sau đó bán lấy tiền tiêu chỉ là hành vi vi phạm nghĩa vụ dân sự, là quan hệ pháp luật dân sự giữa lái xe và đơn vị?
Trước những ý kiến tôi đưa ra, mọi người đã nghiêm túc bàn thảo, tranh luận, trên cơ sở lý luận về tội phạm và quy định của pháp luật hình sự, từ đó làm rõ bản chất của hành vi bị cáo bị truy tố. Cuối cùng, mọi người đều nhất trí cao với nhận định hành vi của Tạ Văn Bàn chỉ là hành vi vi phạm nghĩa vụ dân sự, không thỏa mãn các dấu hiệu đặc trưng của tội “Tham ô tài sản”.
Hôm sau, phiên tòa vẫn diễn ra theo đúng trình tự tố tụng. Trong quá trình xét hỏi và tranh luận, một số điểm quan trọng được Chủ tọa tập trung xác minh làm rõ như: Diễn biến hành vi phạm tội, ý thức chủ quan của bị cáo khi thực hiện hành vi vi phạm, có hay không mục đích chiếm đoạt tài sản của đơn vị? Đơn vị của Bàn có thể bị thiệt về tài sản hay không?... Những tình tiết quan trọng của vụ án đã được HĐXX làm sáng tỏ thông qua lời trình bày của bị cáo, nguyên đơn dân sự, đại diện đơn vị quản lý bị cáo cũng như giá trị pháp lý của tài liệu kế toán, thủ kho, hậu quả pháp lý phát sinh từ khoản nợ đang “treo” mà bị cáo có trách nhiệm phải thi công một khối lượng công trình tương ứng (và không được cấp phát dầu nữa). Kết quả phiên tòa càng chứng minh một cách rõ ràng nhận định ban đầu của tôi là có cơ sở - cơ quan buộc tội đã hình sự hóa một quan hệ pháp luật dân sự.
Từ kết quả tranh tụng, HĐXX sơ thẩm đã quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung để thu thập thêm chứng cứ chứng minh tội phạm.
Sau một thời gian tiến hành điều tra bổ sung theo yêu cầu của Tòa án, chúng tôi nhận được quyết định đình chỉ vụ án từ Cơ quan điều tra. Theo đó, bị cáo được phục hồi các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Vậy là, với sự hỗ trợ kịp thời của vị “cố vấn” đầu tiên trong đêm đầu tiên “nhậm chức” ấy, với sự cầu thị, lắng nghe và thận trọng của Chủ tọa phiên tòa Trịnh Xuân Hoàng, cùng quá trình làm việc nghiêm túc, toàn diện, khách quan của HĐXX, quyền con người và quyền công dân của bị cáo Tạ Văn Bàn đã được bảo vệ. Một cái kết có hậu trong cuộc đời làm nghề của tôi, đó cũng là niềm hạnh phúc trong thời gian làm “cố vấn” tại Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 2 của tôi - kỷ niệm ngày đầu tiên trên cương vị “cố vấn”.
Sau này, khi đã trải qua các vị trí công tác cao hơn, tôi luôn nhớ về kỷ niệm đó như một lời nhắc nhở về sự thận trọng cần thiết trong công tác xét xử, rằng khi giải quyết án, không bao giờ được phép chủ quan, đơn giản đối với bất kỳ vụ việc nào, dù là nhỏ nhất. Và đó còn là niềm vui nho nhỏ, cung cấp nguồn năng lượng dồi dào để nuôi dưỡng niềm đam mê trong nghiên cứu và xét xử của tôi trong suốt những năm tháng công tác trong ngành Tòa án. Hy vọng rằng, thông điệp từ câu chuyện nhỏ của tôi là kinh nghiệm có ích cho thế hệ trẻ ngành Tòa án, giúp các em lưu tâm hơn, thận trọng hơn trên con đường bảo vệ công lý.